Thứ Hai, 6 tháng 6, 2016

Từ 'di sản' Phó chủ tịch tỉnh, bàn về luân chuyển cán bộ

Quốc Phong

MTG - Từ câu chuyện ông Trịnh Xuân Thanh, Phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang thì có thể cần xem lại về quy trình bổ nhiệm và chất lượng cán bộ được xem là nguồn của Đảng. Điều khiến dư luận quan tâm chính là tại sao một cán bộ từng làm doanh nhiệp, gây thua lỗ lớn ở đơn vị cũ, từng bị Thủ tướng yêu cầu làm rõ để xử lý thì lại được "đá lên", điều quả là vô cùng khó hiểu về công tác cán bộ của chúng ta.

Câu chuyện ông Phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang tự lo xe con phục vụ công tác thay vì dùng xe theo chế độ công vụ được nhà nước ban hành, những tưởng sẽ là điều có thể được dư luận hoan nghênh với điều kiện chiếc xe ông dùng vẫn giữ biển trắng và xe đó chỉ là xe loại thường, kém hơn hoặc tương đương xe theo chế độ mà ông Phó chủ tịch lẽ ra được sử dụng. Tuy nhiên, dư luận đã "nổi sóng" mấy ngày qua cũng chính từ việc ông dùng 2 biển số cho một chiếc xe quá sang trọng, trái với quy định của nhà nước. Hơn nữa, chiếc xe có giá trị quá lớn, gấp 4-5 lần giá trị chiếc xe mà cấp của ông được dùng. Điều khiến dư luận quan tâm chính là tại sao một cán bộ từng làm doanh nhiệp, gây thua lỗ lớn ở đơn vị cũ, từng bị Thủ tướng yêu cầu làm rõ để xử lý thì lại được "đá lên", điều quả là vô cùng khó hiểu về công tác cán bộ của chúng ta.

Trong bài viết này, tôi không bàn đến câu chuyện xem ra có phần rất phản cảm, đó là việc ông Phó chủ tịch Trịnh Xuân Thanh mượn xe của bạn để phụng sự đất nước(!). Không lẽ nhà nước hiện nay lại thiếu tiền đến nỗi vậy hay sao? Tôi chỉ muốn bàn đến một nội dung, đó là việc tuyển chọn nhân sự cán bộ đi luân chuyển cơ sở hiện nay.

Luân chuyển cán bộ là một chủ trương đúng đắn của Đảng về công tác nhân sự. Qua cách luân chuyển này, người có năng lực thực sự, có khát vọng cống hiến sẽ có dịp được tiếp cận cơ sở, hiểu hơn đời sống từ cơ sở và qua đó thử thách phẩm chất và năng lực điều hành của người lãnh đạo. Từ đây, họ sẽ học tập, tích lũy vốn sống, có nhiều kinh nghiệm lãnh đạo để trưởng thành hơn. Và Đảng cũng từ đó có nguồn cán bộ tốt, dồi dào để kế cận mỗi khi đến nhiệm kỳ Đại hội khoá mới...

Một đảng cầm quyền nào cũng vậy, nếu còn muốn nắm quyền lãnh đạo đất nước mà lại không có nguồn nhân lực lãnh đạo kế cận tốt, dồi dào thì đó là một nguy cơ cho sự tồn vong của chính mình.

Song, từ câu chuyện ông Trịnh Xuân Thanh, Phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang, một "cán bộ nguồn" của Đảng, nguyên Chánh Văn phòng Ban Cán sự Đảng Bộ Công thương, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Xây lắp dầu khí VN (PVC) – Tập đoàn Dầu khí quốc gia VN thì có thể cần xem lại về quy trình bổ nhiệm và chất lượng cán bộ được xem là nguồn của Đảng. Tôi cảm nhận, nó đang có vấn đề nghiêm trọng. Nói cách khác, đang có nhiều lỗ hổng rất đáng bàn.

