Đất Việt - Các chuyên gia về PCCC đều cho rằng việc dùng trực thăng để dập lửa ở các nhà cao tầng là lãng phí và không khả thi.
Thế giới không ai làm
Liên quan đến thông tin Đại tá Trần Thanh Châu - Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC TP.HCM trình lên Hội đồng Nhân dân TP.HCM xem xét kế hoạch mua trực thăng chữa cháy nhằm đáp ứng nhu cầu trong công tác dập lửa ở các nhà cao tầng, khu vực khó dập lửa, trao đổi với Đất Việt, Đại tá Nguyễn Thế Từ - Nguyên Trưởng phòng đào tạo trường ĐHPCCC cho rằng việc này không phù hợp với thực tế.
“Các nước trên thế giới chủ yếu dùng những loại máy bay trực thăng cho cứu hộ cứu nạn, chữa cháy rừng là chính. Vì làm gì có nước để máy bay phun vào trong nhà được. Cháy nhà cao tầng thường là dùng trực thăng để cứu người, đặc biệt là ở trên sân thượng thôi. Còn những khu vực lưng chừng khác cũng không thể thể vào được.
Ngay như ở Úc hay Indonesia họ có trực thăng chữa cháy loại cực lớn chở được 4 - 5 m3 nước nhưng chủ yếu là chữa cháy rừng và đám cháy ngoài trời, cháy nhà khu dân cư thấp tầng. Chứ mà để chữa cháy nhà cao tầng thì chả nước nào người ta dùng trực thăng cả. Như thế không có tác dụng”, Đại tá Từ khẳng định.
Với kinh nghiệm nhiều năm công tác trong ngành PCCC, Đại tá Từ cho rằng hiện nay chúng ta chưa có một kế hoạch cụ thể nào về việc dùng trực thăng để chữa cháy nhà cao tầng cả. Đặc biệt, TP.HCM với đặc điểm dân cư đông đúc, nhiều ngõ nhỏ, hẹp, có nơi cách đường lớn cả cây số, khi có cháy nổ thì việc dùng các phương tiện PCCC tại chỗ và xe chữa cháy mini là rất hiệu quả.
“Những vị trí đó xe to không vào được. Việc sử dụng xe con thì chạy nhanh hơn, việc lấy nước hoặc triển khai đội hình với xe nhỏ cũng rất nhanh.
Tôi nhớ từ năm 2009, 2010 TP.HCM cũng sản xuất ra xe mô tô chữa cháy. Khi tôi sang Campuchia thì chúng ta còn xuất tặng cho họ và người dân nước này đã sử dụng rất tốt. Trong khi đó ở Việt Nam sau một thời gian thì chúng ta bỏ, tôi không thấy dùng gì cả mà cứ thích đi nhập khẩu những xe hiện đại, đắt tiền”, Đại tá Từ chỉ rõ.
Nguyên Trưởng phòng đào tạo trường ĐHPCCC cảnh báo việc chúng ta không tìm hiểu kỹ trước khi lên kế hoạch mua sẽ không phát huy được hết hiệu quả của phương tiện phòng cháy chữa cháy mà còn hết sức lãng phí.
Lấy Nhật Bản làm ví dụ, Đại tá Từ phân tích: “Trước đây tôi cũng đã sang Nhật và biết được họ có kế hoạch xây dựng một tòa nhà cao 1000m. Tôi hỏi chữa cháy như thế nào thì họ khẳng định chủ yếu là sử dụng hệ thống chữa cháy tại chỗ thôi.
Tuy nhiên, người Nhật cũng đã làm thí điểm, chế tạo trực thăng chở được khoảng 3 m3 nước có 2 lăng giá 2 bên và sau đó để tự động lấy nước ở các nơi để chữa cháy ở nhà cao tầng. Sau đó khi áp dụng thực tế, họ nói rằng tiến hành như vậy không hiệu quả vì chỉ phun được khoảng hơn 1 phút là hết rồi.
Mà thực tế trực thăng chỉ có thể dừng ở xa rồi phun nước, như thế cũng không được nhiều. Vì thế Nhật Bản cũng đã không xây tòa nhà 1000 m nữa”.
Từ những thực tế trên, vị chuyên gia cho rằng, TP.HCM nên xem xét lại phương án dùng trực thăng để chữa cháy tại các khu nhà cao tầng khi tính kinh tế và tính hiệu quả đều không đạt được.
“Việc TP.HCM đề xuất là như vậy thôi chứ thực tế thực hiện rất khó. Các nước phát triển trên thế giới, họ đều tính toán sử dụng chữa cháy tại chỗ để dập tắt đám cháy ngay từ khi mới xảy ra.
