Thứ Sáu, 6 tháng 5, 2016

Đổ thừa- bệnh kinh niên của những quan chức sợ trách nhiệm

VIỆT HOÀI

(GDVN) - Đổ thừa là căn bệnh kinh niên khó chữa ở những quan chức sợ trách nhiệm, trở thành “văn hóa” đổ tội, lỗi của mình lên người khác.

Cột đường dây truyền tải 500 kV Quảng Ninh - Hiệp Hòa (Bắc Giang) đoạn đi qua địa bàn xã Tiến Dũng (huyện Yên Dũng, Bắc Giang) bị đổ, nguyên nhân rồi cũng được các cơ quan có thẩm quyền làm rõ là do chất lượng thi công kém hay lốc xoáy.

Trả lời báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Tuấn Tùng- Phó Tổng giám đốc công ty truyền tải điện- chủ đầu tư công trình “Dự án năng lượng cấp I, tổng mức đầu tư hơn 2.260 tỷ đồng”- cũng đã từng thừa nhận rằng:

“Cột điện đổ thì xuất hiện nhiều, tuy nhiên, cột truyền tải 500 kV bị đổ ở vị trí như thế này thì chưa có”.

Câu trả lời này đã phần nào hé lộ nguyên nhân lốc xoáy chỉ là yếu tố phụ khiến cột truyền tải bị đổ. Bởi đã có hàng ngàn cột đường dây truyền tải điện 500 kV được dựng ở địa bàn có thời tiết khắc nghiệt như miền Trung mà chưa hề có cột nào bị đổ. 

Ông Tùng cho biết thêm: Qua kiểm tra các thông số thiết kế, xây dựng đều đáp ứng quy chuẩn đề ra. Khi thiết kế, lắp đặt, xây dựng cột truyền tải phải chịu đựng được lực tác động nhất định từ bên ngoài vào. Nếu tác động bình thường sẽ khó làm đổ cột.

Rõ ràng, đúng theo bản thiết kế thì thông số ấy chỉ nằm trên giấy còn thực tế việc thi công theo thông số đã được phê duyệt mới là yếu tố quyết định. 

Người không có trình độ, am hiểu, chỉ quan sát sơ qua phần chân đế cũng đã thấy có quá nhiều nghi vấn.

Nào là bê tông đổ cột móng mà không có liên kết. Xi măng ở một nơi, sỏi, cát một nẻo, không dính được que sắt ở phần đế. Dư luận cho rằng “sắt bé như que tăm, không đổ mới lạ”.

Người dân xã Tiến Dũng công nhận trước khi cột đường dây truyền tải điện bị đổ, có cơn lốc nhưng tuyệt nhiên lốc xoáy không làm bật những mái nhà lợp tạm, mà lại làm bật gốc cột truyền tải điện?

Mặc dù cột truyền tải điện được thiết kế theo hình tháp nhọn, nhỏ dần từ dưới lên trên. Với 4 chân trụ cho thấy không dễ lốc xoáy quật ngã.

Phần đế vững thì cột truyền tải chỉ có thể gãy ngang, không thể bật cả bốn chân đế.

Nhưng trong trường hợp này thì rõ là cột truyền tải điện bị “nặng bồng, nhẹ tếch”, khi chân đế không đủ lực để giữ cột có chiều cao mấy chục mét.

Tất nhiên ông Tùng sẽ khó có câu trả lời rằng, tại sao đơn vị thi công lại vội cho máy xúc đến múc phần móng cột ngay lập tức? Tại sao sắt ở phần chân đế lại sớm cho cưa cụt?

Ông Trịnh Văn Tuấn- Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xây lắp Điện 1 thì lại cho rằng: Do anh em cấp dưới hiểu lầm chỉ đạo của cấp trên. 

Còn dư luận cho rằng, đơn vị thi công đang cố tình phi tang “vật chứng”?

Nếu tôi ở cương vị của ông Tùng và ông Tuấn thì không bao giờ lựa chọn câu trả lời theo kiểu đổ lỗi, né tránh trách nhiệm.

Đành rằng, kết luận nguyên nhân phải chờ kết quả giám định, nhưng với những câu trả lời lập lờ, không thấy bóng dáng trách nhiệm của người đứng đầu, nên dư luận nghi ngờ, phản ứng là tất yếu.

Dư luận cho rằng “gió lốc, cột điện mà biết nói”…thì các vị có trách nhiệm liên quan đến cột truyền tải điện bị đổ, khó bề đồ thừa yếu tố khách quan.

Đổ thừa là căn bệnh kinh niên khó chữa ở những quan chức sợ trách nhiệm, trở thành “văn hóa” đổ tội, lỗi của mình lên người khác. Công thì vơ lấy còn tội, lỗi thì đổ thừa cho ai đó, không phải mình.

Người lãnh đạo có trách nhiệm thì thấy sai phải sửa, lỗi thì phải nhận, mới xứng đáng ngồi ở cái ghế mà dân đặt niềm tin.