Thứ Bảy, 4 tháng 6, 2016

Ai là người cho Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang mượn xe siêu sang?

NGỌC QUANG

(GDVN) - Ông Trịnh Xuân Thanh nói rằng, chiếc xe trị giá nhiều tỷ đồng đang sử dụng là mượn của bà con bên vợ. Liệu có đúng như vậy?

Cần có kiểm tra để đánh giá sự trong sạch của cán bộ

Như Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã đăng tải trong bài "Cả Bí thư, Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang thật khéo đùa!", đề cập tới sự việc ông Trịnh Xuân Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đi chiếc xe Lexus siêu sang gắn biển xanh 95A-0699 khiến nhiều người dân choáng ngợp.

Trước khi mang về Hậu Giang gắn biển xanh thì chiếc xe này đã được Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cấp biển số 29A-79093 ngày 24/5/2013.

Người đứng tên chiếc xe là ông Nguyễn Đăng Toàn.

Ông Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang cho biết, đây là người bà con bên vợ.

Ngay sau khi có thông tin này, hàng nghìn độc giả của Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đều đặt ra chung một câu hỏi: Liệu có ai giàu có, tốt bụng tới mức cho ông Phó Chủ tịch Trịnh Xuân Thanh mượn chiếc xe nhiều tỷ đồng mang từ Hà Nội vào Hậu Giang sử dụng?

Đối với những người thực sự rất giàu có trên thế giới thì chuyện sở hữu vài chiếc xe tiền tỷ, cho nhau mượn xe tiền tỷ cũng là chuyện bình thường.

Nhưng ở Việt Nam, số người giàu tới mức cho nhau mượn những chiếc xe siêu sang nhiều tỷ đồng trong một thời gian dài để đi lại (gắn biển khác vào xe của mình) quả thật khiến dư luận rất khó tin.

Ông Trịnh Xuân Thanh là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang – cũng là một chức vụ không hề nhỏ trong hệ thống các cơ quan nhà nước.

Vì vậy, cần phải có một cơ quan Trung ương vào cuộc để làm rõ các thông tin dư luận nghi ngờ,  đúng hay sai cũng cần sớm công bố cho nhân dân cả nước được biết.

Những năm gần đây, cuộc chiến chống tham nhũng được đánh giá là chưa đạt yêu cầu, mong muốn của nhân dân; nhiều tài sản tham nhũng được đội lốt tên người thân, người quen, khiến cho các cơ quan thực thi pháp luật khó tìm ra.

Dù vậy, khi chưa có thông tin hoàn toàn xác thực mà dư luận quy kết chiếc xe siêu sang là tài sản của chính ông Thanh nhờ người đứng tên là không công bằng.

Vì vậy, cơ quan quản lý cán bộ ở cương vị như ông Trịnh Xuân Thanh cần sớm vào cuộc để làm rõ những thông tin mà người dân quan tâm.

Mặt khác, bản thân ông Trịnh Xuân Thanh cũng hoàn toàn có thể tự lý giải về việc này bằng bản kê khai tài sản của mình; thậm chí thông tin cho dư luận biết nguồn gốc sâu xa hơn của chiếc xe lexus siêu sang.

Tất nhiên, ông Thanh có quyền không tự thông tin về bản thân mình với dư luận xã hội (và cũng chẳng có quy định nào buộc phải làm như vậy). Tuy nhiên, nếu nhìn nhận sự việc từ chức vụ của một Phó Chủ tịch tỉnh – “công bộc” của dân thì có lẽ minh bạch mọi thông tin là điều tốt nhất để dẹp đi nghi ngờ của dư luận.

Gắn biển xanh vào xe đã cấp biển trắng là sai luật

Trước khi giữ chức Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang, ông Trịnh Xuân Thanh vốn xuất thân là một doanh nhân. Ông sinh năm 1966, tốt nghiệp Đại học Kiến trúc năm 1990.

Ông cũng từng có thời gian sang Đông Âu kinh doanh; khi về nước làm Phó Giám đốc Công ty Detesco của Trung ương Đoàn từ năm 1996 đến năm 2000.

Giai đoạn từ 2000-2004, ông Trịnh Xuân Thanh làm Phó Giám đốc chi nhánh Hà Nội của Tổng Công ty Sông Hồng, Việt Trì, Phú Thọ.

Từ năm 2005 – 2007, ông làm Phó Tổng rồi Tổng giám đốc của Tổng Công ty Sông Hồng.

