Chủ Nhật, 10 tháng 4, 2016

‘Trăm dâu đổ đầu bác sĩ’ hay cuộc chiến truyền thông và y khoa

Phan Sơn - Thế Giới Tiếp Thị

TTTG - Áp lực nhiều khi vô lối từ phía truyền thông và dư luận có thể khiến các bác sĩ “chùn tay” với những ca bệnh đòi hỏi những quyết định sống còn.

Không còn là ngoại lệ nữa, các sự cố y khoa xảy ra trong nước luôn hấp dẫn cho ngành truyền thông khai thác.
Và sau mỗi sự cố, khoảng cách giữa y khoa và truyền thông cứ xa dần để rồi công chúng nhìn người thầy thuốc với cặp mắt thiếu tôn trọng!

“Cuộc chiến” truyền thông và y khoa

Nhưng không thể trách báo chí, vì sự cố y khoa, dù thật sự có do nhân viên y tế gây ra hay không thì dưới cái nhìn của truyền thông đại chúng đó vẫn là câu chuyện “bất thường”, mà “bất thường” là một trong những “giá trị tin tức”.

Đó là chưa kể “tin xấu mới là tin tốt”.

Tháng 3 qua, hàng loạt sự cố y khoa “đình đám” trải đều cả ba miền: tại Đà Nẵng, một phụ nữ 47 tuổi tử vong sau phẫu thuật chân; cũng liên quan đến chân, nhưng em Lê Thị Hà Vy, 15 tuổi, ngụ tại Đăk Lăk  phải cưa chân sau khi bó bột vì lỗi nhận định của bác sĩ điều trị.

Tại Nghệ An, sau khi một nữ bệnh nhân 14 tuổi tử vong, người nhà vây bệnh viện đòi làm rõ sự tình.

Còn tại Đồng Tháp, một phụ nữ 38 tuổi tử vong sau khi chuyển tuyến, người nhà khiếu nại vì cho rằng bệnh viện tuyến dưới không làm tròn trách nhiệm…

Trước những sự cố này, truyền thông trong nước với hàng trăm tờ báo luôn có hai xu hướng khá rõ: một bên là cách đưa tin chừng mực và cân bằng, còn một bên (ngày càng áp đảo) là cách đưa tin giật gân, áp đặt khiến giới y khoa bất bình.

Trên mạng xã hội, người ta có thể thấy vô số những bức xúc của ngành y tế: “Tai biến y khoa là miếng mồi ngon cho báo chí giật tít kiếm tiền”, “Báo chí chẳng biết gì, cứ phán lung tung  lên”…

Nhưng giới y khoa cũng không thể trách giới truyền thông khi thực tế họ cũng có phần trách nhiệm. Facebooker Vu Tung nhận định: “Cái này trách người cũng phải trách ta, ngành y tế từ cấp tỉnh trở lên đều có trung tâm truyền thông và giáo dục sức khoẻ. Nhưng khi có vấn đề thì chẳng thấy họ đâu, để báo chí “phán” loạn lên, dân tình đổ xô vào ném đá và bộ trưởng chỉ biết sụt sùi!”

Trong khi đó, facebooker Hoang Quoc Khai đưa ra một giải pháp căn cơ: “Báo chí cần hiểu rằng sự cố y khoa là một phần tất yếu trong hoạt động nghề nghiệp và cả thế giới đang nỗ lực để giảm thiểu, không nên hình sự hoá vấn đề.

Nhưng đã đến lúc chúng ta cần có luật để giải quyết, vì dù y học tiến bộ đến mấy cũng vẫn có sự cố y khoa. Cần có một bên thứ ba ngoài hai bên liên quan là bệnh viện và gia đình người bệnh để làm trọng tài giải quyết”.

Và bệnh nhân có thể lãnh đủ

Một bác sĩ làm việc tại bệnh viện Bình Dân TPHCM, than phiền: “Báo chí càng nói nhiều về sự cố y khoa, bệnh nhân dường như càng khó chịu với nhân viên y tế. Họ đòi hỏi, khắt khe quá mức, thậm chí thiếu tôn trọng chúng tôi”.

Cũng tháng 3 qua, BMJ Quality & Safety, một tạp chí quốc tế về cải thiện chăm sóc sức khoẻ, công bố hai nghiên cứu riêng rẽ cho thấy thầy thuốc thường mắc sai lầm trong chẩn đoán khi gặp phải bệnh nhân khó chịu.

Trong nghiên cứu đầu tiên, thực hiện trên 63 bác sĩ nội trú ngành y học gia đình tại trung tâm Y khoa Erasmus (Hà Lan), người ta thấy trong những ca bệnh phức tạp, nếu gặp phải bệnh nhân khó tính, bác sĩ có thể chẩn đoán sai 42% so với khi gặp bệnh nhân dễ chịu.

Còn trong những ca bệnh đơn giản hơn, sai sót này là 6%. Trong nghiên cứu thứ hai, 74 bác sĩ bệnh viện của Hà Lan được đề nghị chẩn đoán tám trường hợp bệnh khác nhau, một nửa liên quan đến bệnh nhân khó chịu, nửa kia liên quan đến bệnh nhân dễ tính.

Kết quả cho thấy độ chính xác trong chẩn đoán giảm 20% khi bác sĩ gặp phải bệnh nhân khó chịu, dù thời gian chẩn đoán cũng như nhau. Bác sĩ có xu hướng bực bội, than phiền tính cách bệnh nhân và quên những… chi tiết chuyên môn!

Hai nghiên cứu bên trời Tây đáng để tham khảo. Còn ở Việt Nam, hỏi một bác sĩ lâu năm trong ngành cấp cứu, người này thừa nhận: “Thực tế khi gặp bệnh nhân hoặc người nhà có thái độ hung hăng, khó chịu, nhân viên y tế có xu hướng “né tránh”. Khi đó ít nhiều tính mạng bệnh nhân sẽ bị ảnh hưởng”.

Còn một bác sĩ sản khoa công tác tại bệnh viện Hùng Vương, TPHCM, chia sẻ: “Sau những sự cố thuyên tắc ối cách đây vài năm, báo chí và người dân cũng “ném đá” chúng tôi không thương tiếc. Họ không biết là điều đó khiến không ít nhân viên y tế “chùn tay”, không tận tâm cứu chữa bệnh nhân và chấp nhận làm trong giới hạn an toàn. Bởi nếu làm  hết mình mà có sự cố thì nhân viên y tế sẽ… lãnh đủ”.

“Với những hiểu biết hạn chế và cảm tính, giới truyền thông luôn nhìn bề mặt rồi lu loa ồn ào. Ngành y không phải không có những vấn đề, nhưng đâu phải bất cứ tai nạn nào xảy ra cũng quy chụp bác sĩ là không có y đức, yếu kém chuyên môn. Bác sĩ giờ đây trở thành ngành nghề nhiều áp lực và nguy hiểm nhất ở Việt Nam”Facebooker Yen Yen Le Tran