TPO - “Có người ăn chặn của dân, vòi vĩnh, đòi quà cáp, biếu xén. Một số người có chức có quyền còn tác phong quan cách, gia trưởng, phụ trách ở địa phương nào, đơn vị nào thì như ông vua con, thậm chí có những cá nhân, tập thể bị trù dập, ức hiếp”, Tổng Bí thư nói.
Sáng 27/5, tại hội nghị triển khai chương trình hành động thực hiện nghị quyết Đại hội 12 của Đảng và các chỉ thị, kết luận của Bộ Chính trị, Ban bí thư về công tác dân vận, Tổng Bí thư đánh giá cao những đóng góp của công tác dân vận trong thời gian qua, góp phần phát huy khối đại đoàn kết toàn dân, tạo được niềm tin đối với Đảng.
Bên cạnh những thành tích, tiến bộ, Tổng Bí thư cũng cho rằng, công tác dân vận còn những hạn chế yếu kém mà Đại hội 12 đã chỉ ra, trong đó có một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa quan tâm đầy đủ công tác dân vận, chưa thực sự dựa vào dân để xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
Theo Tổng Bí thư, tin ở dân, chăm lo cho dân, lấy dân làm gốc là một bài học lớn được rút ra từ chiều sâu lịch sử nước ta. Nguyễn Trãi đã đi đến nhận định rất quan trong: Vận nước thịnh hay suy, mất hay còn là do sức mạnh của dân quyết định. Và Nguyễn Trãi đã đi đến kết luận thật sâu sắc: Thuyền bị lật mới biết sức dân mạnh như sức nước, nước có thể chở thuyền nhưng nước cũng có thể lật thuyền được.
Lê Nin thì nhấn mạnh, đối với một Đảng cầm quyền, một trong những nguy cơ lớn nhất và đáng sợ nhất là tự cắt đứt liên hệ với quần chúng. Bác Hồ và Đảng ta cũng thường xuyên chăm lo, củng cố mối liên hệ chặt chẽ với nhân dân, từ đó đã chiến thắng mọi kẻ thủ xâm lược.
Tổng Bí thư cũng cho rằng, ngoài những khó khăn khách quan, chúng ta cũng gặp phải một số sai lầm khuyết điểm, tình trạng quan liêu, mệnh lệnh cửa quyền khá phổ biến, không ít cơ quan chính quyền không tôn trọng chính kiến của dân, không làm công tác vận động quần chúng, chỉ nặng về biện pháp hành chính, mệnh lệnh.
Một bộ phận cán bộ đảng viên nhất là người có chức có quyền có những biểu hiện sa sút phẩm chất, sống xa dân, vô trách nhiệm với dân. Nhiều cán bộ các cấp các ngành còn tác phong quan liêu, gia trưởng độc đoán, thậm chí trù dập ức hiếp quần chúng…làm tổn thương thanh danh uy tín của Đảng, giảm sút niềm tin đối với Đảng.
“Trong khi ở nhiều nơi đời sống nhân dân còn khó khăn, nhiều nhu cầu thiết yếu của quần chúng chưa được đảm bảo thì lại có những cán bộ đảng viên chỉ lo vun vén cá nhân, xoay xở làm giàu, ăn uống chè chén bê tha, thậm chí có người vô trách nhiệm với dân, vô cảm trước những khó khăn đau khổ của quần chúng. Một số người còn lợi dụng chức quyền để vơ vét của cải của nhà nước, của tập thể, trở thành những con sâu mọt của xã hội”, Tổng bí thư chỉ rõ.
Trong điều kiện ngày nay, theo Tổng Bí thư, nếu không chăm lo một cách đầy đủ đến đời sống vật chất, tinh thần của người dân thì có nói bao nhiêu cũng đều vô nghĩa, không thuyết phục. Do vậy, cần nhận thức sâu sắc hơn đến vấn đề này để chăm lo đời sống cho nhân dân, đảm bảo đời sống nhân dân, từ cái ăn, cái mặc, học hành cho người dân, đến đảm bảo an sinh, an toàn và công bằng xã hội… “Bác Hồ nói sâu sắc lắm: Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng. Không sợ nghèo, chỉ sợ lòng dân không yên”, Tổng Bí thư nói.
Tổng Bí thư cũng chỉ rõ, có những đảng viên có thái độ coi thường quần chúng, không lắng nghe ý kiến, vận động quần chúng. Một số cán bộ, công chức, nhân viên có quan hệ trực tiếp với dân thì cửa quyền, hách dịch, sách nhiễu gây đủ thứ phiền hà, khó khăn cho dân, thiếu lễ độ với dân.
“Có người ăn chặn của dân, vòi vĩnh, đòi quà cáp, biếu xén. Một số người có chức có quyền còn tác phong quan cách, gia trưởng, phụ trách ở địa phương nào, đơn vị nào thì như ông vua con, thậm chí có những cá nhân, tập thể bị trù dập, ức hiếp”, Tổng Bí thư nói.
Chỉ ra hàng loạt những hạn chế, tồn tại, Tổng Bí thư đề nghị các cấp ủy đảng cần có biện pháp kiên quyết, đấu tranh các hiện tượng thoái hóa, biến chất, siết chặt kỹ luật của Đảng, kiên quyết thải loại những phần tử biến chất ra khỏi đảng để lấy lại lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.