MTG - Có thể xem sự kiện “chiến dịch tiền lẻ” là một khủng hoảng. Khủng hoảng thì cần các phương pháp quản lý khủng hoảng. Nhưng ngoài ra, khủng hoảng cũng do bất mãn bị tích tụ, cho nên cũng cần các giải pháp sau khủng quản cho sự ổn định lâu dài.
Cách đây vài tháng, khi lái xe từ cầu Mỹ Thuận về TP.HCM, gặp trạm thu phí Cai Lậy được xây xong nhưng chưa hoạt động thu phí, anh em lái xe hỏi nhau:
- Trạm thu phí gì nữa đó tụi bây?
- Lùa mình vô đường tránh để móc túi chớ làm gì?
- Xây đường phải tính tiện lợi cho người dân. Tiện thì dân mới xài, mới trả tiền. Hổng tiện thì nó đi đường cũ, khỏi trả. Lùa nó vô gỡ tay lấy từng đồng!
- Lúc xây bỏ túi một mớ. Xây rồi bỏ mớ nữa. Xứ mình làm sao ngóc đầu lên nổi!
Đoạn bàn tán nói trên được người viết ghi lại trong quán Vân Mập, ghi nguyên văn chỉ bỏ các tiếng đệm chửi thề! Thật tình, dù biết dân bất mãn, tôi cũng không ngờ sau khi trạm thu phí chính thức hoạt động thì sự việc lại dẫn tới “chiến dịch tiền lẻ” như hiện nay.
Dân bất mãn vì bị thu phí
Sự bất mãn và phản đối của một bộ phận người dân, mà tôi ước lượng khá đông, đã được thể hiện rõ. Bài viết xin thử phân tích từ góc độ cách hành xử, ứng xử của giới trách nhiệm và tâm lý phản ứng của người dân.
1) Dân chúng không thấy có nhu cầu dùng đường tránh để phải trả tiền. Số tiền (35.000 - 180.000 đồng/lượt) cũng không ít so với thu nhập của họ. Nói theo ngôn từ kinh doanh là “giá phải trả quá cao so với nhu cầu thực” của khách hàng. Khách hàng là người tiêu dùng, người dân.
2) Dân chúng, khách hàng, đã không cần đi đường mới, lại bị một ép phải trả tiền bởi trạm thu phí chắn ngang đường cũ. Dân chúng nói với nhau rằng không được quyền dựng trạm thu phí chặn họ đi đường cũ. Cho nên vấn đề không phải là giảm phí mà là không được thu phí.
3) Sự việc dựng trạm thu phí để ép dân đi đường mới hoặc moi tiền họ trên đường cũ như thế này không phải mới xảy ra lần đầu. Tâm lý bất mãn dồn nén lâu ngày, qua nhiều lần, khiến sự việc bộc phát. Gọi là bộc phát vì bất ngờ nhưng đây là sự bộc phát có tính toán. Phương pháp này cho thấy tính khôn ngoan và hiệu quả của nó.
3) Sự bộc phát có tính toán này cho thấy lòng dân và ngưỡng chấp nhận của người dân. Nó cũng cho thấy ý muốn của dân. Nói theo ngôn từ kinh doanh là cho thấy “Giá trị và Nhu cầu cốt lõi” của người dân.
Cách hành xử và ứng xử của giới chức trách
1) Thay vì đáp ứng yêu cầu của người dân, giới trách nhiệm lại cho thấy ý đồ phớt lờ bức xúc của người dân. Tệ hơn phớt lờ ý dân là ý muốn tiếp tục áp đặt thu phí trên người dân bằng mọi giá, không còn chỗ cho đối thoại. Lời phát ngôn của một vị thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đủ cho dân chúng cảm nhận đó.
2) Có một chi tiết không biết giới thẩm quyền có chú ý không, nhưng người dân rất chú ý. Đó là trước khi thu phí, một đoạn quốc lộ 1 được “tô son, trét phấn” mà không đóng góp nhiều vào giá trị dùng thực cho người dân. Cho dù có giải thích gì đi nữa, không ít người cho rằng việc này có tính “bá đạo”, có ý đồ không trung thực nhằm để thu phí...
3) Thực ra, đây là tranh chấp có tính dân sự giữa dân chúng - người bị thu phí - và người thu phí - một công ty. Tranh chấp mới bắt đầu, và thay vì quan sát, mời bên thứ ba rành pháp luật góp ý... thì vị thứ trưởng chen vào bằng một tuyên bố đứng hẳn về doanh nghiệp. Với tuyên bố đó, Bộ Giao thông Vận tải cho người dân cảm nhận rằng Bộ đã tự cột mình vào doanh nghiệp và do đó đánh mất vị thế đứng trên, đứng ngoài, không vụ lợi, để làm trung gian.
Có thể xem sự kiện “chiến dịch tiền lẻ” là một khủng hoảng. Khủng hoảng thì cần các phương pháp quản lý khủng hoảng. Nhưng ngoài ra, khủng hoảng cũng do bất mãn bị tích tụ, cho nên cũng cần các giải pháp sau khủng quản cho sự ổn định lâu dài.
Góp ý
Giải pháp giải quyết khủng hoảng:
a) Tạm thời ngưng ngay thu phí.
b) Đối thoại với đại diện các công ty vận tải, giới luật sư, dân chúng... tìm ra giải pháp hợp lý, đúng luật, phù hợp với kinh nghiệm và thông lệ các nước, khả thi... và công bố trên truyền thông. Có thể tổ chức đối thoại trên truyền thông với sự có mặt các bên liên quan, buổi đối thoại cần đề cập các câu hỏi trực diện như vị trí được dựng trạm, mức phí, thuế dân đóng được dùng vào việc gì...
c) Nếu trạm thu phí bị đặt sai chỗ, xin lỗi dân chúng vì sự cố và trả lại tiền đã thu.
Giải pháp lâu dài căn cơ:
a) Xây dựng tinh thần phục vụ dân thay vì quản lý dân. Thực sự xem dân là khách hàng cần được phục vụ theo đúng “Giá trị và Nhu cầu cốt lõi” của họ.
b) Từ đó mà hình thành nếp nghĩ không có việc thắng hay thua với dân. Phục vụ dân theo theo đúng “Giá trị và yêu cầu cốt lõi” của dân, được dân hài lòng, chính là thắng lợi của giới chức trách.
c) Từ đó mà minh định quan điểm tài sản quốc gia là của dân, nhà nước được dân thuê quản lý tài sản đó. Do đó, phải công khai các khoản thu, chi cho dân. Phải công khai các dự án thu phí như thế này và lấy ý kiến của dân trước khi tiến hành. Cái nào chính phủ lấy tiền thuế dân xây dựng, cái nào BOT...
d) Từ đó mà có khung pháp lý hữu hiệu cho dân biểu hiện ý muốn, quan điểm của mình.
Tôi tin rằng một chính phủ chỉ có thể có tính kiến tạo khi chính phủ đó được dân tin cậy, yêu mến, tôn trọng, ủng hộ. Và đại đa số người dân đều mong có một chính phủ như vậy để mình hãnh diện, để mình yên tâm góp sức. Các góp ý trên đây xuất phát từ tấm lòng đó.
Sáng qua, được tin trạm thu phí Cai Lậy đã xả thông đường, ngưng thu phí tới khi có thông báo mới. Hy vọng rằng đây là bước chuyển biến thực lòng, cầu thị của giới chức trách. Hy vọng đây là một bước tích cực về tương lai!