Theo báo Thanh niên ngày 3.6 thì PVC, đơn vị do ông Thanh làm Chủ tịch từng được phong danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới (năm 2011), "tuy nhiên PVC đã thua lỗ liên tiếp các năm 2012 – 2013. Báo cáo của Ban kiểm soát tại Hội đồng cổ đông thường niên của PVC năm 2014 cho biết, năm 2013 PVC thua lỗ 2.228,5 tỉ đồng, trong đó riêng công ty mẹ lỗ 1.927 tỉ đồng. Lũy kế cuối năm 2013, công ty mẹ - PVC lỗ hơn 3.262 tỉ đồng. Trong năm 2013, hoạt động sản xuất kinh doanh tại các công ty con của PVC gặp rất nhiều khó khăn, nhiều đơn vị gần như không có việc làm trong suốt năm.

Từng rót rất nhiều vốn vào các công ty con, công ty liên kết trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, nhưng PVC đã gặp quả đắng khi thị trường đi xuống, các công ty trên không có việc, không bán được hàng. PVC sử dụng phần lớn vốn điều lệ (3.428,68 tỉ đồng/4.000 tỉ đồng vốn điều lệ, tương đương 85,72%) đầu tư góp vốn vào các đơn vị, tuy nhiên, báo cáo của Ban kiểm soát cho hay, việc chỉ đạo và giám sát hoạt động của các đơn vị còn yếu, hiệu quả vốn đầu tư thấp. Đặc biệt từ cuối năm 2011, khi nền kinh tế khủng hoảng, các đơn vị bộc lộ toàn bộ các yếu kém trong hoạt động sản xuất kinh doanh dẫn đến tình trạng thua lỗ. Năm 2012, một số dự án trọng điểm bị ngừng, giãn tiến độ hoặc vướng mắc chưa triển khai được khiến PVC thua lỗ hơn 1.848 tỉ đồng.

Tháng 1.2014, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo số 49 nêu ý kiến kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại hội nghị tổng kết công tác năm 2013 và triển khai kế hoạch năm 2014 của Tập đoàn Dầu khí quốc gia VN (PVN). Đáng chú ý, trong thông báo này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu PVN phải kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của tập thể và từng cá nhân trong việc kinh doanh thua lỗ gây khó khăn cho Tập đoàn của Tổng công ty CP Xây lắp dầu khí VN, xử lý nghiêm các hành vi sai phạm, báo cáo Bộ Công thương và yêu cầu Bộ xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Tiếc thay, thông báo này của Văn phòng Chính phủ chỉ được “kính chuyển đồng chí Ngăn kéo!" bởi Bộ Công thương đã không cho kiểm điểm, xử lý kỷ luật để rồi sau đó, ông Trịnh Xuân Thanh được "đá lên" Ban Cán sự Đảng Bộ Công thương với cương vị Chánh Văn phòng Ban Cán sự Đảng. 

Lúc này, ở Bộ Công thương đã xầm xì bàn tán, có nhiều người tỏ ra "thán phục" ông Thanh đã thoát hiểm ngoạn mục sự cố thua lỗ kinh hoàng này. Chưa dừng lại ở vị trí tưởng như để an bài, khỏi dính đến pháp luật thì không hiểu sao, ông Thanh lại được Bộ trưởng Công thương, Bí thư Ban cán sự Đảng Vũ Huy Hoàng tiến cử với Ban Tổ chức Trung ương đưa vào "nguồn kế cận" bằng cách "đi xuống cơ sở" nhưng thực chất là đi lên, để làm Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang. Quả đúng là khó hiểu. 

Tôi mong rằng Ban Cán sự Đảng Bộ Công thương hãy công khai nhận xét của mình trước dư luận về quan điểm của Bộ khi đánh giá, nhận xét "nguồn nhân tài" cụ thể nói trên cho dư luận biết. Người dân chúng tôi sẽ tham gia phản biện về những "cơ sở khoa học" nào mà dựa trên đó Bộ từng giới thiệu ông Thanh? Cách giới thiệu nhân sự giúp Đảng như vậy liệu có công tâm và tốt cho Đảng không? Liệu có tiêu cực không? Đó cũng chính là điều mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng mới tháng trước đã đề cập trong một cuộc họp một cách đầy trăn trở. Qua đó, Tổng bí thư đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về công tác cán bộ hiện nay của chúng ta, nếu không chấn chỉnh thì thật nguy hại cho Đảng và chế độ.