Thứ Tư, 25 tháng 5, 2016

"Loạn xì ngầu" trên tờ giấy khen học trò tiểu học

ĐỖ QUYÊN

(GDVN) - Tình trạng “loạn” lời khen như hiện nay, khiến mọi người bị lạc vào “mê hồn trận” khen thưởng mà không thể biết được giá trị đích thực của các lời khen đó.

LTS: Theo công văn tổng hợp đánh giá và khen thưởng học sinh tiểu học theo Thông tư 30 của Bộ GD&ĐT, việc ghi vào Giấy khen (nếu có) về nội dung khen thưởng học sinh là hết sức linh hoạt do giáo viên chủ nhiệm và hiệu trưởng quyết định, không áp dụng theo khuôn mẫu có sẵn.

Chính vì điều này nên mỗi trường lại có những cách ghi riêng. Vấn đề này lại tiếp tục gây bàn cãi khi vừa qua các trường đã tiến hành sơ kết học kỳ I, trong bài viết này cô giáo Đỗ Quyên băn khoăn rằng: Sao không thể thống nhất một cách gọi ở tờ giấy khen?

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả. 

Vừa về đến nhà sau buổi lễ sơ kết học kì I, chuông điện thoại reo liên tục. Mặc dù chưa nhìn danh bạ, tôi cũng đoán chắc là điện thoại của phụ huynh liên quan đến việc khen thưởng ở lớp, bởi từ sáng tới giờ tôi đã nhận được dăm bảy cuộc gọi như thế.

Tiếng vị phụ huynh đầu dây vang lên: “Con tôi và mấy đứa hàng xóm đem giấy khen về, người lớn xóm này đang bàn tán, tranh luận về những tờ giấy khen bởi nội dung ghi trên ấy mỗi trường mỗi kiểu, mỗi năm một khác, thế là sao?”.

Nếu như hai năm trước đây, giấy khen ở cấp Tiểu học chỉ ghi ở hai mức “Đạt học sinh giỏi” hay “Đạt học sinh tiên tiến”.

Thì nay, thực hiện theo Thông tư 30 ngoài việc xảy ra tình trạng “loạn khen” mà những ngôn từ được ghi trong đó cũng “loạn xì ngầu” mỗi trường mỗi kiểu, mỗi năm ghi một nội dung mỗi khác dù học sinh vẫn đạt mức học lực như cũ.

Chỉ tính riêng trong một địa bàn với khoảng vài chục trường tiểu học thì nội dung ghi trên tờ giấy khen của học sinh cũng vô cùng phong phú. 

Học sinh giỏi xuất sắc trước đây, nay được các trường phát cho giấy khen với nội dung ghi rất đa dạng.

Trường thì ghi “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”; trường ghi “Đạt thành tích nổi trội trong học tập”; có trường “Đạt thành tích trong rèn luyện và học tập” hay “Đạt thành tích nổi bật trong rèn luyện và học tập”…

Chỉ một địa bàn đã thế, nếu tính chung cả nước thì sao? Sẽ có hàng trăm lời khen cho một mức học lực. 

Ngoài ra, còn vô vàn những mỹ từ khác như “Đạt thành tích vượt bậc trong học tập”; “Đạt thành tích về năng lực”; “Đạt thành tích về phẩm chất”; “Đạt thành tích nổi bật về môn…”.

Chưa nói đến việc một số từ “Năng lực”, “Phẩm chất” giáo viên còn mơ hồ bởi hàng chục tiêu chí của nó, vì thế khi cầm tờ giấy khen, không chỉ học sinh ngay các bậc cha mẹ cũng không thể hiểu nỗi con mình được khen về điều gì. Nhiều người đã gọi điện để được giáo viên giải thích.

Cũng đã có không ít cuộc tranh luận của các bậc cha mẹ khi cho rằng giấy khen của con mình hơn giấy khen của con bạn.

Rồi các hội khuyến học của xã phường, của cơ quan, cầm những tờ giấy khen cũng lúng túng khi không thể biết chính xác giá trị của những tờ giấy khen này nằm ở vị trí nào để phát quà cho công bằng giữa các em học sinh theo học ở các trường khác nhau.

Trong một cuộc hội thảo về Thông tư 30 cấp Sở, đã có nhiều giáo viên yêu cầu cần đưa ra nội dung ghi trên các tờ giấy khen cho từng mức học lực một cách thống nhất giữa các trường với nhau. 

Câu trả lời của cán bộ Sở: “Giao quyền chủ động cho giáo viên, cho nhà trường, nếu thống nhất sẽ mang tính áp đặt, sẽ sai lệch với tinh thần của Thông tư 30”.

Vì điều này, mỗi trường học ghi giấy khen mỗi kiểu chủ yếu là theo cách hiểu của từng Hiệu trưởng.

Thiết nghĩ sáng tạo không có nghĩa cứ mặc kệ cho giáo viên, cho các trường tự nghĩ ra những câu từ ghi trên giấy khen để xảy ra tình trạng “loạn” lời khen như hiện nay, khiến mọi người bị lạc vào “mê hồn trận” khen thưởng mà không thể biết được giá trị đích thực của các lời khen đó.

Câu thắc mắc của rất nhiều giáo viên: “Sao không thể thống nhất một cách gọi tên?".