Thứ Năm, 30 tháng 6, 2016

Một mớ xe công 'ùn tắc không phải việc chúng mày'

Mi An

Đất Việt - Về dự án xe buýt nhanh 1200 tỷ của Hà Nội, nguyên Giám đốc ban quản lý dự án nói với phóng viên “ùn tắc không phải việc chúng mày”.

Hôm qua, 1 bản tin ngắn nhưng gây tranh luận vô cùng sôi nổi trên các diễn đàn và mạng xã hội, đó là tin “Thanh lý 264 xe công gần 80 tỷ đồng, thu về 390 triệu đồng” được rất nhiều báo đăng tải.

Theo đó, Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính) cho biết, từ ngày 1/1-17/6/2016, các bộ ngành, cơ quan trung ương đã thực hiện thanh lý 264 xe ô tô công (tổng nguyên giá 79,68 tỷ đồng), với giá trị còn lại 390 triệu đồng. Đồng thời, điều chuyển 20 xe ô tô công cho các cơ quan, địa phương khác có nhu cầu.

Như vậy với 264 chiếc xe công có tổng nguyên giá là 79,68 tỷ đồng, sau thời gian sử dụng và khấu hao, những chiếc xe này được định giá giá trị còn lại là 390 triệu đồng, tính ra trung bình giá trị còn lại của 1 chiếc xe chỉ vào khoảng hơn 1,4 triệu đồng. Đúng là một cái giá gây ngỡ ngàng cho rất nhiều người.

Đa phần người đọc đều cảm thấy… “sốc nặng” trước con số này. Cho dù ông Trần Đức Thắng- Cục trưởng Cục Quản lý công sản đã phải đăng đàn giải thích: “Giá 390 triệu đồng không phải là giá thu về mà là giá trị còn lại của tài sản được định giá trên sổ sách giấy tờ”. Việc bán xe công sẽ phải thông quan đấu giá.

Thật là chuyện “Ba đồng 1 mớ xe công, đem bỏ ngoài đường đồng nát cũng chê” bởi ô tô mà định giá hơn 1,4 triệu đồng/chiếc thì chắc chắn giá trị sử dụng bằng không. Ấy thế nhưng, vấn đề là những chiếc xe “rẻ như bèo” này sau khi đem ra đấu giá sẽ về tay ai, ai sẽ được mua với mức giá nào là một câu chuyện không dễ gì mà người dân biết được.

Một câu chuyện khác cũng gây xôn xao không kém, đó là phản ứng của ông Trần Anh Tú - nguyên Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư phát triển giao thông đô thị Hà Nội (hiện chuyển công tác sang làm Phó Tổng Giám đốc Cty TNHH Một thành viên Đường sắt Hà Nội-một công ty lớn sẽ tiếp quản toàn bộ hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội) khi được PV báo Tiền phong phỏng vấn về dự án xe buýt nhanh (BRT) 1.200 tỷ đồng 10 năm nay vẫn chưa đưa được vào khai thác.

Khi PV báo Tiền phong gọi điện đến, ông Tú nói:  “Anh chuyển công tác lâu rồi, BRT đ.. gì ”; rồi ông này đề nghị gặp người phụ trách dự án hiện nay. Khi PV tiếp tục đề nghị được gặp gỡ để tìm hiểu những vấn đề của dự án khi ông Tú còn phụ trách thì đoạn đối thoại diễn ra như sau:

“Vấn đề dự án không hiệu quả, ông nghĩ thế nào?

Không hiệu quả, không phải việc của chúng mày. Chúng mày làm báo không có chuyên môn. Chúng mày là cơ quan báo chí hay cơ quan thẩm định?

Ít nhất chúng tôi thấy ngay khả năng ùn tắc, xe buýt nhanh có chạy được đâu?

Ùn tắc không phải việc của chúng mày. Chúng mày là cơ quan báo chứ có phải cơ quan thẩm định, không phải là cơ quan chuyên môn, chuyên ngành. Mày ăn nói lung tung.

Dư luận xã hội quan tâm, các anh có trách nhiệm trả lời chứ?

Dư luận nào. Ăn nói lung tung. Chúng mày mượn báo chí, hay lộng ngôn”.

Than ôi, một quan chức khi trả lời báo chí về một dự án trước kia mình phụ trách mà nói năng vô văn hóa và càn rỡ thế này thì không hiểu ông có đủ tư cách đạo đức để tiếp tục đảm nhận công việc của mình hay không? Dự án 1.200 tỷ đồng, hiệu quả đến đâu mà 10 năm nay chưa thể đưa vào sử dụng, nhà chờ xe buýt phơi nắng phơi mưa, xuống cấp, hoen gỉ. Thế nhưng ông Tú bảo “không hiệu quả không phải việc của chúng mày”, “ùn tắc không phải việc của chúng mày”.

Ô hay, không- phải- việc- của –chúng- mày, thế thì là việc của ai đây? Việc vẽ ra dự án tiêu tốn 1 đống tiền từ khoản vay ODA là việc của “chúng ông” còn có hiệu quả hay không hay chỉ gây ùn tắc giao thông thì không phải việc “chúng mày”. Xin hỏi ông Trần Anh Tú, vậy phải chăng việc của “chúng mày” là chỉ lo đóng thuế để trả các khoản vay ODA mà thôi?

Những vị cán bộ coi thường dư luận và ăn nói thiếu văn hóa như vậy, liệu có phải là một “điển hình” cho công chức thời nay? Câu hỏi này xin dành cho các vị lãnh đạo thủ đô.

264 chiếc xe công được định giá 1,4 triệu đồng/chiếc. Dự án xe buýt nhanh 1.200 tỷ đồng triển khai 10 năm chưa đưa vào sử dụng được và đang có nguy cơ “vỡ trận” nhưng ông cựu giám đốc dự án trả lời báo chí: “hiệu quả đến đâu không phải việc của chúng mày”.

Than ôi, làm dân thời nay sướng thật.