Thứ Tư, 25 tháng 5, 2016

82 ô tô dư thừa, bến xe 7 tỷ bỏ hoang

Mi An

Đất Việt - Qua kiểm tra của Cục Quản lý công sản thì Tổng Liên đoàn lao động VN hiện có tới 82 chiếc xe ô tô dư thừa.

Báo Dân trí cho biết một con số chắc chắn sẽ khiến nhiều người giật mình, đó là hiện nay, Tổng Liên đoàn lao động VN (LĐLĐ) có đến 82 chiếc xe ô tô dư thừa. Bài báo cho biết: “Theo số liệu của chính Tổng LĐLĐ, chỉ tính đến ngày 21/9/2015, số xe ô tô mà toàn hệ thống của Liên đoàn lao động cả nước sử dụng có 327 chiếc. Trong đó, ở Tổng LĐLĐ có 6 xe phục vụ các chức danh lãnh đạo , 315 xe phục vụ công tác chung và có 6 xe chuyên dùng”.

Tuy nhiên, phía LĐLĐ cho biết, số xe dư thừa này đã đủ điều kiện thanh lý (chạy 15 năm hoặc 25 vạn km) chính vì vậy mà đơn vị này đề nghị Bộ Tài chính cho mua mới 30 chiếc xe nữa.

Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) qua kiểm tra đã phát hiện số xe công dư thừa ở LĐLĐ là 82 chiếc, trong đó có những chiếc mới chỉ dùng 14 năm, vẫn có thể tận dụng để sử dụng do nhu cầu mua mới chưa quá bức thiết.

82 chiếc xe công dôi dư, nghĩa là thừa ra không sử dụng đến, cho dù nó thuộc diện đủ điều kiện để thanh lý thì cũng là một sự lãng phí tài sản công. Con số này thực sự là một gánh nặng cho ngân sách nhà nước, bởi mua một chiếc xe công không phải là chỉ mua rồi để đó, đi kèm theo nó là xăng, bảo dưỡng, người lái… Tất cả đều do ngân sách, tức tiền thuế của dân gánh hết.

Thêm một câu chuyện lãng phí nữa mới được báo Tuổi trẻ phát hiện, đó là bến xe khách huyện Quan Hóa (Thanh Hóa) được xây với kinh phí 7 tỷ đồng, nhưng đã bỏ hoang một năm rưỡi nay, do lúc lập dự án công trình này chủ đầu tư là UBND huyện “quên” không làm hồ sơ, thủ tục đấu nối đường từ bến xe khách với quốc lộ 15, nên xây dựng xong bến xe khách không đủ điều kiện hoạt động theo quy định của ngành GTVT.

Nghe mới buồn cười làm sao, trớ trêu làm sao. Quan Hóa là một huyện miền núi nghèo của Thanh Hóa, vậy mà chủ đầu tư là UBND huyện chi 7 tỷ ra làm bến xe, nhưng “quên” không làm đường nối ra quốc lộ, thành thử cái bến xe cứ nằm chơ vơ ở một xó. Xe khách vẫn tiếp tục đón trả khách ngay ngoài đường, gây mất an toàn cho người dân.

Chỉ một phút “đãng trí” của chủ đầu tư mà công trình 7 tỷ nằm phơi mưa phơi nắng xuống một năm rưỡi nay, đang có dấu hiệu xuống cấp. Nghe mà xót xa, từng đồng ngân sách là tiền thuế của người dân vậy mà chỗ này chỗ nọ để tình trạng xe công dư thừa, bến xe xây xong bỏ hoang.

Cũng ở tỉnh Thanh Hóa, báo Doanh nghiệp Việt Nam lại phát hiện một chuyện khác, cũng thú vị không kém. Ấy là ở huyện miền núi Như Thanh, hàng trăm héc ta rừng sản xuất được BQL rừng phòng hộ Như Xuân và Sở NN&PTNT Thanh Hóa xin chuyển đổi từ rừng sang đất sản xuất đã "rơi" vào tay nhiều cán bộ, lãnh đạo một số cơ quan tỉnh này, trong khi nhiều người dân không có đất rừng.

Để tiện cho việc coi sóc 200 ha rừng này, một con đường bê tông dài 2,3 km đang được Sở NN&PTNT Thanh Hóa đầu tư xây dựng với giá trị hàng tỷ đồng lại đang chạy thẳng vào khu đất dự án.

Thế đấy, vì cái bến xe là công trình công cộng, nên UBND huyện Quan Hóa quên béng mất việc xây xong bến xe thì phải có đường nối bến xe với đường quốc lộ. Còn cái khu đất rừng ở huyện Như Thanh, sau khi được “chuyển đổi” mục đích sử dụng  thì ngay lập tức được đầu tư một con đường bê tông chạy thẳng vào. Rõ là chỗ nào quên thì vẫn cứ quên, mà chỗ nào cần nhớ thì vẫn phải nhớ.

Đặt những câu chuyện lãng phí này bên cạnh những khu dân cư nghèo đói, những đứa trẻ chân đất đu dây vượt sông vượt suối đến trường, sao nghe thấy đắng ngắt và xót xa.