(PLO) - Mấy ngày qua, dư luận Đà Nẵng đặc biệt quan tâm đến Kết luận thanh tra về quản lý, sử dụng kinh phí tài trợ và việc quản lý, chuyển quyền sử dụng đất của Hội Bảo trợ Phụ nữ và Trẻ em nghèo bất hạnh TP (Hội Bảo trợ) và Cty TNHH MTV Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng (nay là Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng).
Cụ thể liên quan đến số tiền hơn 37 tỉ đồng tài trợ được đơn vị nhận nhưng sau đó bị nguyên giám đốc trả lại cho phía tài trợ...
Có dấu hiệu phạm tội
Ngày 28/6, Văn phòng UBND TP Đà Nẵng cho biết, Chủ tịch UBND TP vừa có thông báo Kết luận thanh tra về quản lý, sử dụng kinh phí tài trợ và việc quản lý, chuyển quyền sử dụng đất của Hội Bảo trợ Phụ nữ và Trẻ em nghèo bất hạnh TP (Hội Bảo trợ) và Cty TNHH MTV Bệnh viện Ung thư (BVUT) Đà Nẵng (nay là Bệnh viện Ung bướu (BVUB) Đà Nẵng).
Thông báo nêu, BVUT bước đầu đi vào hoạt động còn gặp nhiều khó khăn, thiếu trang thiết bị y tế, không bảo đảm kinh phí hoạt động, nhờ ngân sách TP hỗ trợ cùng sự nỗ lực vận động tài trợ của Hội Bảo trợ để bổ sung nguồn kinh phí duy trì hoạt động và mua sắm trang thiết bị y tế.
Trong đó, có 37,2 tỷ đồng của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt tài trợ cho BVUT mua máy DSA. Tuy nhiên, Giám đốc BVUT Trịnh Lương Trân cố tình chuyển trả lại số tiền này cho Ngân hàng Bưu điện Liên Việt là không biết quý trọng nguồn lực quý báu mà nhiều bệnh nhân đang trông đợi với hy vọng được kéo dài sự sống nhờ vào trang thiết bị kỹ thuật cao.
Việc chuyển số tiền 37,2 tỷ đồng vào tài khoản tạm giữ của Sở Tài chính theo đề nghị của Chủ tịch HĐTV BVUT hoặc duy trì số dư trên tài khoản tại Ngân hàng Bưu điện Liên Việt - Chi nhánh Đà Nẵng để bàn giao cho BVUB theo chỉ đạo của Thường trực Hội Bảo trợ, số tiền trên vẫn thuộc tài sản thuộc sở hữu hợp pháp của BVUB để tiếp tục thực hiện quyền, nghĩa vụ liên quan và dùng để mua sắm trang thiết bị y tế như đã cam kết với Ngân hàng Bưu điện Liên Việt.
Song, ngày 31/8/2015, ông Trân đã cố ý thực hiện chuyển số tiền tài trợ cho Ngân hàng Bưu điện Liên Việt mà không báo cáo Chủ tịch HĐTV BVUT và Thường trực Hội Bảo trợ là việc làm sai trái, làm thay đổi nguyên trạng tài sản của bệnh viện; trái với chỉ đạo của chủ sở hữu và Quyết định số 5898/QĐ-UBND ngày 15/8/2015 của UBND TP Đà Nẵng về việc thành lập BVUB Đà Nẵng trực thuộc Sở Y tế TP, trên cơ sở tổ chức lại Khoa Ung bướu của Bệnh viện Đà Nẵng và tiếp nhận nguyên trạng tổ chức bộ máy, người lao động, trụ sở, cơ sở vật chất, tài chính, tài sản của BVUT Đà Nẵng...
Việc chuyển số tiền trên từ tài khoản BVUT sang tài khoản Hội sở Ngân hàng đã được sự bàn bạc, thống nhất giữa Giám đốc Trân là chủ tài khoản và bà Hồ Thị Diễm Phương, nguyên Kế toán trưởng BVUT, vì nếu một người không đồng ý, không ký vào chứng từ chuyển tiền thì giao dịch chuyển tiền sẽ không được thực hiện. Hành vi trên đã làm thiệt hại nguồn kinh phí mua thiết bị y tế 37,2 tỷ đồng của BVUB về sau và có dấu hiệu của tội phạm.
Từ Kết luận thanh tra, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng chỉ đạo giao cho Thanh tra TP Đà Nẵng lập thủ tục chuyển hồ sơ vụ việc vi phạm pháp luật sang Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP Đà Nẵng tiếp tục xử lý theo pháp luật và thông báo bằng văn bản cho VKSND cùng cấp theo quy định.
Chủ tịch UBND TP còn chỉ đạo Hội Bảo trợ tiến hành bàn giao hồ sơ 47 lô đất cho Trung tâm Phát triển quỹ đất TP để quản lý theo quy định vì Hội chưa thực hiện bố trí đất ở cho cá nhân nào theo diện thu hút nguồn nhân lực phục vụ BVUB.
