(Dân Việt) Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông trên các tuyến đường cao tốc đã thực sự rơi vào tình thế nguy hiểm bởi hành động giết người có chủ đích.
Chỉ trong 2 tiếng đồng hồ buổi tối ngày 13.5, liên tiếp 5 chiếc xe ô tô trở thành nạn nhân của những vụ ném đá trên đường cao tốc Hải Phòng – Hà Nội. Đây là một tuyến đường cao tốc hiện đại, có rào chắn, và những kẻ ném đá trèo vào giải phân cách giữa để thực hiện các vụ ném đá. Không còn là những hành vi vô thức của trẻ chăn trâu, những vụ ném đá này là một hành động có chủ đích.
Trong báo cáo của các cơ quan chức năng về tình trạng ném đá phương tiện giao thông, nguyên nhân hầu hết được nhận định là vấn đề ý thức. Vì thế, phương pháp điều trị chủ yếu vẫn là tuyên truyền giáo dục.
Tháng 7 năm 2015, vụ ném đá ô tô đầu tiên bị khởi tố hình sự tại tỉnh Đăk Nông. Ba thanh niên gây án cho biết họ ném đá ô tô cho vui sau một chầu nhậu say. Điều này, thêm một lần xác nhận đây là một vấn đề của ý thức.
Chuyện ném đá cho vui vốn xảy ra rất nhiều trước kia, đặc biệt là đối với tàu hỏa chạy qua các làng mạc, đã giảm đi rất nhiều sau những nỗ lực tuyên truyền giáo dục.
Song, đến những vụ ném đá liên tiếp trên các tuyến đường cao tốc như Hà Nội – Hải Phòng, hay Long Thành – Dầu Giây gần đây thì thật khó để nhìn nhận nguyên nhân chỉ là câu chuyện về nhận thức. Hai tuyến đường cao tốc này chủ yếu chạy qua những khu vực đồng không mông quạnh, và những vụ ném đá đều xảy ra ở xa khu dân cư. Những kẻ ném đá không tiện tay bên đường ném đá. Họ trèo qua hàng rào bảo vệ để ném đá trực diện nhằm đạt hiệu quả sát thương cao nhất có thể.
Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông trên các tuyến đường cao tốc đã thực sự rơi vào tình thế nguy hiểm bởi hành động giết người có chủ đích. Một nguy cơ mất an toàn cụ thể, và thúc thủ hoàn toàn.
Các doanh nghiệp đầu tư đường cao tốc theo hình thức BOT đang kinh doanh hạ tầng, cung cấp dịch vụ giao thông cho người dân. Còn người dân trả phí để được hưởng dịch vụ. Về nguyên tắc, khi đã trả phí thì người dân có quyền được cung cấp dịch vụ và đảm bảo sự an toàn khi sử dụng dịch vụ. Nhưng trên thực tế, khi sự an toàn của người mua dịch vụ không được đảm bảo, họ không nhận được bất cứ sự bồi thường nào của nhà cung cấp dịch vụ.
Động thái duy nhất mà các chủ đầu tư đường cao tốc BOT đã làm sau khi khách hàng của mình bị ném đá là gửi văn bản đề nghị công an địa phương điều tra, làm rõ về hiện tượng này. Như vậy, trách nhiệm đối với khách hàng chỉ đơn giản là chuyển cho công an. Đúng là trách nhiệm đảm bảo an ninh trật tự là của công an. Song, như thế, không có nghĩa là nhà cung cấp dịch vụ hết trách nhiệm đối với những người đã trả phí để sử dụng dịch vụ của họ.
Mối quan hệ giữa chủ đầu tư đường cao tốc và người sử dụng đường cao tốc là một quan hệ kinh tế, dân sự với đầy đủ mọi yếu tố liên quan. Vì thế, khi chất lượng dịch vụ của người cung cấp dịch vụ không đảm bảo, vì bất cứ lý do gì, thì vẫn phải có trách nhiệm bồi thường đối với người sử dụng dịch vụ.
Khi mà trách nhiệm đối với người sử dụng dịch vụ hạ tầng giao thông vận tải bị đẩy hoàn toàn sang phía các lực lượng an ninh, phải chăng, trách nhiệm của những ông chủ các tuyến đường cao tốc chỉ đơn giản là thu phí người dùng? Nếu trách nhiệm chỉ đơn giản như thế, có lẽ, việc tìm hiểu nguyên nhân thực sự nhằm khắc phục tình trạng ném đá ô tô sẽ không bao giờ được thực sự triển khai.
Người ta ném đá ô tô trên đường cao tốc để làm gì nếu không phải cho vui? Biết đâu, đó là một phản ứng cực đoan đối với các công ty khai thác đường cao tốc, để việc mua dịch vụ đi đường cao tốc sẽ là lựa chọn không an toàn của những người điều khiển phương tiện giao thông?
Vì thế, khi đã mua vé để sử dụng đường cao tốc, người dân có quyền được bồi thường cho những thiệt hại của mình khi sử dụng dịch vụ. Đó là một quyền lợi hiển nhiên, như khi mua một tấm vé tham quan thắng cảnh đã đương nhiên đính kèm bảo hiểm.