Thứ Năm, 7 tháng 7, 2016

Thác loạn từ đâu đến?

Nguyễn Quang Thân

(TBKTSG Online) - Ba trăm thanh niên nam nữ ở quán Karaoke Ruby vừa mới bị đưa về đồn cảnh sát trong đêm thác loạn. Làm “test” ngay, một nửa số đó dính ma túy. Vụ này chắc cũng đánh thức được không ít người vô cảm.

Đây không phải là vụ lớn nhất, chỉ là “mới nhất” mà thôi. Mà cũng không chỉ Hải Phòng, thực ra ăn chơi đất Cảng chưa thấm gì so với các thành phố lớn khác. Hãy nhớ lại những trận đột kích cỡ Ruby trước đây ở các nơi khác thì rõ.

Với thời gian, ăn chơi lây cả đến thanh niên nghèo. Không có bố mẹ giỏi ăn cắp của công thì tự mình ăn cắp, ăn cướp lấy để ăn chơi. Kẻ làm ra đồng tiên mồ hôi nước mắt thường không dám đổ bỏ một ly bia uống còn thừa.

Truyền thông, kể cả mạng xã hội, do thói quen thường có thiếu sót là chỉ xoáy vào thác loạn ma túy và tình dục. Nhưng không chỉ thế! Xã hội này đã đi xa hơn những thứ hư hỏng “cơ bản”. Cái thác loạn lớn nhất, sức hủy hoại lớn nhất và đáng lo ngại cho muôn đời con cháu đó là sự sa đọa về tinh thần, của văn hóa. Nó đã vượt qua những cột mốc ấy để trở thành căn bệnh ung thư, hoại tử.

Không phải là tất cả! Vẫn còn đây đó sáng ngời những con người tử tế, những chuyện tử tế, những thanh niên đầy lý tưởng trong đầu, máu nóng trong tim, thành đạt ở trong nước và nước ngoài, làm rạng danh người Việt. Không ít người biết tự cứu mình, cứu lấy con cái mình bằng sự cần mẫn, kiên trì gìn giữ gia phong, cũng là cái lề được cất giấu kỹ trong từng mái nhà, từng trái tim chống lại sự xâm thực của tội lỗi.

Nhưng đó không phải là gam màu chủ đạo của bức tranh. Lạc quan mấy người ta cũng thấy một gam màu xám hơn khác. Thời bao cấp người ta sống không vì tiền, đúng hơn, vì không có tiền và nếu có nhiều tiền cũng không biết dùng để làm gì. Chiến tranh dạy con người thói khắc khổ và thời 9 năm, vụ sa đọa bị đưa ra trường bắn là vụ đại tá Trần Dụ Châu, tham nhũng bị lộ khỏi đống rơm là do tổ chức một đám cưới xa hoa cho đệ tử.

Vậy thì thác loạn, sa đọa hôm nay từ kinh tế thị trường đến chăng?

Đúng là bức tranh màu tối này được vẻ ra và treo lên trong thời kỳ kinh tế thị trường. Nhưng tác giả của nó không phải là cơ chế thị trường. Bằng chứng là có nhiều quốc gia tồn tại hàng trăm năm trong kinh tế thị trường nhưng họ vẫn giữ được gia phong và phép nước, kỷ cương và văn hóa tốt đẹp như Nhật Bản và nhiều nước khác.

Thị trường làm ra Công Bằng vì người lao động hưởng theo thành quả và thỏa thuận (giữa chủ và thợ, giữa dân – người thuê, và quan – kẻ làm thuê quản lý đất nước, không ai kể công với ai). Thị trường khuyến khích làm giàu nhưng giàu là để tạo ra việc làm chứ không phải hễ cứ có tiền là mua thêm một mét vuông đất để đó. Kinh tế thị trường có tham nhũng, thậm chí tham nhũng lớn, nhưng xã hội sẵn cơ chế bắt bọn ăn cắp của công phải chùn tay.

Tham nhũng dù vẫn sinh ra trong các nền kinh tế thị trường lâu đời, nhưng nó không có đất sống thuận lợi như trong xã hội ta.

Đừng đổ oan cho thị trường. Thác loạn, ăn chơi đàng điếm và lớn hơn tất cả, nguy hiểm hơn tất cả là sự suy đồi không phanh của văn hóa không bắt nguồn từ thị trường mà từ nạn tham nhũng! Kiếm tiền dễ thì tiêu tiền càng dễ hơn.

Không có tội ác nào trong xã hội loài người lại làm bại hoại văn hoá bằng tham nhũng. Đã ai đếm được có bao nhiêu người phải tự sát, phải sa vào vũng bùn bán rẻ thân xác và thất học, ngu dốt đi vì những đồng xu ít ỏi dành cho cuộc sống làm người của họ chui tọt vào túi bọn tham nhũng bằng những cái vòi vô hình và gián tiếp? Tham nhũng là nguồn gốc của tệ nạn xã hội và suy đồi văn hoá. Nó làm nản lòng những người muốn sống và đóng góp bằng mồ hôi và trí óc của mình cho sự phát triển lành mạnh của văn hoá và xã hội.

Khi “ăn của dân không thiếu thứ gì” mà người ta xây được biệt thự bằng đá, về hưu ngồi ghế dát vàng, ăn nói như một nhà đạo đức thì thanh niên sẽ coi chuyện ngáo đá trong quá bar hay chặt tay một kẻ đi đường cướp chiếc xe máy chỉ là trò mèo so với tội ác của kẻ tham nhũng kia.