Petrotimes - Chưa bao giờ chúng ta phải chứng kiến cơ quan quản lý nhà nước phải bối rối như trong vụ C2, Rồng đỏ nhiễm chì. Hàng triệu sản phẩm nguy hại cho sức khỏe đã được tung ra và cơ quan chức năng chấp nhận việc để người dân phải tiếp tục sống chung với nó. Đã đến lúc cơ quan chức năng cần phải có những biện pháp xử lý cứng rắn hơn, thậm chí là đóng cửa nhà máy, xử lý hình sự người đứng đầu.
Theo quyết định thanh tra và xử phạt của Chánh Thanh tra Bộ Y tế ngày 31/5, hơn 1.000 thùng nước C2 và Rồng đỏ tương đương 28.416 chai (24 chai/thùng) do Công ty TNHH URC Hà Nội sản xuất có hàm lượng chì vượt ngưỡng cho phép đã được tiêu huỷ.
Nhưng chắc chắn, đây chỉ là 1 phần rất nhỏ so với số sản phẩm đã bán ra ngoài, không có cơ hội thu hồi.
Bằng chứng là theo báo cáo của URC cung cấp cho Thanh tra Bộ Y tế trong đợt thanh tra vừa qua, số nước thuộc 2 lô trà xanh hương chanh C2 và 3 lô nước tăng lực Rồng đỏ có hàm lượng chì vượt ngưỡng trị giá 3,875 tỷ đa được bán hết ra thị trường, không thể thu hồi.
Theo tìm hiểu của PetroTimes, C2 và Rồng đỏ hiện có giá bán lẻ giao động từ 7 đến 8.000 đồng. Với những khách hàng mua với số lượng lớn, giá của sản phẩm này là 5.000đồng/chai.
Đây cũng là loại nước ngọt được sử dụng nhiều, nhất là ở các khu vực ngoại thành, nông thôn. Điều này đồng nghĩa với việc đã có cả triệu chai nước ngọt có hàm lượng chì vượt ngưỡng đã được người dân uống vào người.
Từ những ngày đầu, khi các thông tin về việc lô sản phẩm C2, Rồng đỏ của URC nhiễm chì mới được tung ra, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ Thực phẩm Đại học Bách Khoa đã cho PetroTimes biết: “Chì là một kim loại nặng, khi vào trong cơ thể nó ngấm vào máu và làm nhiễm độc máu, rồi vào xương. Chì lẫn trong thực phẩm, nó không gây chết người ngay mà nó tích tụ trong cơ thể. Để lâu sẽ thành bệnh”.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cũng khuyến cáo người dân nên tìm hiểu kỹ trước khi uống loại nước giải khát này. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần phải vào cuộc ngay làm rõ sự thật tránh cho dư luận hoang mang và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân.
Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Trương Anh Tú – Trưởng văn phòng luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng: Trong trường hợp URC biết sản phẩm C2 và Rồng đỏ có hàm lượng chì vượt mức cho phép mà vẫn tung ra thị trường thì có thể bị truy cứu TNHS nếu để lại hậu quả nghiệm trọng gây tổn hại cho sức khỏe của con người với tỷ lệ 31% trở lên.
Tuy nhiên, để xác định trách nhiệm hình sự trong trường hợp này là rất khó bởi với hàm lượng chì nêu trên thì phải sử dụng trong thời gian dài mới có biểu hiện nhiễm độc, dẫn đến việc khó chứng minh về mối quan hệ nhân quả từ việc sử dụng sản phẩm đến hậu quả làm tổn hại sức khỏe con người.
Ngoài ra, trong thời gian dài con người còn sử dụng nhiều sản phẩm khác nên việc chứng minh sử dụng sản phẩm nhiễm chì là tác nhân trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe rất khó.
Như vậy, trong trường hợp này khi phát hiện có những thực phẩm không an toàn, cơ quan chức năng cần vào cuộc xử lý ngay và khuyến cáo người dân khi sử dụng để tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra nhằm đảm bảo sức khỏe, tính mạng con người.
Thông tin các sản phẩm C2, Rồng đỏ có hàm lượng chì vượt ngưỡng đã không còn là nghi vấn, Thanh tra Bộ Y tế cũng có quyết định xử phạt công ty này số tiền gần 6 tỷ, nhưng có lẽ đó con số này chẳng là gì so với sức khỏe của hàng triệu người dân Việt Nam. Chỉ tính riêng số tiền mà công ty này thu được trong đợt bán lô sản phẩm nhiễm chì đã lên đến 3,875 tỷ, chiếm một nửa số tiền phạt phải nộp.
Với những gì mà URC đã làm có chăng cơ quan chức năng nên có những biện pháp xử lý cứng rắn hơn, thậm chí là đóng cửa nhà máy, xử lý hình sự người đứng đầu để không bỏ sót tội đồng thời bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.