NLĐO - Lượng khách Trung Quốc đến tỉnh Khánh Hòa đang tăng đột biến, phát sinh nhiều tiêu cực khiến các cơ quan chức năng tìm cách thắt chặt quản lý
Theo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) tỉnh Khánh Hòa, chỉ trong 3 tháng đầu năm 2016, đã có hơn 100.000 lượt khách Trung Quốc (TQ) đến tỉnh này, gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2015. Lượng khách TQ cũng đã vượt lên vị trí số 1 khách nước ngoài đến Khánh Hòa, trong khi lượng khách Nga (dẫn đầu năm 2015) trong quý I/2016 chỉ còn gần 40.000 lượt.
Tour “tù” khách TQ
“Chúng tôi không phản đối khách TQ. Chúng tôi chỉ phản đối kịch liệt tour “tù” dành cho khách TQ” - ông Nguyễn Văn Tưởng, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa, thẳng thắn.
Theo ông Tưởng, tour “tù” là việc các đoàn khách TQ thông qua một số công ty lữ hành sang Khánh Hòa; ăn, ở và mua sắm ở đâu đều do công ty lữ hành quyết định. Bên cạnh đó, xuất hiện một số điểm kinh doanh chuyên phục vụ khách TQ ở Nha Trang, bày bán các sản phẩm giả thương hiệu Khánh Hòa.
Một trong những sản phẩm dễ bị làm giả nhất là trầm hương vì người hiểu biết về sản phẩm này không nhiều. Trầm hương Khánh Hòa được đánh giá có chất lượng tốt bậc nhất thế giới và đã xây dựng được thương hiệu ở nhiều quốc gia. Tuy nhiên, qua tìm hiểu của một người đã có nhiều đóng góp trong việc xây dựng thương hiệu trầm hương Khánh Hòa như ông Tưởng, tư thương đã mang trầm hương từ Indonesia về bán mang nhãn hiệu trầm hương Khánh Hòa. “Thậm chí, họ còn dùng gỗ nhẹ phun tinh dầu vào đấy rồi bảo là trầm hương Khánh Hòa. Một khi du khách mang các sản phẩm giả này về, phát hiện đồ giả thì đã giết chết thương hiệu trầm hương Khánh Hòa” - ông Tưởng lo ngại.
Mặt khác, phần lớn những tour “tù” thường để khách TQ sử dụng nhân dân tệ (NDT) giao dịch trực tiếp tại các cửa hàng. Vụ bắt quả tang việc mua bán bằng NDT tại hộ kinh doanh Hải Thiên (TP Nha Trang) mới đây là một ví dụ. Trong khi đó, theo quy định, không có cơ sở nào ở Nha Trang thu đổi NDT. Ông Tưởng đặt nghi vấn: “Đồng NDT sẽ đi về đâu, có phải quay về nơi nó xuất phát? Họ lợi dụng không gian sống của chúng ta để kinh doanh, trong khi chúng ta không có lợi gì”.
Để chống tour “tù”, theo ông Tưởng, cần quy định chặt chẽ việc các công ty lữ hành đưa khách TQ sang Việt Nam phải đăng ký điểm đến cho ngành chức năng giám sát. Cùng với đó, cơ quan hải quan cần kiểm tra chặt chẽ qua mã vạch các sản phẩm khách TQ mang từ Việt Nam về để chống việc đưa hàng giả ra khỏi nước ta.
Một chủ nhà hàng lớn ở TP Nha Trang cho biết trung bình mỗi ngày, nơi này tiếp 500-700 khách TQ. Các đoàn khách TQ đến đây đều yêu cầu nhà hàng của ông giảm giá 10% vì không lấy hóa đơn giá trị gia tăng. “Nhà hàng tôi không mất gì mà là nhà nước mất. Tôi nghĩ đấy là các đoàn “chui” - chủ nhà hàng này nói.
Khó xử lý!
Ông Nguyễn Xuân Dũng, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Khánh Hòa, cho hay đã yêu cầu các chi cục thuế phân tích cụ thể tình hình khách du lịch TQ tới Khánh Hòa và việc thu ngân sách liên quan đến nhóm khách này.
Bà Phan Thanh Trúc, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Khánh Hòa, khẳng định lượng khách TQ tăng đột biến đã khiến việc quản lý của ngành du lịch trở nên khó khăn. Hiện hướng dẫn viên (HDV) quốc tế ở tỉnh này chủ yếu là tiếng Anh và tiếng Nga, chỉ có 11 HDV tiếng TQ.
“Quản lý du lịch chủ yếu là thanh tra, kiểm tra nhưng nhìn bề ngoài, người TQ không khác gì người Việt nên khó phát hiện HDV TQ “chui”. Khi phát hiện ra thì bất đồng ngôn ngữ, họ không hướng dẫn nữa nên không biết đâu là HDV “chui”, đâu là khách TQ để xử lý” - bà Trúc băn khoăn.
Theo bà Trúc, văn hóa người TQ khác biệt với khách nước ngoài khác nên không chỉ gây khó khăn trong công tác phục vụ mà còn làm ảnh hưởng đến những du khách này. Nhiều doanh nghiệp đã đến sở phản ánh khách TQ quá ồn ào, chen lấn, không xếp hàng, ăn buffet thì lấy nhiều, sử dụng dịch vụ trong khách sạn không cẩn thận...
Bà Trúc cũng thừa nhận có hiện tượng một số công ty lữ hành thuê hẳn khách sạn cho khách TQ. Nhiều cửa hàng, cửa hiệu trang trí theo phong cách TQ để chuyên phục vụ cho khách TQ. Việc chỉ phục vụ cho khách TQ tạo tâm lý không bình thường nhưng không có cơ sở pháp lý để xử lý. Mới đây, lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa đã triệu tập Sở VH-TT-DL yêu cầu phản ánh tình hình không bình thường trong việc phục vụ khách TQ. Theo chỉ đạo của tỉnh, cần phải kiểm tra một số cơ sở kinh doanh chuyên phục vụ khách TQ.
Ông Đoàn Vĩnh Tường, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khánh Hòa, cho biết theo quy định của Chính phủ, người nước ngoài vào Việt Nam phải sử dụng đồng tiền Việt Nam. Trong nội địa, không một cơ sở nào được phép thu đổi đồng NDT.
Đề cập trường hợp giao dịch trực tiếp bằng NDT tại hộ kinh doanh Hải Thiên ở Nha Trang, ông Tường nhận định: “Ở đây không ai thu đổi NDT thì chẳng lẽ họ kinh doanh rồi nhét vào ngăn kéo? Có thể họ tìm cách đổi “chui”. Vậy thì không chỉ có Khánh Hòa không được lợi mà cả nước ta cũng sẽ không được lợi vì điều đó vi phạm quy định của nhà nước”.
***
Phạt nặng để răn đe
Ông Đoàn Vĩnh Tường cho hay hôm nay (20-4), ông sẽ hội ý với Chi cục QLTT tỉnh Khánh Hòa để tham mưu về việc xử phạt đối với 2 hành vi vi phạm là niêm yết giá bằng NDT và giao dịch trực tiếp bằng NDT bị bắt quả tang tại hộ kinh doanh Hải Thiên.
Theo quy định, mức phạt với 2 hành vi này rất nặng. Chỉ riêng hành vi niêm yết giá bằng NDT, mức phạt nhẹ nhất là trên 200 triệu đồng. “Quy định về các mức phạt này là rất nặng nhằm răn đe. Nếu khách nào cũng mang đồng tiền quốc gia mình vào Việt Nam tiêu xài thì chỉ có làm loạn thị trường nước ta” - ông Tường nói.