Người Đưa Tin - Khi mà sự tử tế ngày càng khan hiếm, nó càng được tôn thờ như một mỏ neo về niềm tin và sự kỳ vọng trong tính cộng hưởng của xã hội.
Mấy ngày gần đây cư dân mạng chia sẻ rất nhiều hình ảnh về một cửa hàng quần áo miễn phí cho người nghèo ngay tại trung tâm Sài Gòn nhộn nhịp. Trước đó nhiều dịch vụ miễn phí khác như: trà đá, bánh mì, vá xe, sửa nón ... cũng gây được sự chú ý lớn của dư luận.
Có người cho rằng chuyện vốn chẳng có gì. Một vài người nào đó, vì lòng trắc ẩn đã muốn giúp chút sức mọn cho những phận đời khó khăn, vất vả. Thêm một nhóm người cùng khổ vây quanh một cửa hàng nho nhỏ, xinh xinh. Thế mà thành cả một hiện tượng, tạo nên một hiệu ứng ghê gớm trong xã hội. Với truyền thống “lá lành đùm lá rách” như người Việt Nam ta, chuyện này có đến mức phải như vậy?
Thực chất, một hiện tượng xã hội khi xảy ra những biến động nội tại bao giờ cũng chứa những nội hàm văn hóa có thể phán đoán được. Tại sao chúng ta hiện nay hay bàn về lòng tốt, về sự tử tế? Tại sao một việc thiện nhỏ nhưng lại gây sự chú ý lớn từ dư luận như vậy? Một bình trà đá giữa cái nóng bỏng da cháy thịt giữa Sài Gòn, chiếc bánh mì miễn phí trong cái đói của buổi tan tầm, hay như hành động sửa xe cho những người không may lỡ độ đường … Tất cả thật bình thường nhưng cũng thật cao đẹp. Khi mà sự tử tế ngày càng khan hiếm và ít xuất hiện trong xã hội, nó càng được tôn thờ như một mỏ neo về niềm tin và sự kỳ vọng trong tính cộng hưởng.
Ai cũng biết trong thời buổi kim tiền này, khi văn hóa chưa phát triển tương xứng với kinh tế thì luôn xuất hiện những điều nhố nhăng. Nhiều người đua nhau làm giàu bất chấp luật pháp, bất chấp luân thường đạo lý. Thế mới hiểu vì sao đa cấp hoành hành đến thế? Chủ nghĩa cá nhân đang nghiêng hẳn sang chủ nghĩa vị kỷ thái quá. Thế nên một hành động dù nhỏ nhoi nhưng nếu vì con người, bao giờ cũng được quan tâm dù sự quan tâm đó do tò mò hay thương cảm đi chăng nữa.
Còn nhớ trong bộ phim tài liệu nổi tiếng Chuyện tử tế của đạo diễn Trần Văn Thủy, một nhân vật trong phim nói về điều này rất hay như sau: “Tử tế theo tiếng Hán là cẩn thận từ những việc nhỏ bé. Sự tử tế, tử tế thật sự không phải là chuyện có tiền bạc hoặc muốn là có ngay. Nó cũng phải được học hành, được dạy dỗ, được tập luyện, kế thừa và gìn giữ. Tử tế như hoa thơm, hoa đẹp không thể thiếu được của cuộc đời. Tử tế có trong mỗi con người, mỗi nhà, mỗi dòng họ, mỗi dân tộc. Hãy bền bỉ đánh thức nó, đặt nó lên bàn thờ tổ tiên hay trên lễ đài của quốc gia. Bởi thiếu nó, một cộng đồng dù có những nỗ lực tột bực và chí hướng cao xa đến mấy thì cũng chỉ là những điều vớ vẩn. Hãy hướng con trẻ và cả người lớn đầu tiên vào việc học làm người - người tử tế trước khi mong muốn và chăn dắt họ trở thành những người có quyền hành, giỏi giang, hoặc siêu phàm ...”.
Rõ ràng làm được những chuyện tử tế không phải dễ. Nhưng cũng như những mạch ngầm văn hóa, nó nuôi dưỡng niềm tin và kết nối tâm hồn. Còn nhớ gần 10 năm trước, khi những bình trà đá miễn phí được đặt ngay ngắn trên vỉa hè ở Sài Gòn, ít ai nghĩ rằng cái "dịch vụ 0 đồng" đi tiên phong ấy không những vẫn duy trì mà còn nhân rộng ra ngày càng nhiều ở mảnh đất nghĩa tình này.
Những hành động tử tế đã cụ thể hóa cái mạch ngầm tuy khô nhưng không bao giờ kiệt. Dòng chảy của niềm tin yêu con người. Và một lần nữa, chính những người chẳng dư dả về vật chất nhưng rộng lượng tình yêu trên đã dạy chúng ta một bài học quý giá. Trước khi chúng ta đấu tranh để làm người có quyền hành, giỏi giang, điều cần làm đầu tiên là đấu tranh để làm người tử tế.