Thứ Năm, 30 tháng 6, 2016

Sốt ruột chuyện “quảng bá ngược”

Châu Phú

VNN - Cái chưa tốt, chưa hay đáng lẽ phải được “đậy” lại, đằng này mình cứ “phô” ra, trong khi thiên hạ, kể cả hàng xóm láng giềng đâu phải ai cũng thiện chí, hết lòng, hết mực…

Bạn tôi hàng ngày làm “quảng bá hình ảnh” nên dịp “ăn bóng đá, ngủ bóng đá”, mỗi lần nhắc đến đều rất…cay câu nói của Jose Mourinho, HLV Real Madrid năm 2010 khi chỉ trích trọng tài: “bắt thế này thì tôi thà ở nhà xem bóng đá Việt Nam”!

Tôi bổ sung thêm, ông yên tâm dài dài vì còn vô khối chuyện “quảng bá ngược” sốt ruột và đáng nói lắm. Mới nhất là “giết bò bằng búa tạ” khiến thiên hạ khiếp hãi rồi định kiến. Chuyện nói mãi nhưng vẫn chậm sửa là “nhập gia” nhưng không “tùy tục”, thậm chí còn giở thói xấu như ăn cắp vặt, đánh nhau…

Cái chưa tốt, chưa hay đáng lẽ phải được “đậy” lại, đằng này mình cứ “phô” ra, trong khi thiên hạ, kể cả hàng xóm láng giềng đâu phải ai cũng thiện chí, hết lòng, hết mực với mình?

Lần ấy, báo Văn nghệ đăng bài phỏng vấn nhà văn Trung Quốc lão thành Ba Kim, người từng thăm Việt Nam và viết bút ký đặc sắc “Bên bờ cầu Hiền Lương” có câu hỏi “ông ấn tượng gì văn học nghệ thuật Việt Nam?”.

Chủ tịch Hội Nhà văn Trung Quốc, người đồng nghiệp kính trọng và thân thiết của nhiều nhà văn Việt Nam trả lời, ông chỉ biết bộ phim Đường về quê mẹ và một số bài thơ Tố Hữu…!

Cách nay vài tuần, các báo Việt Nam đồng loạt đăng bài “Tầm cao của văn học chiến tranh phương Đông” của nhà văn nổi tiếng Trung Quốc Diêm Liên Khoa thay Lời giới thiệu bản dịch tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh (xuất bản lần thứ nhất ở Việt Nam năm 1990) sang tiếng Trung, in từng phần trên tạp chí Thiên nhai [Chân trời], Hội Nhà văn tỉnh Hải Nam từ tháng 11/2015. 

Rất mừng khi Diêm Liên Khoa thừa nhận đó là “một sáng tác hiếm có của châu Á trong văn học thế giới” và nói “…giả sử ngay từ cuối những năm 1980 hoặc muộn hơn một chút vào đầu những năm 1990, chúng ta có thể dịch Nỗi buồn chiến tranh sang tiếng Trung …thì nhận thức của chúng ta đối với văn học Việt Nam sẽ không đến nỗi phong bế và hạn hẹp như hôm nay”.

Hàng xóm, láng giềng sát cạnh mà còn thế, huống chi Jose Mourinho, một người Châu Âu sinh ra trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam suy nghĩ như thế là có thể hiểu được!

Một vị lãnh đạo bộ kể, vừa đến Nam Phi dự hội thảo, bạn hỏi “người Trung Quốc hay Nhật Bản?”, được trả lời rành rọt là “người Việt Nam” thì bạn biểu thị ngay động tác giương súng “pùm” “pùm”!

Những khoảng trống ấy đã có và rõ ràng chưa thể lấp đầy…

***

Gần đây nhiều câu chuyện cứ khiến mỗi chúng ta, nhất là anh bạn “quảng bá” nói trên đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.

Phát biểu trước gần 4.000 khách mời là học sinh, sinh viên, trí thức Việt Nam tại Trung tâm Hội nghị quốc gia ngày 24/5/2006 tại Hà Nội, Tổng thống Mỹ Barack Obama "lẩy" 2 câu Kiều bằng tiếng Anh trước khi vẫy tay chào tạm biệt: "Rằng trăm năm cũng từ đây/ Của tin gọi một chút này làm ghi”.

