Thứ Tư, 27 tháng 4, 2016

Cá chết hàng loạt: Tại sao Huế kết luận được, Hà Tĩnh lại không?

XUÂN HỒNG

(ĐSPL) – Cơ quan chức năng ở Thừa Thiên – Huế vừa có kết luận về việc nước biển ở địa phương này nhiễm kim loại nặng. Dư luận đã hoài nghi và đặt câu hỏi: Tại sao Thừa Thiên - Huế kết luận được mà các cơ quan chức năng tại Hà Tĩnh lại lúng túng, "đá quả bóng" về cấp cao hơn?

Theo đó, cùng một hiện tượng cá chết hàng loạt, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Thừa Thiên - Huế đã tiến hành khảo sát và lấy 9 mẫu nước mặt và 7 mẫu trầm tích tại khu vực đầm Lập An (gần cửa biển Lăng Cô), huyện Phú Lộc, vùng ven bờ xã Quảng Công, huyện Quảng Điền và các xã Điền Hương, Điền Hải, huyện Phong Điền để phân tích, đánh giá các thông số về môi trường. Kết luận về các thông số cho thấy: Tổng hàm lượng nitơ tính theo amoni (NH4+-N), hàm lượng kim loại nặng crôm (Cr) vượt giới hạn cho phép theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước biển cũng như quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt. Sở này xác định: “Nguyên nhân cá biển, cá nuôi chết không phải do dịch bệnh mà do một tác nhân cực mạnh - chất độc trong môi trường nước dẫn đến sự cố cá chết hàng loạt tại tỉnh Thừa Thiên - Huế”.

Trung tâm quan trắc và Kỹ thuật môi trường, Sở TN&MT Hà Tĩnh cũng đã tiến hành lấy mẫu nước ngay tại cửa xả thải của khu công nghiệp nặng này để tiến hành thí nghiệm, phân tích… thế nhưng đến nay đã hơn 15 ngày, trung tâm vẫn chưa thể đi đến kết luận. Thậm chí, Bộ TN&MT đã từng có đề xuất thuê chuyên gia nước ngoài hỗ trợ truy tìm nguyên nhân của tình trạng cá chết bất thường ở các tỉnh miền Trung.

Năng lực chuyên môn của cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên môi trường tỉnh Hà Tĩnh yếu kém hơn Thừa Thiên - Huế? Sở TN&MT Thừa Thiên - Huế có quá tự tin và vội vàng khi đưa ra kết luận này? Chúng ta đành tiếp tục chờ đợi vào bản kết luận cuối cùng của bộ TN&MT.