(Dân trí) - "Người không tham nhũng có khi bị người tham nhũng cô lập!". Đó là thông tin được ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đưa ra tại phiên thảo luận của Quốc hội về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2015.
Ông Phương nói: “Trong hầu hết lĩnh vực của đời sống, người tham nhũng ít thấy người tham nhiều thì làm theo, người không tham nhũng có khi bị người tham nhũng cô lập... Chỉ cần có một chút chức trách là lợi dụng tham nhũng”.
Trong câu nói chỉ có 43 từ nhưng đã toát lên ba ý rất đáng lo ngại. Thứ nhất, đó là tình trạng “theo nhau tham nhũng” trong hầu hết mọi lĩnh vực của đời sống. Thứ hai, người không tham nhũng bị cô lập và thứ ba, tệ tham nhũng vặt đang khá phổ biến.
Về tình trạng “theo nhau” tham nhũng, cũng cần nhắc lại điều đã được Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phạm Anh Tuấn tại Hội nghị giao ban 6 tháng đầu năm 2015: “Tham nhũng giờ không chỉ một người, một nhóm người, không chỉ một cấp mà nhiều người, nhiều tầng, nhiều cấp… ”.
Vâng, nó xuất hiện ở mọi lúc, mọi nơi, mọi ngành, mọi cấp, từ làng bản xa xôi đến nơi thị thành đô hội. Người ta tìm mọi khe hở và tạo ra mọi kẽ hở để tham nhũng.
Thậm chí, họ không chỉ “theo nhau”, bắt chước nhau mà còn ganh đua xem ai tham nhũng (giàu có bất minh) hơn. Từ sự “theo nhau” đến “ganh đua nhau” đến hình thành một “phong trào” là khoảng cách ngắn, nếu không kịp thời ngăn chặn.
Song, điều thứ hai đáng quan ngại hơn, đó là đã có hiện tượng người không tham nhũng bị người tham nhũng cô lập như lời của ĐB Phương. Nói quan ngại hơn là bởi khi bị cô lập tức là anh ở số ít và điều đó có nghĩa số người tham nhũng cao hơn hoặc ít nhất là có quyền lực hơn những người không tham nhũng.
Ở trong môi trường tham nhũng nhiều hơn không tham nhũng hoặc người đứng đầu tham nhũng tạo bè cánh sẽ có ba con đường cho người không tham nhũng. Một là bỏ đi (hoặc bị đẩy đi). Hai là “trứng chọi đá” mà hậu quả thì ai cũng biết. Và thứ ba, họ tự nguyên “bổ sung” vào “đội ngũ tham nhũng” cho thêm “đông đảo”.
Môi trường tham nhũng không có chỗ cho người thanh liêm. Địa ngục không có chỗ cho thánh thần. Sống ở đảo người gù, ai thẳng lưng là dị dạng.
Điều thứ ba là tình trạng tham nhũng vặt đã trở nên “xã hội hóa” bởi nó xuất hiện ở mọi tầng lớp xã hội. Ai có tý chức tý quyền dù chỉ một chốc, một lát cũng có thể tham nhũng.
Khu nhà nơi có trụ sở cơ quan nọ thuê một công ty làm công tác bảo vệ. Trong điều 4 bản Nội quy của công ty có nội dung: “Nghiêm cấm nhân viên bảo vệ lợi dụng chức trách, nhiệm vụ được phân công để gây sách nhiễu, phiền hà, vòi vĩnh ăn hối lộ của các đơn vị và cá nhân đến xây dựng công trình trong dự án…”.
Một chân bảo vệ được thuê về trông coi mà cũng có quyền "sách nhiễu, phiền hà, vòi vĩnh ăn hối lộ" thì tham nhũng đã ở mức "xã hội hoá" cao độ.
Một đất nước mà tham nhũng đã “xã hội hóa” thì thật đáng sợ.
Cách đây ít lâu, TAND TP HCM xét xử sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo Lê Trung Huy (SN 1970, nguyên Tổ trưởng Tổ thu tiền 2, Đội Thu tiền, Công ty Cổ phần Cấp nước Bến Thành) 20 năm tù giam về tội danh “Tham ô tài sản”. Theo cáo trạng, chỉ trong vòng chưa đầy 1 năm (8/2012 đến 7/2013), với chức đội trưởng thu tiền nước “quèn”, tên này cũng chiếm đoạt được đến gần 2,5 tỉ đồng thì quả là kinh khủng và không còn là “tham nhũng vặt” nữa.
Khi tham nhũng “theo nhau”, có nguy cơ trở thành “phong trào”, người không tham nhũng bị cô lập và chỉ cần có một chút chức tước cỏn con là đã có thể tham nhũng tức là tham nhũng đang đứng trước nguy cơ biến thành “phong trào xã hội hóa”.
Và khi đó, sự lương thiện sẽ không có đất sống bởi như đã nói ở trên, sống trong đảo người gù, ai thẳng lưng là dị dạng.
Song, ngày 29-10 tại buổi họp báo thường kỳ quý III/2015, ông Ngô Mạnh Hùng - Phó Cục trưởng Cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ cho biết mới bước đầu ngăn chặn tham nhũng trên một số lĩnh vực và “mục tiêu đề ra là đến năm 2020 mới bắt đầu đẩy lùi tham nhũng. Khi nào đẩy lùi tham nhũng được thì mới phản công”. Ông Hùng nói.
Hi vọng rằng 4 năm nữa, công cuộc chống tham nhũng vủa Việt Nam sẽ vượt qua bước “ngăn chặn”, ở vào thế “phản công” như nhận định của Phó Cục trưởng Ngô Mạnh Hùng.