Thứ Ba, 7 tháng 6, 2016

Ngạo mạn với “hà bá”

Phạm Hồ

NLĐO - Hai ngày sau vụ chìm tàu làm 3 người chết ở TP Đà Nẵng, nỗi buồn đau vẫn còn hiện diện trên bến sông Hàn.

Đáng nói, nỗi nguy hiểm chết người như trên vẫn còn hiện diện trên rất nhiều bến sông và bất cứ lúc nào cũng có thể gây họa.

Những người liên quan đến vụ tai nạn trên rồi sẽ bị xử lý nhưng những lỗ hổng về mặt quản lý, sự vô trách nhiệm khi điều hành chuyến tàu “tử thần” trên quả là không thể hiểu nổi. Sinh mạng của bao con người hằng ngày cứ bị xem nhẹ khi được mời gọi lên những con tàu chưa đủ điều kiện xuất bến. Thậm chí chiếc áo phao - vật bất ly thân khi đi tàu, phương tiện cứu mạng- cũng chẳng được trao cho hành khách. Với những tắc trách trên, thảm họa xảy ra là điều dễ hiểu và chúng ta cũng phải thầm nhắc rằng có thể hậu quả sẽ lớn hơn rất nhiều.

Tai nạn tàu trên sông Hàn đã từng xảy ra nhưng dường như chưa được các cơ quan chức năng liên quan của TP Đà Nẵng lưu ý. Với cách nhìn hạn chế, cứ quẩn quanh sự vụ mỗi ngày, nhiều cán bộ không bao quát được trọng trách mình đang đảm nhiệm. Việc kiểm tra, kiểm soát những con tàu du lịch trên sông Hàn liệu có quá sức với các cán bộ ngành giao thông của TP? Hằng ngày, thấy hàng trăm du khách không áo phao trên sông nước chẳng lẽ lãnh đạo địa phương không biết, không ái ngại? Đây chẳng phải là kinh nghiệm gì ghê gớm mà để nhận ra nó phải trả giá bằng mấy mạng người. Đơn giản, đây là sự vô trách nhiệm và thiếu tận tụy với công việc được người dân giao phó. Bấy nhiêu thôi cũng nên loại những cán bộ trên ra khỏi công việc đang đảm nhận.

Không chỉ Đà Nẵng, những mối họa như trên cũng đang hiện diện tại nhiều tỉnh, thành khác. Ngay tại bến Bạch Đằng (TP HCM), mỗi đêm đều có hàng chục chiếc tàu rất lớn được sử dụng làm nhà hàng nổi trên sông Sài Gòn. Mỗi chiếc chở đến mấy trăm con người vui chơi, nhảy múa chạy dọc theo sông nhưng chẳng một ai mặc áo phao. Tất nhiên, khi đi chơi thì chẳng ai muốn phiền hà với những chiếc áo này nhưng cái chết thì chẳng loại trừ người nào. Và chẳng chủ tàu hoặc cơ quan chức năng nào dám cam đoan rằng những chiếc tàu kia sẽ chẳng bao giờ gặp sự cố, đặc biệt khi có mưa giông. Minh chứng rõ nhất chính là vụ chìm tàu du lịch Dìn Ký cách đây chưa lâu tại Bình Dương làm 16 người thiệt mạng.

Đối với du khách cũng thế, dường như rất nhiều người còn xem nhẹ những hiểm họa đường thủy và không chịu mặc áo phao dù có sẵn. Sự khó chịu (nếu có) đáng là bao khi so sánh với tính mạng của chính mình, của người thân.

Tôi vẫn nhớ sự nghiêm khắc của người nông dân lái tàu du lịch tại Quảng Bình đưa khách bằng đường sông vào tham quan động Phong Nha. Mỗi người lên tàu được ông phát tận tay một chiếc áo phao và hướng dẫn mặc kỹ càng. Ai không mặc, ông không tiếp tục phục vụ. Đây là cách hành xử của người từng trải trên sông nước.

Cách làm việc của người nông dân trên đầy trách nhiệm và đáng để cho nhiều cán bộ học hỏi.