Thứ Tư, 27 tháng 4, 2016

Suy nghĩ của người lương thiện

LÊ THANH PHONG

LĐO - Đại tá Nguyễn Văn Quý - Trưởng Công an huyện Bình Chánh, TPHCM - đã bày tỏ lời xin lỗi chủ quán “Xin Chào” rằng: Tôi đã thực sự nóng vội, máy móc, cứng nhắc trong cách hiểu, áp dụng pháp luật để gây ra sai sót này. Đến thời điểm này, tôi nhận thấy mình đã góp phần làm cho ông Tấn bị khởi tố, truy tố oan. Thông qua báo, tôi gửi lời xin lỗi tới ông Tấn về những gì đã gây ra. Mong ông Tấn thông cảm và tha thứ cho tôi”. Còn ông Nguyễn Văn Tấn lại nói lời thật nhân ái, ông sẵn sàng bỏ qua tất cả, ông không muốn ai bị tù tội, vì ai cũng có vợ con, gia đình.  

Chính ông đã là bị can, bị cáo oan nên ông quá sợ hãi, ông không muốn ai vô phúc đáo tụng đình cho dù đáng tội. Đó là suy nghĩ của người lương thiện.

Một người dân bình thường cũng biết nói lời nhân ái, điều đó cũng đủ nhắc nhớ các cán bộ công an và viện kiểm sát đã khởi tố, truy tố oan ông Tấn phải suy nghĩ. Chưa kể các vị được học đủ thứ sách vở về nghiệp vụ và đạo đức của nghề tố tụng. Trong đó có một bài học căn bản nhất là nguyên tắc suy đoán vô tội.

Đại tá Quý đã suy đoán có tội do ông nhận thức sai, nhưng còn nhiều người khác, các điều tra viên cũng suy đoán có tội như ông Quý.

Rồi các kiểm sát viên của Viện Kiểm sát nhân dân huyện Bình Chánh, tất cả đều suy đoán có tội cho một công dân mà những hành vi “vi phạm” dưới sự hiểu biết của người bình thường cũng thấy phi lý. Vậy thì xin hỏi liệu việc khởi tố, truy tố này có bình thường không, vì sai sót hay vì động cơ nào khác?

Cũng đặt vấn đề ngay và luôn, cán bộ công an huyện Bình Chánh nhận thức sai về vụ quán “Xin Chào” của ông Nguyễn Văn Tấn đã quá nhiều, tại sao lại sinh ra vụ chòi vịt của ông Nguyễn Văn Bỉ. Hai vụ này có liên quan gì nhau chăng? Người dân có quyền nghi ngờ về động cơ khác trong hai vụ án này hơn là sai sót.

Nhận thức sai về pháp luật như đại tá Quý nói thì quá nguy hiểm, một người sai dân đã chết, nhiều cán bộ của hai cơ quan tố tụng trong một huyện cùng trình độ pháp luật như vậy, án oan không biết thế nào mà lường.

Thử hỏi, nếu báo chí không phát hiện, lên tiếng thì số phận công dân Nguyễn Văn Tấn và Nguyễn Văn Bỉ sẽ như thế nào? Chính vì những cán bộ chỉ biết suy đoán có tội nên mới có Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén và nhiều người oan sai khác.