Đất Việt - Khi một vật có thêm chức năng, người ta sẽ TĂNG CƯỜNG giữ nó, thay vì buông nó ra. Tức là làm TĂNG vàng hoá.
Huy động vàng, tốt nhưng...
TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết, con số 500 tấn vàng mà Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam vừa kiến nghị NHNN huy động trong dân là số lượng rất lớn.
Theo ông, số vàng này hiện đang được cất giữ trong dân dưới nhiều hình thức, có thể chôn dưới chân giường, có thể để trong két…nhưng dù cất giữ hình thức nào thì cũng phải hiểu rằng nguồn lực đó đang bị để không, rất lãng phí. Vì thế, nếu có thể huy động được nguồn lực này và đưa vào nền kinh tế đó là việc nên làm.
Song, vàng tự bản thân nó không phải là tiền tệ, nó chỉ là hàng hóa nhưng nó là một sản phẩm hàng hóa đặc biệt có thể sử dụng để thế chấp, vay nợ, đặc biệt là vay nợ nước ngoài. Do tính chất đặc thù trên, nên có kéo được nguồn lực này từ dân chúng thì số vàng trên cũng không trực tiếp giúp ích được cho nền kinh tế sản xuất trong nước. Chỉ trừ một vài trường hợp sử dụng trong y khoa.
Trong trường hợp thiếu tiền, NHNN có thể huy động vàng trong dân và coi đó như một món tài sản bảo đảm để mang đi thế chấp hoặc vay vốn nước ngoài.
"Vấn đề của Việt Nam là làm sao có thể huy động được số vàng đó và làm sao có thể sử dụng nó một cách hiệu quả"? Ông đặt câu hỏi như vậy vì trước đây chủ trương huy động vàng cũng đã từng được đặt ra nhưng thất bại.
Cách làm trước đây là để các Ngân hàng thương mại đứng ra huy động vàng, vay vàng gây lên những bất ổn trong thị trường vàng. Vì thế, theo ông Hiếu, nếu NHNN muốn huy động vàng trong dân thì tự thân NHNN phải đứng ra vay vàng và chỉ có NHNN mới được làm phép huy động vàng, thông qua phát hành chứng chỉ vàng và đảm bảo có lãi cho người gửi.
Các chứng chỉ vàng này sẽ được phát hành dưới danh nghĩa là NHNN thông qua một số Ngân hàng thương mại. Song song đó, một sàn giao dịch vàng quốc gia được thành lập để người dân có thể trao đổi, mua bán hoặc cầm cố các chứng chỉ này.
“Huy động vàng, người dân phải được trả lãi bằng vàng. Tùy thuộc vào lãi suất, người gửi sẵn sàng gửi dài hạn hay ngắn hạn. Vấn đề của NHNN bây giờ là xây dựng một chuẩn mực cụ thể, công khai, minh bạch để khi huy động vàng vào và xuất vàng ra phải đảm bảo theo đúng chuẩn mực đó và tránh để người dân bị thiệt”, ông Hiếu nói.
Theo ông Hiếu, việc NHNN đứng ra huy động vàng chính là cách chống lại vàng hóa nền kinh tế và giúp lập lại trật tự trên thị trường vàng. Song ông cũng nhấn mạnh, việc huy động vàng chỉ nên thực hiện khi cơ chế, chính sách điều hành quản lý đảm bảo thông suốt, minh bạch, cùng với đó, NHNN cũng phải đưa ra được một kế hoạch huy động, quản lý và sử dụng vàng rất cụ thể, hiệu quả, công khai. Nhất là trong tính toán thật khớp giữa đầu vào với đầu ra. Ở đây, ông Hiếu muốn nói tới vấn đề sử dụng vàng phải khớp với kỳ hạn gửi của người dân.
“NHNN không thể mạo hiểm khi huy động của dân 3 năm nhưng lại cho Bộ Tài chính vay 5 năm hoặc dùng làm nguồn bảo đảm đi vay nước ngoài trong 15 hay 20 năm. Như vậy sẽ rất rủi ro và rất nguy hiểm”, ông Hiếu nêu ví dụ.
Vị chuyên gia nhấn mạnh, huy động vàng là đúng nhưng nó có đem lại kết quả tích cực cho nền kinh tế hay không thì lại tùy thuộc vào phương án và kế hoạch sử dụng nguồn lực này.
"Nếu huy động vàng rồi lại sử dụng làm nguồn bảo đảm để in tiền, hoặc mang đi vay nước ngoài trong dài hạn nhưng số tiền vay đó đem về nước lại không được sử dụng hiệu quả, không thu hồi được vốn thì cuối cùng chẳng khác nào gậy ông đập lưng ông.
Vàng đã vay của dân, vốn đã vay nước ngoài nhưng không có tiền trả nợ, gánh nặng nợ công sẽ ngày càng lớn”. Vì thế, ông Hiếu cảnh báo.
Dân giữ vàng chặt hơn
Đề cập đến vấn đề này, TS Nguyễn Đức Thành - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), lại khẳng định, đề xuất huy động vàng trong dân là một tư duy sai lầm.
Đề xuất trên không khác nào đang bác bỏ hoàn toàn mọi công sức, nỗ lực "loại vàng và ngoại tệ ra khỏi hệ thống tín dụng" của NHNN trong suốt 25 năm qua.
"Đến bao giờ người ta mới thôi tư duy "huy động" vàng trong dân? Đây là tư duy sai lầm dai dẳng và khó sửa nhất.
Khi vàng được cất giữ trong dân, nó giống như mọi tài sản khác, như nhà cửa, đồ đạc. Nó chỉ có giá trị ưu việt về cất giữ tài sản. Nếu đồng ý để người dân gửi vàng vào ngân hàng lấy lãi suất, thì sẽ trao thêm cho nó chức năng phương tiện lưu thông (tín dụng). Khi một vật có thêm chức năng, người ta sẽ TĂNG CƯỜNG giữ nó, thay vì buông nó ra. Tức là làm TĂNG vàng hoá. Điều tương tự đúng với đô la", TS Nguyễn Đức Thành nói thẳng.