Theo tôi, chúng ta nên học hỏi các nước như Trung Quốc, Nhật Bản để áp dụng vào thực tế. Chẳng hạn, cứ một nhà cao tầng thì tầng 14 là tầng cách ly, cháy ở tầng 15 không lan xuống được tầng 13 và ngược lại. Tầng đấy dùng để hoạt động thể dục, thể thao, vui chơi giải trí. Bởi lẽ hiện nay xe thang của chúng ta cũng chỉ có thể vươn tới tầng 14 mà thôi.
Thứ hai là trong từng các tầng từ tầng 5,6 trở lên phải lắp đặt hệ thống chữa cháy tự động, bán tự động.
Như tòa 67 tầng cháy ở Dubai đã cháy đúng lúc giao thừa ở tầng cao nhất. Khi ấy thì hệ thống chữa cháy tự động bên trong tự dập chứ lực lượng chữa cháy nào lên được”, Đại tá Từ dẫn chứng.
Mua trực thăng chữa cháy là lãng phí
Cũng chia sẻ về vấn đề này, Đại tá, PGS. TS. Ngô Văn Xiêm – Nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học PCCC cho rằng đề xuất này của TP.HCM là lãng phí và không phù hợp với hoàn cảnh hiện nay.
Theo PGS.TS Xiêm, ở một số nước tiên tiến trên thế giới họ cũng có sử dụng trực thăng để dập lửa khu nhà cao tầng, nhưng yêu cầu phải có sự đồng bộ cao từ phương tiện chữa cháy, dụng cụ hỗ trợ cũng như lực lượng PCCC có trình độ chuyên môn cao. So sánh với Việt Nam, vị chuyên gia cho rằng chúng ta đều thiếu và yếu về mọi mặt.
“Chúng ta bỏ ra một khoản tiền lớn 1.000 tỷ đồng để mua một chiếc trực thăng nhưng phải xét về hiệu quả kinh tế.
Trước đây TP.HCM cũng mua xe thang cao 72m dùng để chữa cháy nhưng hơn 10 năm nay có khai thác, sử dụng được đâu. Như vậy rất lãng phí.
Hai là đi theo máy bay là cả một loạt các điều kiện để mà khai thác, sử dụng và bảo quản nó chứ cũng không đơn giản chút nào. Rồi sân bay ở đâu, phi công thế nào, chế độ chữa cháy ra làm sao. Có rất nhiều vấn đề chứ không chỉ đơn giản mua mỗi cái máy bay đâu. Có thể TP.HCM có khả năng bỏ ra 1000 tỷ để mua nhưng mọi cái điều kiện kèm theo để khai thác, sử dụng, bảo quản phương tiện này đều không đáp ứng được. Không có thì thiếu nhưng nếu mua thì cực kỳ lãng phí”, PGS.TS Xiêm nhấn mạnh.
Theo vị chuyên gia, thay vì bỏ ra 1000 tỷ đồng mua trực thăng lãng phí, hiệu quả không cao, TP.HCM hoàn toàn có thể dùng số tiền này để nâng cấp cũng như trang bị thêm các thiết bị hỗ trợ chữa cháy tại chỗ.
“Kinh phí 1000 tỷ có thể làm được biết bao việc trong đảm bảo an toàn, PCCC. Công tác PCCC đâu chỉ có mỗi một cái máy bay đâu. Chúng ta cần đầu tư thêm cho các lực lượng phòng cháy, tư trang, trang bị phương tiện bảo vệ lực lượng làm nhiệm vụ đến phương tiện chữa cháy tại... Đi chữa cháy mà phương tiện hỗ trợ hiện đại nhưng anh không biết khai thác hay ngay những điều kiện ở bên dưới chưa đảm bảo đâu thì cũng đâu có tác dụng”. PGS.TS Xiêm thẳng thắn.
Từ những bất cập trong việc xây dựng các tòa nhà cao tầng, các khu chung cư hiện nay tại TP.HCM nói riêng cũng như cả nước nói chung, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học PCCC cho rằng cần phải đưa ra những quy định cụ thể để các chủ đầu tư chú trọng và trang bị phương tiện chữa cháy tại chỗ hiện đại cũng như tuyên truyền để người dân tự hiểu và sử dụng khi có cháy nổ xảy ra.
“Cái quan trọng đầu tiên là phải trang bị phương tiện chữa cháy ban đầu cho người dân trên các khu nhà. Thứ hai là các hệ thống báo cháy tự động để kịp thời báo cháy và chữa cháy ngay giai đoạn đầu. Thứ 3 hướng dẫn người dân khi đám cháy nhỏ thì biết cách khai thác sử dụng, biết cách sử dụng để đảm bảo an toàn”, vị chuyên gia chỉ rõ.