Hình sự hóa mối quan hệ dân sự?
Trao đổi PLVN ngày 28/6, ông Trịnh Lương Trân, nguyên Giám đốc BVUB cho biết, đến nay ông vẫn chưa nhận được văn bản của Thanh tra TP Đà Nẵng, đồng thời bày tỏ sự bức xúc khi nghe thông tin việc mình trả lại hơn 37 tỷ đồng tiền tài trợ của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt có “dấu hiệu của tội phạm”.
Theo ông Trân, bản thân ông không có ý định tư lợi cá nhân trong sự việc này và không làm sai điều gì, đồng thời khẳng định sẽ “làm sáng tỏ mọi chuyện”.
“Cách đây mấy hôm Thanh tra TP và Hội Bảo trợ Phụ nữ và Trẻ em nghèo bất hạnh TP Đà Nẵng mời đến thông báo kết luận thanh tra, tôi có việc gấp đang ở TP HCM không về kịp. Hiện, tôi chưa nắm nội dung kết luận như thế nào nên tôi chưa bình luận điều gì”, ông Trân nói.
Trước đó, ở thời điểm tháng 10/2015, ông Trân đã có lý giải về nguyên do trả lại số tiền hơn 37 tỷ đồng. “Khoản tiền mà Ngân hàng Liên Việt tài trợ phía chúng tôi cũng đã chuẩn bị mua các trang thiết bị nhưng trong khi chưa giải quyết được, bệnh viện chuyển đổi cơ chế. Riêng 37 tỷ đồng khi chúng tôi chuyển vào tài khoản tạm gửi của Sở Tài chính nhưng bị ách lại. Và không chuyển được, chúng tôi phải trả lại cho Ngân hàng Liên Việt”, ông Trân nhớ lại.
Để làm rõ thêm vấn đề, PLVN đã trao đổi với Luật sư Trần Khánh Linh, Cty Luật TNHH LDL (Đoàn Luật sư Đà Nẵng). Theo ông Linh, các thông tin nói rất nhiều nhưng không ai tìm hiểu xem cái máy DSA là máy gì? Đây là hệ thống máy chụp mạch máu số hóa (DSA), chuyên can thiệp về tim, mạch.
“Vậy, nếu mua máy này về có giúp điều trị bệnh ung thư như đã nêu trong thông báo kết luận thanh tra hay không, hay để đắp chiếu?”, ông Linh nói
Trong khi Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng thuộc Cty TNHH MTV Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng lại là một doanh nghiệp được đăng ký hoạt động theo Luật Doanh nghiệp 2005 và thuộc sở hữu của Hội Bảo trợ Phụ nữ và Trẻ em nghèo bất hạnh TP Đà Nẵng.
Nếu UBND TP Đà Nẵng có một quyết định (hành chính) để sát nhập Cty vào một Khoa- Khoa Ung bướu thuộc Bệnh viện Đà Nẵng, liệu đây có phải là một hình thức “quốc hữu hóa tài sản tư nhân” thành tài sản nhà nước? Hơn nữa, khi chuyển giao Cty TNHH MTV Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng vào thời điểm tháng 8/2015, tài khoản của Bệnh viện còn kết dư gần 200 tỷ đồng. Thế mà lại cho rằng “Bệnh viện Ung thư bước đầu đi vào hoạt động còn gặp nhiều khó khăn…, nhờ ngân sách thành phố hỗ trợ…” liệu có đúng không?
Đáng nói, chính nội dung kết luận thanh tra cũng cho rằng nếu tiền không chuyển trả, mà vẫn ở tài khoản của Cty thì: “Bệnh viện Ung bướu tiếp tục thực hiện quyền, nghĩa vụ liên quan đến số tiền 37,2 tỉ đồng và thực hiện mua sắm trang thiết bị y tế như đã cam kết với Ngân hàng Bưu điện Liên Việt.” Tại thời điểm ký lệnh chuyển kết dư tiền trên tài khoản của Cty gần 200 tỷ đồng (chưa kể tài sản cố định khác), số 37,2 tỷ hoàn toàn thuộc thẩm quyền của Giám đốc.
Cuối cùng, thuật ngữ “tài trợ” trong trường hợp này thực chất là một hợp động tặng cho tài sản “có điều kiện”. Luật sư Trần Khánh Linh diễn giải, thuật ngữ này hiểu theo nghĩa: tôi cho anh tiền mua cái máy DSA, anh phải mua cái đó, không được mua cái khác. Nếu không mua, anh trả tiền lại cho tôi, làm bậy, tôi yêu cầu phải bồi thường thiệt hại vì vi phạm điều kiện nhận tặng cho tài sản.
Do đó, Luật sư Linh nhận định, việc chuyển cơ quan điều tra trong vụ việc này đang có dấu hiệu hình sự hóa một quan hệ dân sự.