Thứ Hai, 30 tháng 5, 2016

Vụ trụ điện 220kV làm bằng bêtông trộn đất ở Nam Định: Xuất hiện nhiều điều vô cùng “lạ lùng”

NHÓM P.V

LĐO - Ngay sau khi Lao Động đăng tải loạt bài về những gian dối trong thi công trụ cột điện đường dây 220kV đoạn qua xã Đại An, huyện Vụ Bản (tỉnh Nam Định), chỉ vài ngày sau, đã xuất hiện rất nhiều tình tiết lạ lùng.

Chủ đầu tư “đẩy” trách nhiệm cho nhà thầu

Điều lạ lùng đầu tiên, ngày 27.5, TCty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) - đơn vị chủ đầu tư công trình đã gửi thông cáo báo chí cho rằng, vị trí cột này mà báo chí phản ánh và đoạn tuyến từ G1 - G3 của công trình đường dây 220kV Trực Ninh đã được chủ đầu tư yêu cầu dừng thi công từ tháng 3, nhưng đến nay, nhà thầu vẫn cho tiến hành thi công là thuộc trách nhiệm của nhà thầu.

Câu hỏi đặt ra là đơn vị thi công “cố tình thi công” nhằm mục đích gì, họ lấy tiền đâu để thanh toán cho những phần việc đã thi công, liệu chủ đầu tư có né tránh trách nhiệm về chất lượng công trình này? Ông Trần Kim Vũ - Phó Giám đốc Ban QLDA các công trình điện miền Bắc, đại diện chủ đầu tư - cho hay: Ngày 9.3, Ban QLDA các công trình điện miền Bắc nhận được văn bản số 168/KTQLB-DVKT của Cty TNHH kỹ thuật quản lý bay thuộc TCty Quản lý bay Việt Nam, thông báo tuyến đường dây đi qua đài dẫn đường khu vực Nam Hà, yêu cầu dịch chuyển tuyến để bảo đảm an toàn dẫn đường, từ bán kính 300m lên 1km. Sau khi làm việc với Cty TNHH kỹ thuật quản lý bay, ngày 22.4.2016, Ban QLDA có văn bản số 2310/NPMB-KT yêu cầu Cty CP Sông Đà 11 dừng thi công đọan tuyến từ G1 - G3 để phối hợp và cùng chờ phương án mới mới tiếp tục thi công.

Khi được hỏi về việc, khi xem xét về việc điều chỉnh hướng tuyến, phía tư vấn nước ngoài nêu yêu cầu không điều chỉnh 2 vị trí cột điện số 1 và 2, chỉ điều chỉnh từ vị trí số 3 đến số 12 trên đoạn tuyến G1-G3. Điều này cho thấy đơn vị thi công vẫn tiếp tục thi công các móng trụ 1 và 2 là đúng? Ông Trần Kim Vũ cho biết: “Đúng là đơn vị tư vấn có đưa ra yêu cầu này, tuy nhiên phía Cục Hàng không dân dụng và chủ đầu tư sau khi họp bàn quyết định cần thiết phải họp các bên liên quan để thống nhất phương án điều chỉnh hướng tuyến mới. Trong quá trình thực hiện các thủ tục để điều chỉnh đoạn tuyến này, Ban QLDA chưa có văn bản cho phép đơn vị thi công tiếp tục thi công phần móng các vị trí cột số 1 và số 2. Việc Cty CP Sông Đà 11 tiếp tục cho thi công 2 trụ điện này theo tôi được báo cáo là do tổ thi công thuộc nhà thầu tự ý thi công. 

Về mục đích “cố tình thi công”, ông Vũ lý giải: Có thể do tổ đội thi công lo móng đào bị sụt, nếu bị dừng thi công lâu dẫn đến sụt hố móng. Còn nhà thầu lấy tiền đâu thi công thì theo nguyên tắc, chủ đầu tư phải tạm ứng cho nhà thầu 25% khối lượng thực hiện, ở công trình này, chúng tôi mới tạm ứng cho nhà thầu 20%. 

Sau khi nhà thầu thi công một số hạng mục theo tiến độ quy định, chủ đầu tư sẽ nghiệm thu từng phần. Trung bình khoảng 15 ngày nghiệm thu/lần, sau khi các bên hoàn tất phiếu thanh toán khối lượng phải chờ 15 ngày nữa để thực hiện các bước: Ban QLDA chuyển chủ đầu tư là EVNNPT, sau đó hóa đơn chứng từ nghiệm thu chuyển sang JICA là đơn vị đại diện bên cho vay vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản. Trong vòng 45 ngày, phía JICA sẽ chuyển tiền để nghiệm thu thanh toán. Như vậy, quy trình thủ tục thanh toán khối lượng rất chặt chẽ. Nếu bên giám sát chất lượng thi công không thông qua thì chắc chắn khối lượng sẽ không được nghiệm thu”.

Nhà thầu “đẩy” cho chỉ huy công trường

Cũng liên quan đến việc “cố tình thi công”, đại diện nhà thầu xây dựng - ông Lê Văn Tuấn - Tổng Giám đốc Cty CP Sông Đà 11 - thừa nhận: “Đúng là có việc EVNNPT ngày 9.3.2016 đã có công văn đề nghị dừng thi công dự án bởi công trình phải điều chỉnh lại do ảnh hưởng đến hành lang bay của hàng không. 

