LĐO - Nắm bắt được nhu cầu của người dân về nhà ở, một số đối tượng xấu đã dùng thủ đoạn giả mạo chữ ký của người có thẩm quyền, tự soạn thảo giấy tờ, quyết định giao đất để lừa đảo, bán nhà đất... trên giấy.
Vừa qua, TAND TP. Hà Nội đã quyết định tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thu Hà (SN 1975, trú ở phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm) 12 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và 1 năm tù về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức. Tổng hợp cả 2 tội danh, bị cáo lĩnh án 13 năm tù giam. Theo cáo trạng, trước đây Hà là kế toán thuộc xí nghiệp Xây lắp 4. Bị cáo được thừa hưởng căn nhà của bố mẹ tại Khu tập thể xí nghiệp Xây lắp 4, tại phường Phúc Diễn (Bắc Từ Liêm).
Ngoài ngôi nhà, Hà còn có mảnh đất trống rộng 65m2, thuộc xí nghiệp Xây lắp 4 quản lý. Để kiếm tiền tiêu xài, Hà tự thảo ra Quyết định giao đất mang số 19/CNXL4-TCHC ngày 4/1/2011. Sau đó, cô mạo chữ ký của người có thẩm quyền và đánh cắp con dấu của cơ quan và đóng dấu lên văn bản giả mạo. Hà còn tạo ra cùng lúc 2 quyết định giao đất cùng số.
Cuối năm 2011, bị cáo bán mảnh đất trên cho chị Lê Thị Xuân Thảo (SN 1977, ở quận Bắc Từ Liêm) với giá 500 triệu đồng. Chị Thảo đặt cọc cho Hà 180 triệu đồng. Khoản tiền còn lại, 2 bên thống nhất khi nào sang được tên chủ sử dụng đất mới sẽ cùng nhau tất toán nốt. Thế nhưng sau nhiều tháng chờ đợi, chị Thảo vẫn không thấy Hà tiến hành thủ tục chuyển nhượng. Vì nghi ngờ bị lừa nên chị Thảo tìm đến Xí nghiệp Xây lắp 4 xác minh thì mới vỡ lẽ quyết định giao đất cho Hà chỉ là giấy tờ giả. Chị Thảo đã yêu cầu Hà trả lại tiền đặt cọc, song bị cáo chỉ hứa hẹn suông và sau đó lặn mất tăm.
Vẫn sử dụng mánh khóe trên, tháng 7/2013, bị cáo tiếp tục đưa vợ chồng anh Nguyễn Đức Toàn (SN 1981, ở huyện Ứng Hòa) vào “bẫy”. Hà chuyển nhượng đất cho vợ chồng anh Toàn với giá 520 triệu đồng. Vì có quen biết với Hà và cầm được quyết định giao đất có dấu đỏ nên anh Toàn giao đủ số tiền. Nhưng khi xây dựng nhà ở thì vợ chồng anh Toàn mới phát hiện bị lừa và đã trình báo sự việc tới cơ quan công an. Tuy nhiên, Hà đã bỏ trốn, 2 năm sau mới chịu ra đầu thú.
Liên quan đến vụ việc, một cán bộ Phòng Kỹ thuật hình sự, Công an TP. Hà Nội cho hay, thủ đoạn làm giả giấy tờ bán đất "ảo" lấy tiền thật là một chiêu trò cũ nhưng có khá nhiều nạn nhân "dính bẫy". Với thủ đoạn dùng giấy tờ, chữ ký, con dấu giả, người dân sẽ rất khó phát hiện. Thậm chí, có trường hợp tội phạm còn dùng loại giấy nửa giả, nửa thật (tức nội dung giả được in trên phôi thật).
Cụ thể, chúng lấy sổ đỏ thật cho lên máy scan để lấy bản mẫu. Khi đã có phôi, chúng đưa lên máy tính và chèn các nội dung cần thiết rồi sao chép hình dấu, chữ ký nơi cấp sổ đỏ. Với thủ thuật đó, người dân rất khó có thể phân biệt thật, giả. Do đó, khi tiến hành giao dịch mua bán, chuyển nhượng, thì bên mua, bên nhận chuyển nhượng cần phải xem xét kỹ tài sản trên thực tế. Cần phải xác minh giấy tờ gốc từ các cơ quan chức năng nhằm đề phòng các đối tượng làm giả, và tránh tình trạng trở thành “con mồi” của các đối tượng lừa đảo.
Theo Kinh tế & Đô thị Online