Khám Phá - Từ bao giờ mà trong xã hội này, mối quan tâm đối với thánh thần đã vượt qua nỗi xót xa dành cho con người?
Tôi thường có một cảm giác vô cùng khó tả mỗi khi đọc tin ở đâu đó người ta đầu tư cả đống tiền cho một dự án tâm linh. Khó tả, bởi việc đó chẳng có gì sai trái nếu căn cứ theo tất cả những quy định của pháp luật, nhưng lại bất nhẫn vô cùng khi trên đất nước này vẫn có những người dân chết đi mà không không được mai táng, chỉ vì quá nghèo.
Ngày hôm qua, cảm giác khó tả ấy xuất hiện khi tôi biết có một Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển văn hóa Hùng Vương mới ra đời và nhiệm vụ đầu tiên là vận động xây dựng một khu tưởng niệm Hùng Vương trị giá 350 tỷ đồng ở Trường Sa.
Ai cũng có tín ngưỡng của mình, ai cũng có những nhu cầu để phát dương niềm tin ấy. 350 tỷ đồng là một số tiền lớn, xây dựng khu tưởng niệm Hùng Vương ở Trường Sa là một mong ước lớn. Song, điều đó không hề khó khả thi. Một ông sư chùa làng cũng có thể vận động được hàng chục tỷ đồng để tô tượng đúc chuông.
Ở bất cứ làng quê nào của Việt Nam cũng có những ngôi chùa được xây mới hoặc phục dựng hoành tráng trong mấy năm trở lại đây. Điều đó cho thấy người ta có thể dễ dàng huy động nguồn lực xã hội cho nhu cầu tâm linh nhiều đến mức thế nào.
Chẳng có bất cứ điều gì là sai trái khi kinh phí để làm những việc đó đều được huy động từ nguồn xã hội hóa. Nhưng đó là một sự đúng đắn khó tả. Bởi nguồn lực xã hội đó, dù rất dễ dàng để thu hút phục vụ những nhu cầu tâm linh, song lại không dễ dàng với những nhu cầu dành cho người đang sống.
Một đồng nghiệp nữ của tôi và bạn bè của chị đã vất vả suốt mấy năm để vận động nguồn lực tài chính làm một con đường đất giúp mấy trăm người dân ở Bắc Giang thoát khỏi sự cô lập.
Một nam đồng nghiệp thì bằng tất cả uy tín của mình và các bạn bè trí thức xây dựng quỹ cơm có thịt giúp trò nghèo vùng cao.
Họ đều là những người nổi tiếng và có uy tín xã hội. Nhưng khả năng thu hút nguồn lực xã hội của họ không bằng một ông sư vô danh.
Điều khó tả chính là ở chỗ đó, khi mà việc sức hút đầu tư cho những nhu cầu phát triển không thể so sánh với những nhu cầu tâm linh của xã hội. Từ bao giờ mà trong xã hội này, mối quan tâm đối với thánh thần đã vượt qua nỗi xót xa dành cho con người?
Không ai có quyền trách móc người khác khi mang tiền đi tô tượng đúc chuông thay vì xây trường cho con trẻ. Mỗi người đều có quyền tự do lựa chọn niềm an ủi cho lương tâm của mình. Nhưng lẽ nào, khi đứng trước một bức tượng đắt tiền thì lương tâm của chúng ta sẽ được an ủi nhiều hơn khi chứng kiến niềm vui của những đứa trẻ nghèo được cứu vớt tương lai?
Sáng hôm qua, tôi đã thất bại khi cố gắng để hiểu ý nghĩa của dự án xây dựng khu đền tháp tưởng nhớ Hùng Vương ở Trường Sa. Người ta bảo rằng “đây là việc làm cụ thể không những để tưởng nhớ công ơn dựng nước của các vua Hùng mà còn khẳng định nền văn hóa của thời đại Hùng Vương”.
Tôi không hiểu nền văn hóa của thời đại Hùng Vương sẽ được khẳng định như thế nào khi mà người ta bỏ ra 350 tỷ đồng để xây dựng một khu đền đài, trong khi con cháu của Vua Hùng vẫn chết vì ung thư bởi vì không đủ tiền để thực hiện việc quan trắc môi trường.