Thứ Bảy, 11 tháng 6, 2016

Những luận án Tiến sĩ không dám cho ai đọc

Nguyễn Phương

VNN - Ai đó đã nói người có học thức cần thể hiện sự học và sự thức của mình bằng việc làm cụ thể, thông qua những đóng góp cho xã hội, chứ không bằng cái tem dán ngoài.

Ngôn ngữ loài người từ lâu lắm rồi, đã có từ “hư vinh”.

Mỗi thời, mỗi mô hình xã hội đều xây dựng hệ giá trị riêng để vinh danh. Không ngành nào không có "danh hiệu" để trao tặng: Ngành dạy học thì có nhà giáo Nhân dân, văn nghệ thì có nghệ sỹ Nhân dân, công chức có chiến sĩ thi đua, v.v…

Danh hão và sự phiền toái

Đôi khi có những khác biệt trong bộ giá trị, nên không phải ai được hệ thống vinh danh cũng được xã hội công nhận, và ngược lại.

Song suy cho cùng, thời gian luôn là vị giám khảo công minh nhất.

Sản phẩm nào, công trạng nào sống xuyên thời gian, sống được với đời, thì sản phẩm đó, danh hiệu đó có giá trị đích thực. Với người dạy học, danh hiệu cao quý nhất là sự quý trọng của người học. Với văn nghệ sỹ, danh hiệu cao quý nhất là sự yêu quý của người đọc, người xem. Với nhà khoa học là sản phẩm trí tuệ, họ phải mang lại lợi ích cho xã hội.

Trong một xã hội quang minh, xấu - tốt không lẫn lộn, người được vinh danh rất đáng tự hào. Còn nếu ngược lại, thì nhiều người thậm chí không muốn nhắc đến danh hiệu, hoặc đến cuối đời nhận thấy cái vinh đó là... hư vinh.

Một lần trong một hội nghị chuyên môn, một người được mời trình bày báo cáo trong phiên toàn thể, đại diện cho nhóm ngành của mình. Người dẫn chương trình, chắc muốn tăng độ “oai” cho ông nên nói: “Tôi xin giới thiệu tiến sĩ A đọc tham luận …”

Ông bạn này chủ động, đàng hoàng cải chính lời của người dẫn chương trình. Bước lên bục diễn giả, ông tươi cười: “Cảm ơn ban tổ chức hôm nay đã phong học vị tiến sĩ cho tôi. Xin thưa tôi chưa bao giờ là tiến sĩ cả.” Cử tọa vỗ tay và ông bắt đầu phần trình bày tham luận của mình.  

Ai đó thích danh chắc sẽ lẳng lặng nhâm nhi lời giới thiệu kia. Người có lòng tự trọng và tự tin không làm vậy.

Khi được hỏi tại sao không "làm TS", ông tâm sự: Với tôi, học đến tiến sĩ là quá sức. Khó lắm. Cái đó đòi hỏi sự giỏi giang, thông tuệ,… và cả lòng kiên nhẫn, toàn những thứ mình không có thì làm thế nào được.

Vào thời mở cửa quảng giao với thế giới, vì mục đích “đối ngoại”, hàng loạt phó tiến sĩ – cái “học vị” chẳng giống ai – sau một đêm ngủ dậy bỗng thành TS. Phó tiến sĩ các ngành, trong đó có cả quan chức ngành giáo dục thời đó thành TS rồi GS, có vị lãnh đạo thậm chí còn đạo văn để có bằng TS.

Thật – giả lẫn lộn

Trong giới khoa bảng có những người thật sự giỏi giang, đáng để mọi người trân trọng và noi gương. Họ là những vị GS miệt mài nghiên cứu đến tận cùng lĩnh vực theo đuổi, cho tới những GS trăn trở vì đất nước bằng những đề tài nghiên cứu, phản biện. Họ là những người mà ta phải ngước lên nhìn.

Họ khác hẳn một số GS với những “luận án” TS không dám cho ai đọc, như tác giả bài viết đăng cách đây khá lâu, Khắc bia 16 nghìn TS: Xin can!, từng  bộc bạch.

Sau bao năm gõ đầu trẻ, ông bạn nói trên của người viết bài này không hề có bất cứ loại huân huy chương nào, kể cả loại phổ thông nhất, đơn giản vì ai muốn có thì đều phải khai để “xin”, còn ông không khai và không xin.

Do thế, trên tường nhà ông chẳng thấy bất cứ bằng khen nào, nhưng ông là người “chở đò ngang” được rất nhiều khách quá giang quý mến. Ông bảo đó chính là tấm huy chương quý nhất.

Để tạo không khí hài hước vui vẻ cho những buổi trà thuốc, tôi đã nhân danh… quần chúng in, ký tên và “long trọng trao tặng” cho ông danh hiệu “Người không ưa danh hão”. Đó là “bằng khen” duy nhất mà ông treo nơi trang trong nhất trên tường phòng khách nhà ông, cho giống với phòng khách của một số gia đình Việt Nam, nơi người ta có xu hướng trưng ra những gì được họ cho là "bắt mắt" nhất, trong cái tủ ly bày các vỏ chai rượu ngoại, những vỏ hộp màu sắc sặc sỡ.

Có lần từ trong túi giấy đã cũ trên giá sách, tôi thấy ông lôi ra mấy tấm hình đen trắng. Trong đó có tấm hình ông và bốn người khác chụp chung với Thủ tướng CP những năm 1970. Ông là một trong số ít sinh viên giỏi ở trường được cử ra gặp mặt Thủ tướng. Nếu là người khác, hẳn ông đã phóng to và treo tấm hình này ở phòng khách.

Ai đó đã nói người có học thức cần thể hiện sự học và sự thức của mình bằng việc làm cụ thể, thông qua những đóng góp cho xã hội, chứ không bằng cái tem dán ngoài.