Thứ Tư, 11 tháng 5, 2016

Mỗi xe công “ngốn” 320 triệu đồng/năm: "Quá đỗi bất ngờ!"

Phương Dung

Dân Trí - Giám đốc một đơn vị kinh doanh vận tải khá lớn tại Hà Nội phải thốt lên: “Quá choáng váng” khi đề cập đến số tiền 320 triệu phải chi cho mỗi xe công trong một năm. Doanh nghiệp này đang cung cấp dịch vụ thuê xe 4 - 7 chỗ đưa đón cán bộ cho khoảng 100 công ty (đa phần trong đó là công ty nước ngoài) với mức chi phí trung bình hàng tháng dao động trong khoảng 20 - 25 triệu đồng/tháng.

Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, số lượng xe công của Việt Nam hiện lên tới 40.000 xe, chưa bao gồm xe tại các đơn vị vũ trang nhân dân, doanh nghiệp nhà nước. Theo tính toán, một xe công trung bình mỗi năm sẽ tốn khoảng 320 triệu đồng/năm, bao gồm cả chi phí trả lương lái xe, chi phí hao mòn, sửa chữa, xăng dầu…  

Bộ Tài chính cho rằng vẫn còn hiện tượng, tiêu chuẩn định mức quy định chưa phù hợp với một số cơ quan, đơn vị. Quy định về thời gian, số km sử dụng cũng chưa phù hợp với thực tế, quy định về khoán kinh phí xe ô tô hầu như không được áp dụng. Trong khi đó, việc sử dụng xe ô tô vào việc riêng, sử dụng xe sai đối tượng, sử dụng xe đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc với các chức danh không đủ tiêu chuẩn định mức vẫn diễn ra.

Từ việc sếp ngoại thuê xe hơn 20 triệu đồng/tháng

Giám đốc một đơn vị kinh doanh vận tải khá lớn tại Hà Nội cho hay, hiện nay doanh nghiệp này đang cung cấp dịch vụ thuê xe 4 - 7 chỗ đưa đón cán bộ cho khoảng 100 công ty (đa phần trong đó là công ty nước ngoài) với mức chi phí trung bình hàng tháng dao động quanh mức 20 triệu đồng/tháng, trong khi nhu cầu đi lại của những đơn vị này là rất lớn.

“Mức chi phí này tính trên định mức di chuyển khoảng 100km/ngày và tính cho 26 ngày làm việc trong tháng. Trong đó, đã bao gồm cả lương lái xe khoảng 6 triệu đồng/tháng, chi phí quản lý, xăng dầu, sửa chữa cũng như có cả phần lợi nhuận của doanh nghiệp”, vị này cho biết.

Cùng chia sẻ suy nghĩ này, giám đốc một doanh nghiệp chuyên dịch vụ cho thuê xe phải thốt lên: "Con số 320 triệu đồng/năm là quá cao so với mức chi trung bình cho mỗi đơn vị xe. Quá choáng váng!"

Cũng theo vị này, các hợp đồng thuê xe với đối tác là công ty nước ngoài thường quy định rất chi tiết và tính theo phát sinh thực tế, có những tháng di chuyển nhiều, đột biến có thể tăng lên tới 40 - 60 triệu đồng/tháng nhưng thông thường vẫn duy trì ở mức trên 20 triệu đồng.

Khảo sát tại một số doanh nghiệp vận tải khác cùng cung cấp dịch vụ cho thuê xe hợp đồng cho thấy, mức chi phí thuê xe cũng dao động trong khoảng tương tự.

“Như nhiều doanh nghiệp, họ thừa khả năng để mua xe. Tuy nhiên, làm việc với họ nhiều tôi biết, họ tính toán đủ đường rồi và thấy nếu đi thuê ngoài thì chi phí rẻ hơn rất nhiều, lại không phải mất thêm chi phí thành lập riêng một đội lái xe, bộ phận điều hành, bảo dưỡng, sửa chữa…”, chủ một đơn vị nói.

Đến chi phí 320 triệu đồng/năm cho xe công

Theo ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải thành phố Hà Nội: “Về chi phí dành cho xe công, tôi thấy còn phải tuỳ theo mức sử dụng của từng cơ quan. Đúng là có nhiều cơ quan sử dụng xe phục vụ công vụ là cần thiết nhưng nhiều nơi sử dụng chưa đúng mục đích khi mang phục vụ riêng cho cá nhân hoặc cho tập thể nhưng không phải mục đích công vụ”.

“Như với các doanh nghiệp nước ngoài khi ký kết hợp đồng sử dụng xe của các đơn vị thuê ngoài, họ quy định rất chặt chẽ và tính toán đầy đủ các chi phí: từ đi ăn trưa, rửa xe, đỗ xe… Nhiều đơn vị họ thuê xe đưa đón đi làm tại các khu công nghiệp ngoại thành rất xa. Hoạt động của họ rất năng động, họ đi suốt ngày và phục vụ cho công việc chứ không phải như nhiều xe công của mình”, ông Liên nói.

Ông Liên có nhắc tới việc thành lập một đơn vị cho thuê xe công. Theo đó, nếu chọn được một đơn vị uy tín để thành lập điểm tập trung xe cho các cơ quan đặt lịch thì sẽ tiết kiệm hơn rất nhiều so với hiện tại.

“Chi phí sẽ rẻ hơn vì hệ số lăn bánh của đội xe nhiều hơn, điều hành cũng hiệu quả hơn so với việc các xe riêng của cơ quan Nhà nước đưa đón lãnh đạo hàng ngày và cuối tuần đưa lãnh đạo về quê, đi chơi”, ông nhấn mạnh.

Còn theo TS Đinh Minh Tuấn, chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế công, người từng tham gia Nhóm Tư vấn Chính sách, Bộ Tài chính cho rằng, việc trung bình mỗi năm, 1 xe công tiêu tốn hết 320 triệu đồng cho thấy việc sử dụng không hiệu quả trong vấn đề xe công. Cụ thể là ngân sách phải “nuôi” rất nhiều khoản chi phí, trong khi nhu cầu sử dụng thì chỉ có “sáng đưa chiều đón”.

"Xét về mặt kinh tế thì khi cấp xe công, ngân sách còn phải “nuôi” thêm chỗ để xe, tài xế, bảo dưỡng… trong khi đó công suất sử dụng sẽ không nhiều. Xe để đưa đón một ông thứ trưởng nào đó không thể dùng chung để chở người khác, lái xe về nguyên tắc sáng đưa đi rồi vẫn phải đợi để chiều đưa về. Còn nếu như thực hiện khoán thì người ta có thể chi trả tiền taxi phù hợp với nhu cầu đi lại thực tế hơn”, ông Tuấn nói.