(Dân Việt) Tại sao trí thức giỏi không về nước làm việc, doanh nhân giỏi muốn bỏ nước ra đi? Tại sao cán bộ về hưu hay đương chức tìm cách cho mình hay con cháu mình ra định cư ở nước ngoài?
Lần đầu tiên tại diễn đàn Quốc hội, một vấn đề được cho là cực kỳ “tế nhị” là việc rất nhiều con cán bộ định cư hoặc tìm mọi cách để định cư ở nước ngoài được đặt ra.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa nói: “Năm 1946 khi cụ Hồ sang Pháp dự hội nghị, rất nhiều trí thức đã từ bỏ vinh hoa phú quý theo cụ về nước, chiến khu kháng chiến. Nhiều trí thức Việt Nam ở nước ngoài đã ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ cho dù có thể ảnh hưởng đến tiến đồ cuộc sống và cả tính mạng như thanh niên Nguyễn Thái Bình...
Tại sao trí thức giỏi không về nước làm việc, doanh nhân giỏi muốn bỏ nước ra đi? Tại sao cán bộ về hưu hay đương chức tìm cách cho mình hay con cháu mình ra định cư ở nước ngoài? Không phải vì đất nước nghèo mà vì họ cảm thấy không vui, không an toàn về pháp lý, các quyền tự do dân chủ không được đầy đủ và lo sợ đất nước bị lệ thuộc. Điều này ai cũng thấy cũng biết!”.
Rất rõ ràng, thẳng thắn về cả tình tình hình và nguyên nhân, không chỉ cán bộ mà kể cả người dân bình thường đều tìm cách cho người thân đi nước ngoài, hình thức phổ biến là du học và kết hôn. Về mặt tổng quan đó là cuộc di cư lớn không vì mục đích kinh tế. Phải tốn rất nhiều tiền mới hoàn thành vòng quay này, học xong đại học, kết hôn, làm thẻ xanh, tìm việc làm. Phải tốn vài trăm ngàn đến cả triệu đô cho mỗi cá nhân và gia đình.
Có người cho rằng vì sao cán bộ lại cho con cái đi toàn các nước “thù địch” như Mỹ, Châu Âu, Úc…
Tôi nghĩ rằng ý kiến đó thiếu thấu đáo về hoàn cảnh Việt Nam trong thời kỳ mới. Việt Nam đang có quan hệ ngoại giao, kinh tế bình thường với tất cả các nước, không có khái niệm thù địch. Nơi nào có lợi cho sự tiến thủ thì tranh thủ đi nước đó.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cũng phát biểu rõ hơn vấn đề này: “Ta” là dân tộc Việt Nam đang sống ở Việt Nam và hải ngoại, “ta” là nhân dân ta. “Bạn” là những ai ủng hộ nước Việt Nam toàn vẹn lãnh thổ chủ quyền, giàu mạnh, dân chủ, công bằng văn minh".
"Thù là thế lực thù địch, cản trở đổi mới, cản trở phát triển, xâm hại lợi ích quốc gia dân tộc, làm cho nước ta suy yếu, lệ thuộc nước ngoài, chia rẻ khối đại đoàn kết toàn dân, phá hoại an toàn và an ninh của đất nước”. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, ngoài những thế lực thù địch thì còn lại đều là ta và bạn của ta. Cho dù có sự khác biệt về phương pháp, về quan điểm.
Rất rõ ràng, chúng ta nên nhìn nhận việc “làn sóng”, tạm gọi như vậy đi nước ngoài phi kinh tế với sự cởi mở nhìn lại chính mình.
Không thể giữ người bằng rào cản pháp lý hay cái nhìn kỳ thị mà phải thấy nguyên nhân vì sao và cải thiện nguyên nhân đó. Ở đây là cảm giác bất an về đời sống thường ngày thiếu an toàn, an sinh xã hội còn yếu kém và sâu xa hơn nữa là mối lo về đất nước bị lệ thuộc, đúng như đại biểu Trương Trọng Nghĩa phát biểu.
Tôi và có lẽ nhiều người nữa đồng tình với các vị đại biểu Quốc hội rằng phải tự điều chỉnh nhiều thứ để đất nước trở thành nơi đáng sống với an toàn xã hội, an sinh xã hội tốt hơn: “Phải bảo đảm cho người dân nếu chưa giàu thì cũng phải được tự do dân chủ, an toàn, an ninh và công lý, được xã hội quan tâm, sống với nhau có tình nghĩa, đạo đức tốt đẹp. Nhân dân tự hào về người Việt Nam, nước Việt Nam, cho dù chúng ta còn nghèo và chưa phát triển”.
Tôi muốn bổ sung thêm một điều quan trọng nữa, đó là đất nước chúng ta cần tuân thủ pháp luật, công bằng trong tuyển chọn cán bộ, nhân tài để ai cũng có thể phát huy tài lực, đóng góp cho đất nước như nhau, việc bổ nhiệm theo kiểu quá đặt nặng vấn đề con cháu cán bộ sẽ làm hư hỏng chính những người trẻ đó và lãng phí nhân tài, nguyên khí quốc gia.
Trong khi con cái nhiều vị cán bộ thường được “ưu tiên” vào những vị trí tốt hoặc tìm cách định cư ở nước ngoài thì câu chuyện “trải thảm đỏ để thu hút nhân tài” sẽ trở nên hình thức và khó khăn hơn bao giờ hết.