Thứ Bảy, 21 tháng 5, 2016

Kỳ lạ hợp đồng BOT có điều khoản bảo mật

MAI ANH

(GDVN) - Liên quan vấn đề minh bạch trong các dự án đầu tư giao thông đường bộ bằng hình thức BOT, ông Bùi Danh Liên đặt câu hỏi tại sao có điều khoản bảo mật.

Chiều ngày 20/5/2016, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chương trình Tọa đàm trực tuyến với chủ đề: Minh bạch thu phí dự án BOT giao thông. Tham dự tọa đàm có Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường, ông Vũ Khắc Liêm - vụ phó Vụ Chính sách thuế Bộ Tài chính và ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội.

Được biết đến thời điểm hiện tại, cả nước có 71 dự án giao thông được thực hiện theo hình thức BOT (đầu tư - kinh doanh - chuyển giao) với số tiền đầu tư lớn. 

Không thể phủ nhận rằng BOT đã làm thay đổi bộ mặt hạ tầng giao thông của Việt Nam, bên cạnh những lợi ích từ các dự án BOT mang lại cho các địa phương nơi dự án đi qua thì câu chuyện thu phí từ các dự án BOT cũng đặt ra nhiều bức xúc với người dân và doanh nghiệp bởi mức thu phí quá cao, cách thức thu phí chưa khoa học, các trạm thu phí dày đặc, một số tuyến đường có hiện tượng phí chồng phí…

BOT, người dân vẫn có lựa chọn đi đường khác?

Có thể nói bức xúc nhất của người dân thời gian qua chính là mức thu phí tại các trạm thu phí BOT quá cao cùng với việc mật độ trạm thu phí dày không đúng quy định cự ly 70km mới có 1 trạm thu phí. 

Trả lời vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường cho biết: Trước hết Bộ Giao thông vận tải chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp về những khó khăn việc mức phí các trạm BOT cũng như cự ly các trạm thu phí chưa thực hiện được triệt để.

Tuy nhiên Thứ trưởng Trường cho rằng người dân vẫn có sự lựa chọn không bắt buộc phải đi qua quãng đường có nhiều trạm thu phí.

Cụ thể, đoạn đường từ Hà Nội về Thái Bình có đến 4 trạm thu phí tuy nhiên theo Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, đó là khi người dân lựa chọn đi trên đường cao tốc Quốc lộ 1, nguyên tắc đi trên cao tốc đi km nào trả tiền km đó. Còn nếu đi đường Quốc lộ 1 cũ hoặc đi được khác thì không nhiều trạm thu phí như vậy.

Về trạm thu phí cầu Tân Đệ, theo Thứ trưởng Trường đây là trạm thu phí chỉ thu phí cầu, đã thực hiện thu phí được khoảng 10 năm.

Về việc đặt trạm thu phí tại Lương Sơn - Hòa Bình dẫn đến việc người dân bức xúc, Thứ trưởng Trường cho biết, Bộ Giao thông vận tải đã kiến nghị Bộ Tài chính dùng 1 phần lợi nhuận thu phí để giảm phí người dân xung quanh, phát hành vé tháng với giá thấp nhất miễn hẳn với một số đối tượng chính sách.

Trong khi đó theo ông Bùi Danh Liên, đặt ra mức phí thuộc thẩm quyền cơ quan nhà nước, tuy nhiên mức phí sẽ tác động lớn đến cước vận tải doanh nghiệp.

Nêu ví dụ cụ thể ông Liên cho biết, mức phí doanh nghiệp vận tải phải trả qua các trạm BOT từ Bến xe Nước Ngầm vào Cầu Bến Thủy một tháng mất hơn 24 triệu đồng, đây khoản chi phí rất lớn doanh nghiệp không thể gánh nổi.

Về cơ sở tính toán mức phí BOT, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho rằng, trước khi quyết định phê duyệt xây dựng dự án BOT Bộ Giao thông vận tải rà soát kỹ lưỡng, tiến hành chọn tuyến đường, chọn nhà đầu tư và xin ý kiến Bộ, Ngành và nhất là các địa phương. 

Phương án tài chính thực hiện dự án sẽ gồm vốn chủ sở hữu nhà đầu tư chiếm từ 15% - 20% còn lại vay thương mại. Phương án tài chính tính toán cân đối, giá thời gian hoàn vốn từ 15 – 25 năm.

Mức phí được Bộ Giao thông vận tải làm việc với Bộ Tài chính dựa trên lãi suất ngân hàng đưa vào tính hết sức khoa học, lãi suất ngân hàng đưa ra tính toán phí có cơ sở khoa học.

Việc tăng phí BOT vừa qua, theo Thứ trưởng Trường thực hiện theo phương án tài chính 3 năm xem xét tăng giá vé 1 lần, mức phí được xây dựng năm 2011 đến thời điểm này là lúc tăng phí.

Về phản ứng của doanh nghiệp, ông Nguyễn Hồng Trường cho rằng, doanh nghiệp phản ứng là chính xác, Bộ Giao thông vận tải có văn bản yêu cầu nhà đầu tư xem xét việc tăng phí để thu hút xe vào tuyến cao tốc đặc biệt xe container. Hiện nhiều tuyến đường đã giảm mức phí với xe ô tô lớn như container 25 feet vè 40 feet còn xe ô tô con vẫn giữ phí.

