Chủ Nhật, 8 tháng 5, 2016

Ứng xử với rác: Người dọn, kẻ xả

PH.Đ.NGUYÊN CHƯƠNG

(PL) - Khi người ta chưa đủ ý thức bảo vệ môi trường sinh thái thì phải cần biện pháp mạnh để răn đe, giáo dục.

Sau kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 vừa qua, trên truyền hình, báo chí cùng báo động những địa điểm du lịch, nhất là tại các điểm du lịch sinh thái, các bãi biển và đảo còn hoang sơ, hàng núi rác để lại sau khi du khách ra về! Một phần là do các điểm du lịch này mới được khám phá và đưa vào khai thác nên chưa ai chuẩn bị thùng rác hay nơi tập kết rác. Nhưng cái chính là ý thức bảo vệ môi trường sinh thái của đại đa số du khách quá kém. Bởi nếu không có thùng rác, người ta có thể gom lại đốt hay chôn lấp, thậm chí gom rác cho vào bao mang đến nơi nào có tập kết rác để bỏ, như chuyện đứa bé mà tôi đã gặp…

Ý thức bảo vệ môi trường được giáo dục từ nhỏ

Có lần chạy xe sau một phụ nữ chở con đi học về, tôi đã chứng kiến cách ứng xử rất thú vị của cháu bé ngồi sau xe mẹ - chừng 9-10 tuổi, có lẽ là học sinh lớp 3, lớp 4. Cháu ngồi sau xe mẹ ăn kem, ăn xong nhưng tay cứ cầm mãi cái túi nylon và vỏ bao kem, mắt nhìn quanh quất. Đi ngang nơi có thùng rác, bé kéo áo mẹ dừng lại để bỏ rác vào thùng! Nếu cháu bé nào cũng được giáo dục và có ý thức bảo vệ môi trường như cháu bé kể trên thì môi trường sinh thái sẽ tốt đẹp biết bao. Tiếc thay, ngay tại những địa điểm được coi là “văn minh” ở trung tâm Sài Gòn, như công viên trước Hội trường Thống Nhất, vào các buổi sáng Chủ nhật, nhiều bạn trẻ - hầu hết là sinh viên-học sinh từng nhóm tụ tập sinh hoạt, ăn uống; đến khi tàn cuộc chơi, có nhóm bạn có ý thức gom rác bỏ vào thùng, số khác thì ung dung ra về, chẳng ngó ngàng gì tới mớ đồ phế thải mà mình bỏ lại vương vãi khắp nơi, dù có nhiều thùng rác được đặt quanh công viên! Ở một nơi khác là hai bên lề đại lộ Đông Tây (đường Mai Chí Thọ, quận 2), nơi chiều chiều sau giờ tan tầm, một số bạn trẻ, có lẽ là công nhân, viên chức, nam có nữ có, từng nhóm tụ tập, trải giấy báo bày ra ăn uống, ca hát rất vui vẻ. Có hôm trên đường về đúng lúc họ tàn cuộc chơi và chuẩn bị ra về, tôi tần ngần dừng lại và bắt gặp những hình ảnh đáng khen của các bạn: Sau khi ăn uống xong, hầu hết họ tự động gom rác, dọn dẹp sạch sẽ, mặc dù chẳng có công an hay trật tự nào đến nhắc nhở, do đây là khu vực mới, ban đêm còn tương đối vắng vẻ.

Không thể coi là lỗi nhỏ

Sáng Chủ nhật ngồi cà phê ở một quán trên đường Trường Sa nhìn con kênh mà xót xa. Nhìn ra bờ kè, cũng đau lòng không ít khi chứng kiến cảnh hàng chục người vô tư câu cá mặc các biển báo “Cấm câu cá” treo dài trên lan can. Bên dưới dòng kênh trong xanh tuyệt đẹp, mấy công nhân vệ sinh môi trường kiên nhẫn chèo ghe đi vớt những túi nylon, hộp đựng thức ăn, vỏ bánh kẹo... mà những người đi dạo mát hay ngồi tụ tập ăn uống ở công viên dọc bờ kênh vô tư vứt xuống đêm qua. Không chỉ ban đêm mà ngay giữa thanh thiên bạch nhật, vẫn có người mang rác ra quẳng xuống kênh, có người lại dắt chó vào công viên phóng uế.

Nhìn thấy cảnh chướng mắt này, một bạn trẻ ngồi bàn kế bên buột miệng: “Sao lại có người vô ý thức quá vậy? Phải mất mấy chục năm và biết bao công sức, tiền bạc, TP mới cải tạo được cái dòng kênh đen hôi thối ngày trước, làm hồi sinh được dòng kênh sạch đẹp thế này”. Một người ở bàn khác nói lớn với giọng bực tức: “Sao không thấy cơ quan nào cử người canh giữ bảo vệ môi trường vậy? Cần phải phạt thật nặng những hành vi hủy hoại môi trường như vậy, chứ không thể coi là lỗi nhỏ”.