Thông tin nêu trên đã được phổ biến ngay xuống các đơn vị thi công, thời điểm đó có 12 vị trí xây trụ điện của Sông Đà 11 phải dừng lại, trong đó có 8 vị trí đã đền bù đất đai và đã đào xong hố móng, 4 vị trí còn lại đã tiến hành đan cốt thép để đổ bêtông. Việc thi công như vậy là không thực hiện đúng yêu cầu của chủ đầu tư, đây là trách nhiệm của chỉ huy công trường. Do vậy khi thi công mới không có chủ đầu tư giám sát, vắng mặt chỉ huy công trường và việc thi công đổ bêtông vào ban đêm là những vấn đề vi phạm chúng tôi phải làm rõ”.

Ông Tuấn nói thêm: “Chúng tôi đang xử lý quyết liệt vấn đề này để quy trách nhiệm cá nhân gây ra sai phạm, kể cả kỷ luật buộc thôi việc hay cắt hợp đồng. Việc gây ra thiệt hại cũng sẽ phải quy được rõ trách nhiệm để bồi thường, vì đây là trách nhiệm của đơn vị thi công. Hiện Sông Đà 11 đang phải tiến hành lấy mẫu bêtông để đưa đi giám định nhằm xác định rõ những việc làm sai để xử lý”.

Chỉ huy công trường “mua chuộc” người tố cáo

Một điều vô cùng lạ lùng diễn ra vào ngày 26.5 ông Nguyễn Văn Đương (Chỉ huy trưởng công trình, người vừa bị đình chỉ công việc - P.V) cùng giám sát thi công Vũ Văn Thụy có mặt tại nhà anh Vũ Ngọc Hồi (một trong những người đứng ra tố cáo). Ông Đương và ông Thụy đã soạn một bản “thỏa thuận” viết tay, theo đó ông Hồi và người anh cùng đứng ra tố cáo của mình sẽ nhận được một khoản bồi thường (theo lời anh Hồi là 100 triệu đồng) để ký vào “thỏa thuận” đó. Nội dung chính của bản thỏa thuận là anh Hồi có mâu thuẫn với đội trưởng (ông Nguyễn Văn Toán) từ đó dẫn đến việc quay clip tố cáo. Còn hình ảnh trong clip chỉ là cảnh đổ đất đá lẫn bêtông để đổ chèn ván khuôn chứ không phải đổ bêtông. Tất nhiên, ông Hồi đã không chấp nhận “thỏa thuận” trên...

Cần kiểm định lại toàn bộ các móng cột đã thi công

Chia sẻ về những việc lạ lùng kể trên, PGS-TS Nguyễn Quang Viên (Trường Đại học Xây dựng Hà Nội), chuyên viên Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước về công trình xây dựng cho biết: “Suốt mấy chục năm làm trong lĩnh vực giám sát thi công cũng như giảng dạy, tôi chưa từng gặp trường hợp nào lạ lùng như vậy. Người ta phải cho làm thì mới làm chứ, vì làm xong có phải xong ngay đâu, còn phải nghiệm thu, thanh toán nữa chứ. Đấy còn chưa kể không cho làm thì đồng nghĩa cũng không giao mặt bằng. Vậy nhà thầu lấy đâu ra mặt bằng để làm”.

Theo vị chuyên gia, bản thân “chủ đầu tư” đã thể hiện người ta là chủ, nhà thầu chỉ là làm thuê. Tự ý làm đồng nghĩa với việc “cãi lệnh chủ”, tự bỏ tiền túi ra thi công, sau này chủ đầu tư hoàn toàn có quyền từ chối thanh toán. Sông Đà 11 vốn là nhà thầu lâu năm, dày dạn kinh nghiệm, thì họ lại càng phải ý thức được việc đó, không tự dưng “thả gà ra đuổi”.

Quan sát những hình ảnh thực tế PV Báo Lao Động ghi lại tại buổi nhà thầu lấy mẫu bê tông đi xét nghiệm hôm 27.5, PGS-TS Viên thận trọng nói: “Không biết quy trình lấy mẫu như nào, nhưng cái chỗ đỉnh cột chờ ấy chính là chỗ bêtông tốt nhất, lấy ở đấy không ích gì vì chắc chắn đạt, không cần bàn cãi. Cái cần là phải lấy ở nhiều nơi, cả cột, cả dầm, cả trụ, đáy... đặc biệt chỗ những người dân tố cáo, như thế mới đảm bảo khách quan”.

Đưa quan điểm việc nhà thầu “tự kiểm tra chính mình”, vị giảng viên Trường Đại học Xây dựng cho biết, đây là nghiệm thu nội bộ, dựa trên cơ sở công trình chưa bàn giao. Còn về việc bêtông sẽ được xét nghiệm ngay tại đơn vị thành viên của TCty Sông Đà, PGS-TS Nguyễn Quang Viên cho rằng: “Nếu không đồng ý kết quả thì có thể gửi lên Hội đồng chủ đầu tư, Hội đồng Nhà nước để giám định lại. Nếu người ta không đồng ý thì phải làm lại. Theo tôi, ngoài việc lấy mẫu kiểm định hai móng cột kể trên, các đơn vị liên quan cần phải lấy mẫu kiểm chứng hơn 30 cột móng đã hoàn thiện để đảm bảo chất lượng toàn tuyến công trình.