Thứ Ba, 12 tháng 4, 2016

Trường hợp Đào Ngọc Dung cho thấy một tiền lệ tai hại...

FB Manh Kim

Việc “đồng chí” Đào Ngọc Dung được bổ nhiệm chức Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH là một cái tát cho bộ máy cầm quyền, vì nó đi ngược lại với tôn chỉ “trong sạch, vững mạnh, phấn đấu 100% đảng viên đủ tư cách” mà hệ thống tuyên truyền đảng vẫn thường nói. Cách đây 10 năm, trong số ra ngày 10-7-2006, báo Tuổi Trẻ cho biết, “ông Đào Ngọc Dung - ủy viên Trung ương Đảng, bí thư thứ nhất TƯ Đoàn - bị bắt quả tang quay cóp trong kỳ thi tuyển sinh sau ĐH tại Học viện Hành chính quốc gia”. 

20 ngày sau, VNExpress (30-7-2006) loan tin: “BCH TƯ Đảng vừa quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách và phân công công tác khác đối với ông Đào Ngọc Dung, Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư thứ nhất TƯ Đoàn”. VNExpress không nói rõ (có thể do không thể biết rõ) “công tác khác” của Đào Ngọc Dung được “phân công” là làm gì. 

Tuy nhiên, gần 10 năm sau, bản tin Văn phòng Chính phủ (vpcp.chinhphu.vn) ngày 15-10-2015, loan bố: “Đồng chí Đào Ngọc Dung tái đắc cử Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan TƯ”. Bản tin ghi: “Đồng chí Đào Ngọc Dung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy tiếp tục được tín nhiệm cao và bầu giữ chức Bí thư Ban Chấp hành Đảng bộ Khối khóa XII”. Và cuối cùng, ngày 9-4-2016, “Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn bổ nhiệm 21 thành viên Chính phủ mới, trong đó có 3 Phó Thủ tướng Chính phủ và 18 Bộ trưởng, Trưởng ngành với tỷ lệ tán thành cao. Theo đó, ông Đào Ngọc Dung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối Cơ quan Trung ương chính thức giữ chức Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH nhiệm kỳ 2016- 2021”.

Đây là hành động “bôi nhọ uy tín” và là cái tát đối với đảng cầm quyền. Ngày 26-3-2016, tại Hội nghị toàn quốc ngành Tổ chức xây dựng Đảng, ông Nguyễn Phú Trọng từng “phát biểu chỉ đạo”: “Hiện nay dư luận xã hội vẫn râm ran chuyện chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy bằng cấp, chạy chế độ, chạy luân chuyển… và yêu cầu Hội nghị “thẳng thắn thảo luận xem có chuyện ấy hay không, mức độ thế nào, để cho rõ ràng, minh bạch...”. Dĩ nhiên không thể và không bao giờ có thể kỳ vọng những phát biểu tương tự. Bất luận thế nào, trường hợp Đào Ngọc Dung cũng cho thấy một tiền lệ tai hại, khi mà quan chức bị lỗi, do tham nhũng, do gian lận thi cử, do trốn thuế, do quan hệ tình dục bừa bãi…, tóm lại bất kỳ tội gì, cũng có thể “luồn sâu leo cao”. Nó tạo ra ảnh hưởng tiêu cực xã hội khi mà giáo dục luôn nhắc rằng trung thực là một trong những phẩm chất hàng đầu để tạo nên nhân cách con người. Làm thế nào có thể dạy và mong muốn một xã hội trung thực khi người ta sống trong một đất nước gian lận và dối trá; và thậm chí có thể thăng tiến nhờ gian lận và dối trá! Làm thế nào có thể tin một bộ trưởng khi mà bản thân ông ấy đã đi lên bằng cách chà đạp niềm tin và cười mỉa sự trung thực!?