Trong khi đó theo ông Vũ Khắc Liêm, trước năm 2014 việc thu phí đường BOT thực hiện theo Thông tư 90. Tuy nhiên giai đoạn này không thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư BOT. Để thực hiện thu hút doanh nghiệp đầu tư BOT, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Giao thông vận tải để tính toán ban hành Thông tư 159, căn cứ vào đây để xây dựng khung phí.

Trước khi ban hành mức phí Bộ Tài chính đã xin ý kiến các Bộ, Ngành và nhất là các địa phương có trạm BOT Tóm lại mức thu phí đảm bảo được quyền lợi các bên.

Lạ với điều khoản bảo mật

Một trong vấn đề được đại diện doanh nghiệp tại đưa ra tại tọa đàm là vấn đề minh bạch các dự BOT, theo đó ông Bùi Danh Liên cho biết, ông từng được xem mọt hợp đồng BOT được ký giữa Bộ Giao thông vận tải và doanh nghiệp trong đó có ghi điều khoản bảo mật.

Theo ông Liên, chính điều khoản lạ này dẫn đến không minh bạch mới xảy sinh vấn đề, trong đó có việc chính bản thân nhà đầu tư nghi ngờ nhau.

Vì vậy, cần xem toàn bộ hợp đồng BOT bởi các điều khoản đều bảo vệ nhà đầu tư như nếu lượng xe ít, hoàn phí chưa đủ thì kéo dài thời gian thu phí. Trong khi đó, những rủi ro cho người dân có thể gặp phải như hạn hán, mưa lũ không có điều khoản nào yêu cầu nhà đầu tư giảm phí, giãn phí để hỗ trợ người dân nếu gặp tủi ro điều này gây bức xúc cho người dân.

Trước vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết, hiện các dự án BOT được Bộ Giao thông vận tải quản lý như dự án thực hiện bằng ngân sách. Bộ Giao thông quản lý chất lượng thi công, mỗi dự án đều ban quản lý theo dõi tiến độ và  quản lý như dự án ngân sách.

Thực tế dự án đường BOT hiện nay chủ yếu làm bằng nguồn vốn vay từ các ngân hàng với lãi suất thương mại, nói thẳng ra ngân hàng mới là chủ thực sự dự án nên việc giảm phí đường gặp khó vì ảnh hưởng đến thời gian hoàn vốn, không hoàn vốn được sẽ không có tiền trả ngân hàng.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Trường cho rằng đúng là các dự án BOT dựa trên nguồn vốn tổ chức tín dụng, thời gian hoàn vốn tác động doanh thu ngân hàng vì thế các ngân hàng có ý kiến là hợp lý.

Tuy nhiên ngân hàng chỉ là một đối tác, ngoài ra còn nhà đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước để cùng bàn bạc vấn đề mức phí tăng phí.

Đồng quan điểm, ông Vũ Khắc Liêm khẳng định, ngân hàng không quyết định mức phí mà mức phí do cơ quan quản lý nhà nươc quy định cụ thể là Bộ Tài chính, vì vậy cách hiểu ngân hàng là chủ dự án nên khó giảm mức phí là không chính xác.

Cũng tại cuộc tọa đảm trước câu hỏi việc nhiều dự án doanh nghiệp chỉ cải tạo sửa chữa trên nền đường cũ nhưng vấn thu phí bằng việc xây dựng đường mới như vậy không hợp lý cụ thể trên tuyến Quốc lộ 1 đoạn Pháp Vân - Cầu Giẽ và Hà Nội - Bắc Giang, Thứ trưởng Trường cho biết đây là dự án kép bao gồm cả cải tạo nâng cấp và mở rộng tuyến đường.

Những tuyến đường trên đã xuống cấp nghiêm trọng cần nâng cấp, cải tạo và mở rộng. Do Nhà nước không có vốn nên cần kêu gọi đầu tư BOT. Đã kêu gọi đầu tư BOT thì dù sữa chữa nâng cấp hay xây mới đều phải thu phí.

Theo đó, nếu nâng cấp sửa chữa thời gian thu phí sẽ ngắn hơn thời gian thu phí tuyến đường mới.

Về vấn đề làm đường BOT người dân không có sự lựa chọn như việc thu phí cả Quốc lộ 5 và Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Ông Trường cho rằng, đường Quốc lộ 5 xuống cấp cần cải tạo nâng cấp trong khi không có tiền nên phải kêu gọi đầu tư BOT, nên phải thu phí. Nhưng do sữa chữa nâng cấp nên mức phí thấp hơn, ông Trường cho rằng với đoạn đường Hải Phòng - Hà Nội chỉ có lựa chọn phí thấp hay phí cao.

Kết thúc tọa đàm, nêu ý kiến đề xuất doanh nghiệp vận tải ông Bùi Danh Liên mong muốn doanh nghiệp vận tải và người dân cần phải giảm mức phí ngay. Theo ông Liên dù lộ trình đưa ra 3 năm tăng 1 lần nhưng phải dựa vào tình hình thực tế dựa vào sức mua của dân. 

Mặt khác không nên chạy theo số lượng đua nhau làm đường BOT nhiều quá, bủa vây doanh nghiệp, người dân sao chịu được.

Theo ông Liên, không vì quy hoạch đưa ra mục tiêu đến năm 2020 phải có 2.000 km đường cao tốc thì phải cố làm cho kỳ được trong khi đất nước còn nghèo.