TTO - Xót xa trước tình trạng hơn 70 tấn cá trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè chết sau mưa đầu mùa, đông đảo bạn đọc phản hồi trên Tuổi Trẻ Online (TTO) đã nhấn mạnh vấn đề bảo vệ môi trường cho dòng kênh nói riêng và môi trường thành phố nói chung.
“Là người làm công trình cầu đường, nhiều lúc tôi bức xúc khi thấy người bán quán ăn, kể cả nhà hàng, đổ trực tiếp các thùng thức ăn còn thừa xuống hố ga thoát nước. Tới vận động thì bị cho là nhiều chuyện và có khi phải đón nhận ánh mắt hung tợn” - kỹ sư cầu đường Trần Văn Tường chia sẻ.
Một bạn đọc khác tâm tư: “Tối nào thức khuya, tôi cũng thấy nhiều người quăng rác xuống kênh. Tôi tức khí muốn lao ra cản nhưng bà xã ngăn lại vì sợ bị đánh”.
Thẳng thắn hơn, bạn đọc tên Dân viết: “Cá chết thì chúng ta cũng đều có trách nhiệm, không chỉ Nhà nước. Xem lại mình có hay xả rác thải bừa bãi không? Rồi khi thấy người ta xả rác, đổ chất thải, mình làm gì hay chỉ nhìn và nghĩ đó là việc của Nhà nước?”.
Rồi bạn đọc này tự trả lời: “Nhà nước không đủ sức để tung người ra mọi ngóc ngách nhằm kiểm soát, chính bản thân người dân chúng ta phải tự tham gia bảo vệ môi trường sống của mình”.
Theo nhiều bạn đọc, để bảo vệ môi trường sống, không thể ngồi chờ cho ý thức người dân tự tốt lên được mà phải nỗ lực tuyên truyền, giáo dục đi kèm quản lý và chế tài bằng pháp luật.
“Hãy xử phạt nặng như Singapore, coi ai dám vi phạm?” - một bạn đọc góp ý.
Bạn đọc Thạc Lê đặt vấn đề khác: “Ở những nước phát triển, tất cả nước thải sinh hoạt của nhà dân và nước thải công nghiệp đều phải đấu nối với những trung tâm xử lý môi trường, sau khi xử lý xong mới cho ra sông, suối. Nước ta có những trung tâm xử lý môi trường như vậy không? Hoàn toàn không có, vì thế tất cả nước thải sinh hoạt đều cho chảy thẳng ra kênh, rạch, sông, suối. Việc bảo vệ môi trường là trách nhiệm của mọi người, nhưng chính quyền cũng phải lập ra những trạm xử lý nước thải, có như vậy thì môi trường mới trong sạch và sức khỏe người
dân mới được bảo đảm”.