TPO - Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu lãnh đạo Hà Nội phải thực sự cầu thị, chấm dứt lối tư duy, hành xử cũ của cán bộ - công chức, coi hỗ trợ doanh nghiệp là nhiệm vụ ưu tiên để phát triển Thủ đô.
Yêu cầu được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra với chính quyền thành phố tại Hội nghị “Hà Nội 2016 – Hợp tác Đầu tư và Phát triển” ngày 4/6.
Thủ tướng cho rằng, Hà Nội hội tụ nhiều tiềm năng để phát triển, nhưng lại đang tồn tại nhiều rào cản trì trệ như khả năng tiếp cận đất đai, gia nhập thị trường, bộ máy hành chính cồng kềnh, kém năng động… Những tồn tại ấy thường được người dân ngán ngẩm, ví von là “Hà Nội không vội được đâu”.
“Với tư cách là một trong hai đầu tàu kinh tế của cả nước, Hà Nội phải quyết liệt hành động, chấm dứt ngay tư duy “Hà Nội không vội được đâu” trong nhận thức, hành xử của cán bộ, công chức”, Thủ tướng dứt khoát.
Trước sức ép của hội nhập và phát triển, Thủ tướng yêu cầu Hà Nội cần đi tiên phong và trở thành trung tâm khởi nghiệp, trung tâm sáng tạo của cả nước.
“Chính quyền thành phố phải thực sự cầu thị, sẵn sàng đổi mới, có nhiều sáng kiến khuyến khích, hỗ trợ để những mô hình doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp sáng tạo mới nhanh chóng phát triển ở Hà Nội, thay vì phải thành lập ở nước ngoài. Khu vực doanh nghiệp Nhà nước phải ngày càng nhỏ đi và hiệu quả hơn”, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.
Trước yêu cầu của Thủ tướng, Chủ tịch Hà Nội - Nguyễn Đức Chung cho biết, thành phố xác định người dân và doanh nghiệp là đối tượng để phục vụ. Trong đó, doanh nghiệp là động lực của sự phát triển.
Để tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh, lãnh đạo Hà Nội cho biết sẽ thực hiện nghiêm chủ trương 5 rõ: rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm và rõ hiệu quả. Đồng thời, sẽ thực hiện mô hình “liên thông”, tập trung giải quyết thủ tục đầu tư tại một địa điểm. Tăng cường đối thoại chính quyền – doanh nghiệp. Các quyết định, chính sách, thủ tục hành chính, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất... cũng sẽ được công khai.
Hàng loạt những cải cách về thủ tục hành chính sẽ được chính quyền thành phố thực hiện rốt ráo ngay từ tháng 6/2016. Cụ thể, các hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng được giải quyết trong 2 ngày làm việc (giảm 1 ngày so với quy định) đối với quá trình giao dịch trên mạng. Thực hiện liên thông cấp giấy chứng nhận đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với nhà đầu tư nước ngoài. Cắt giảm đến 40% thời gian giải quyết thủ tục hành chính về đầu tư.
Thành phố cũng duy trì tỷ lệ thực hiện kê khai và nộp thuế điện tử đạt 100%, giảm 20% thủ tục hành chính trong các lĩnh vực giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, giảm 50% trong lĩnh vực quy hoạch. Cơ quan quản lý cũng nỗ lực để rút ngắn thời gian tiếp cận điện năng của doanh nghiệp xuống còn 21 đến 26 ngày, giảm từ 10 đến 15 ngày so với quy định.
Trong khuôn khổ hội nghị, Hà Nội đã trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 23 nhà đầu tư, với 16 dự án có vốn đầu tư trong nước và 7 dự án đầu tư nước ngoài, thuộc các lĩnh vực: viễn thông, hạ tầng đô thị cấp nước, công viên, khu vui chơi giải trí, nhà ở, y tế và dịch vụ thương mại.
Lãnh đạo Hà Nội cho biết sẽ phấn đấu 5 năm nữa, tăng trưởng GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) bình quân đạt 8,5–9%. GRDP bình quân đầu người đạt 6.700–6.800 USD một người. Cùng với đó, huy động vốn đầu tư xã hội 5 năm tới đạt khoảng 2,5–2,6 triệu tỷ đồng.
***
Từ đầu năm đến hết 31/5/2016, Hà Nội thu hút thêm 1,6 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký mới, tăng 3 lần so với cùng kỳ, gấp 1,5 lần so với năm 2015. Số dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tăng 3 lần so với cùng kỳ năm trước (68 dự án) với số vốn tăng gần 2,5 lần, tương đương 70.421 tỷ đồng.
Số vốn của doanh nghiệp dân doanh đăng ký mới tăng 59% so với cùng kỳ năm trước, đạt 74.630 tỷ đồng. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 9.367, tăng 23%.
Theo VnExpress