Đến cuối năm 2007, ông Thanh chuyển về làm Phó Tổng giám đốc rồi sau đó là Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam - PVC (thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam).

Ông Thanh cũng là Chánh văn phòng Ban cán sự Đảng Bộ Công thương.

PVC là một tổng công ty lớn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, vào năm 2011 đã được phong danh hiệu “Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới”.

Những năm trước đó, PVC đều ăn nên làm ra, nhưng ngay sau khi nhận danh hiệu thì từ cuối năm 2011 PVC đã giảm lãi.

Năm 2012, PVC bắt đầu chìm ngập trong các khoản lỗ lớn, cho tới cuối năm 2014 thì lỗ lũy kế của doanh nghiệp này đã lên tới hơn 3.000 tỷ đồng.

Đầu năm 2014, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 49/TB – VPCP ngày 25/1/2014 truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể và từng cá nhân trong việc kinh doanh thua lỗ này.

Tuy nhiên, cho tới nay chưa hề thấy đề cập tới trách nhiệm của ông Trịnh Xuân Thanh.

Ông Thanh đã rời ghế Chủ tịch PVC để làm trưởng đại diện văn phòng miền Trung của Bộ Công thương ở Đà Nẵng vào tháng 7/2013.

Cùng thời điểm ông Trịnh Xuân Thanh chuyển công tác, một nhân vật chóp bu khác của PVC cũng chuyển tới cơ quan khác.

Đó là ông Vũ Đức Thuận – Tổng Giám đốc PVC, được bổ nhiệm làm Phó giám đốc sở Giao thông vận tải tỉnh Thái Bình.

Liên quan tới việc Phó Chủ tịch Trịnh Xuân Thanh gắn biển xanh vào xe biển trắng để đi lại, theo tìm hiểu của phóng viên, đây là hành động sai luật.

Việc cấp biển số được thực hiện theo Thông tư số 15/2014/TT-BCA quy định về đăng ký xe do Bộ Công an ban hành ngày 4/4/2014, có hiệu lực từ ngày 1/6/2014.

Mỗi ôtô đều có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, hồ sơ xe phải đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật thì mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký xe. Như vậy, chiếc xe lexus đã được cấp biển số Hà Nội 29A-79093 thì không thể cấp thêm biển (dù là tạm thời) 95A-0699.

Liên quan đến việc này, dư luận cũng mong muốn cần phải làm rõ trách nhiệm của Công an tỉnh Hậu Giang khi cấp biển tạm thời cho chiếc xe ông Trịnh Xuân Thanh sử dụng.
***

Quy định cấp biển số tạm thực hiện theo Điều 16 Thông tư 15/2014/TT-BCA . Theo đó, chỉ có các loại xe dưới đây được cấp biển số tạm:

1. Xe ôtô; ôtô sát xi có buồng lái; ôtô tải không thùng; rơmoóc, sơmi rơmoóc; xe máy kéo nhập khẩu hoặc sản xuất, lắp ráp lưu hành từ kho, cảng, nhà máy, đại lý bán xe đến nơi đăng ký hoặc về các đại lý, kho lưu trữ khác.

2. Xe mang biển số nước ngoài được cấp có thẩm quyền cho phép tạm nhập, tái xuất có thời hạn (trừ xe hoạt động ở khu vực biên giới có cửa khẩu): xe dự hội nghị, hội chợ, thể dục thể thao, triển lãm, du lịch; xe quá cảnh; xe ô tô có tay lái bên phải (tay lái nghịch) được phép tham gia giao thông theo quy định của pháp luật.

3. Xe mới lắp ráp tại Việt Nam chạy thử nghiệm trên đường giao thông công cộng.

4. Xe ôtô có phiếu sang tên, di chuyển đi địa phương khác.

5. Xe ôtô làm thủ tục thu hồi giấy chứng nhận đăng ký, biển số xe để tái xuất về nước hoặc chuyển nhượng tại Việt Nam.

6. Xe được cơ quan có thẩm quyền cho phép vào Việt Nam để phục vụ hội nghị, hội chợ, thể dục thể thao, triển lãm.

7. Xe ôtô sát hạch, ô tô hoạt động trong phạm vi hạn chế (khi di chuyển ra ngoài khu vực hạn chế).

Biển số tạm được in trên giấy có thời hạn sử dụng trong 15 ngày và chỉ được lưu thông tại các tuyến đường đã ghi trong giấy đăng ký tạm thời.