NLĐO - Quyền im lặng là một bảo đảm tố tụng của người bị buộc tội, được xây dựng trên cơ sở đặc quyền chống lại sự tự buộc tội
Diễn viên Minh Béo khi bị bắt được cảnh sát Mỹ thông báo về Quyền im lặng. Nhiều độc giả thắc mắc quyền này Việt Nam có hay không?
Im lặng chặn oan sai
Trả lời câu hỏi trên, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM, khẳng định: Cụ thể hóa Hiến pháp 2013, Quyền im lặng đã được quy định một cách rõ ràng, minh bạch hơn tại Bộ Luật Tố tụng hình sự (TTHS) 2015 - có hiệu lực kể từ ngày 1-7-2016 - ở Việt Nam. Trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội (tức có quyền im lặng); có quyền tự bào chữa hoặc nhờ luật sư bào chữa; việc hỏi cung, lấy lời khai phải được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh…
“Chúng tôi hy vọng sự ra đời của Bộ Luật TTHS 2015 với nhiều điểm tiến bộ, trong đó có Quyền im lặng được công nhận, sẽ giúp hạn chế tình trạng oan sai, giúp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của những người bị buộc tội trong khi tiến hành các hoạt động tố tụng hình sự ở nước ta” - luật sư Nguyễn Văn Hậu nói.
Tiến sĩ Lê Huỳnh Tấn Duy, Đại học Luật TP HCM, cho rằng Việt Nam đang tiến hành công cuộc cải cách nhằm xây dựng một nền tư pháp công bằng và văn minh. Việc trực tiếp ghi nhận Quyền im lặng cho người bị buộc tội trong Bộ Luật TTHS là rất cần thiết.
Cũng theo tiến sĩ Lê Huỳnh Tấn Duy, Quyền im lặng khi được quy định và áp dụng có thể sẽ góp phần giảm thiểu nạn mớm cung, bức cung, dùng nhục hình; nâng cao vị thế người bào chữa và năng lực của những người tiến hành tố tụng; qua đó hạn chế các vụ án oan, sai.
“Quyền im lặng đã được xây dựng dựa trên cơ sở “đặc quyền chống lại sự tự buộc tội” và những quan điểm mở rộng về nguyên tắc pháp luật được tán thành bởi truyền thống tự do. Theo đó, một người không bắt buộc phải trả lời những câu hỏi có khả năng dẫn đến việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Quyền im lặng là một sự bảo vệ mang tính tố tụng trước sức mạnh của nhà nước, xuất hiện từ thời kỳ phát triển của tố tụng tranh tụng vào cuối thế kỷ XVIII” - tiến sĩ Lê Huỳnh Tấn Duy nói.
Ngoài ra, Công ước Liên Hiệp Quốc về các quyền dân sự - chính trị và Công ước về các quyền của trẻ em ghi nhận nguyên tắc: “Mọi người không bị bắt buộc phải khai báo để chống lại mình hoặc phải nhận tội”. Trong khi đó, Quy chế Tòa án hình sự quốc tế cũng quy định trong giai đoạn xét xử, bị cáo “không bị bắt buộc phải khai báo hoặc nhận tội và được quyền im lặng, việc im lặng này không là một căn cứ để xác định sự có tội hoặc vô tội”. Quyền im lặng cũng được ghi nhận ở châu Âu, Anh, Singapore, Úc…
Thực hiện thế nào?
Tiến sĩ Trần Phú Vinh, Đại học Luật TP HCM, cho biết ở Vương quốc Anh, trước khi tiến hành hỏi cung, điều tra viên (ĐTV) làm việc với luật sư, đưa cho luật sư những bằng chứng và câu hỏi sẽ hỏi nghi phạm. Luật sư được quyền gặp nghi phạm để tư vấn (không hạn chế thời gian) trước khi việc hỏi cung bắt đầu.
Luật sư hướng dẫn trình tự và thủ tục khi bị hỏi cung, giải thích các quyền đồng thời yêu cầu nghi phạm trả lời các câu hỏi sẽ được hỏi. Sau khi nghe xong, luật sư tư vấn cho thân chủ: im lặng hoặc trả lời. Nghi phạm tự quyết định. Tiếp theo phần thủ tục bắt buộc này là các câu hỏi của ĐTV. Nếu nghi phạm chọn cách im lặng thì ĐTV hỏi hết tất cả câu hỏi rồi tuyên bố kết thúc buổi hỏi cung. Nếu nghi phạm chọn cách trả lời thì chỉ trả lời những câu hỏi như đã được thông báo trước cho luật sư. Nghi phạm có quyền dừng việc hỏi cung bất cứ lúc nào để trao đổi riêng với luật sư trước khi trả lời và luật sư có quyền yêu cầu dừng việc hỏi cung nếu ĐTV hỏi những câu hỏi không liên quan hoặc chưa thông báo trước câu hỏi đó cho luật sư. Việc hỏi cung có thể được tiếp tục trong thời gian nghi phạm bị tạm giữ tại đồn cảnh sát và thủ tục sẽ được lặp lại như trên… Vì vậy, việc mớm cung, ép cung là hoàn toàn không có và không thể thực hiện được.
Còn tại Mỹ, theo tiến sĩ Lê Huỳnh Tấn Duy, đặc quyền chống lại sự tự buộc tội là một quyền hiến định (theo bản sửa đổi thứ năm của Hiến pháp). Trong vụ án nổi tiếng “Miranda”, Tòa án Tối cao Mỹ yêu cầu cảnh sát phải thông báo cho một người trước khi bắt đầu việc hỏi cung rằng anh ta có quyền im lặng (và cả việc có luật sư trong quá trình hỏi cung). Nếu như người này bày tỏ ý định muốn im lặng, buổi hỏi cung phải được tạm ngưng. Bất kỳ lời khai nào khi thu thập mà vi phạm quy tắc này sẽ không được viện dẫn trong quá trình xét xử để làm căn cứ buộc tội.
***
Đảo chiều
Theo Luật sư Cao Thế Luận (Đoàn Luật sư TP HCM), việc thực hiện Quyền im lặng cũng phù hợp với nguyên tắc nếu cơ quan điều tra muốn buộc tội một người thì phải đi tìm chứng cứ chứng minh (hiện nghi phạm phải tự chứng minh). Khi cơ quan điều tra và VKS đã có đủ chứng cứ chứng minh một người phạm tội thì tòa có quyền kết tội cho dù người đó không nhận. Đương nhiên khi đã nói đó là quyền thì việc sử dụng như thế nào là tùy thuộc vào người được hưởng quyền đó.
Quyền im lặng là quyền nhạy cảm nhưng trước hết nó dành cho mọi công dân và để bảo vệ người vô tội. Đôi lúc người dân gặp tình thế bị nghi là có tội và cơ quan tố tụng ép người dân phải nhận tội, nếu không nhận tội thì người dân phải khai báo, phải làm nhiều thứ, có thể phải bộc lộ cả bí mật đời tư để chứng minh là mình vô tội.