Trước đó, trong chuyến thăm đầu tiên đến Việt Nam vào tháng 11/2000 với vai trò Tổng thống thứ 42 của nước Mỹ, tại quốc yến ở Phủ Chủ tịch, Tổng thống Bill Clinton cũng dùng hai câu Kiều để diễn tả về sự thay đổi của mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước Mỹ - Việt: “Sen tàn cúc lại nở hoa/ Sầu dài ngày ngắn, đông đà sang xuân.”

Để kết bài phát biểu 10 phút trong tiệc trưa chào đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Bộ Ngoại giao Mỹ tháng 7/2015, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đọc lẩy bằng tiếng Anh: "Trời còn để có hôm nay/ Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời".

Và một câu chuyện khác, từng được báo chí ghi lại.

Sáng 17/3/2016, hơn 500 sinh viên Trường ĐH Kinh tế Quốc dân giao lưu với bà Christine Lagarde, Tổng Giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế. Mở đầu, bà Christine Lagarde đã trích dẫn hai câu thơ từ “Bài thơ số 173 trong tập “Quốc âm thi tập” của nhà thơ Nguyễn Trãi ở thế kỷ 15:

"Nên thợ nên thầy vì có học/No ăn no mặc bởi hay làm". (Nguyên văn tiếng Anh: “Learning is the key for everyone, whoever he is, either a teacher or a worker” – PV). 

Kết thúc bài nói chuyện, bà còn nhắc tới thói quen của người Việt: "Vào dịp Tết, nhiều sinh viên có thói quen tới Văn Miếu để xin chữ - những mong ước tốt đẹp. Mong ước của tôi cho năm nay – và 30 năm tới – là các bạn sẽ thành công khi cùng nhau đưa ra một công thức mạnh mẽ cho sự chuyển đổi này –cho bản thân các bạn, cho đất nước".

Giám đốc IMF- vốn là luật sư người Pháp đã ví von: Việc sử dụng từ "công thức" cho sự chuyển đổi tiếp theo của Việt Nam" là "rất hợp lý ở một đất nước có văn hóa ẩm thực tuyệt vời nhất thế giới".

Bà nói: "Món ăn yêu thích của tôi là Phở - một món ăn mang tính hình tượng đến mức dường nó nó có khả năng hội tụ những tinh túy nhất của Việt Nam chỉ trong một cái bát. Tại sao chúng lại có liên quan tới nhau? Bởi vì quản lý một nền kinh tế giống như chuẩn bị nấu một bát Phở hoàn hảo – đòi hỏi sự hòa quyện của tất cả các thành phần". 

Rõ ràng, những gì là “quốc hồn, quốc túy” của ta đều đã được các vị khách quý thể hiện đúng lúc, đúng chỗ. 

Hóa ra thiên hạ còn “biết ta” hơn cả ta, ông bạn nhỉ? 

***

Mới đây, tôi lại mách ông bạn về bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Đối thoại Chính sách Kinh tế cao cấp Việt Nam-Nhật Bản (26/5/2016), trong đó có đoạn: Người dân cả hai nước chúng ta hằng ngày ăn cơm bằng bát nhỏ và dùng đũa, trong lao động luôn coi trọng sự cần cù, hợp tác giúp đỡ; cởi mở, hiếu khách trong giao tiếp...

Ngài cựu Thủ tướng Nhật Yukio Hatoyama đã từng nói tình bằng hữu Việt-Nhật được xây đắp từ những tương đồng “cùng chung nhịp đập trái tim” và ngày mai tôi sẽ dậy thật sớm đi thăm Đền Ise Shima để có cơ hội tìm hiểu rõ hơn các giá trị Nhật Bản và “cùng chung nhịp đập trái tim” với các bạn”.

Xem ra, chỉ khi chủ động phá bỏ “những ký ức đông cứng và cũ kỹ ” sẽ vượt thoát được “phong bế và hạn hẹp”, thế giới đang trở nên gần gũi hơn, tin cậy hơn và được sẻ chia, tin cậy nhiều hơn.

Nhưng mọi việc xem ra còn ngổn ngang, lắm nỗi phải không ông bạn?