TTCT - Trên mạng, người ta bận tranh cãi xôn xao, nào giả thuyết, nào suy đoán, nào bình luận, tranh nhau tỏ ra tỉnh táo, bình tĩnh, hiểu biết và lạc quan. Chỉ có điều, thủy sản mà ngư dân đánh bắt được từ miền Trung đang rớt giá thê thảm. Các nhà hùng biện không giải thích lý do vì sao tạm thời không ăn cá.
Ông Tư Mẫn là nông dân ở Cà Mau, nhà nghèo rớt. Năm 1998 ông bán hết ruộng vườn, dắt díu gia đình lên Đồng Nai kiếm sống. Cả nhà chí thú làm ăn tích cóp, sau mấy năm ròng thì có vốn mua đất làm đìa tôm. Nhờ trời, tôm trúng. Ba vụ liền, năm nào trừ chi phí đi cũng lãi được cả trăm triệu đồng. Ông Tư Mẫn mừng lắm, tính rồi mua cái nhà cho thằng cả, cưới vợ cho thằng hai.
Nào dè, ba năm liền sau đó, tôm chết trắng đìa. Ông Tư cho là tại dịch bệnh, ráng vay ngân hàng 200 triệu đồng làm vụ mới.
Tôm lại chết. Ông Tư Mẫn trắng tay, cả nhà lại đi làm mướn.
Hai năm sau, ông Tư mới biết, trên thượng nguồn sông Thị Vải - nơi nước dẫn vào rạch Bà Riêu mà ông thả tôm - có cái nhà máy tên là Vedan xả chất độc ra sông. Chất độc làm tôm cá chết. Chất độc làm gia đình ông phá sản.
Ai nói với ông Tư Mẫn điều đó? Là 50 nông dân xã Phước Thái, huyện Long Thành - những người đã phải bỏ nghề ngư phủ vì nước sông quá ô nhiễm, những người đã ròng rã khiếu kiện Công ty Vedan đầu độc sông Thị Vải trong nhiều năm trời. 50 người nông dân cùng quẫn và đơn độc, hệt như ông Tư Mẫn.
“Vụ Vedan” - cách người ta gọi vụ việc xả thải gây ô nhiễm nghiêm trọng nhất từng được phát hiện tại Việt Nam, được phanh phui năm 2008, nhờ nông dân. Nhưng hai năm sau đó, tất cả những động thái của cơ quan chức năng đều nhằm xử phạt và truy thu phí bảo vệ môi trường.
Vậy nên, đến tháng 7-2010 - lại một nông dân khác, anh Nguyễn Lam Sơn, đại diện cho hàng ngàn nông dân Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và TP.HCM nộp đơn khởi kiện Công ty Vedan ra tòa. Người nông dân mạnh mẽ ấy đã kiên trì theo đuổi vụ kiện, với sự ủng hộ mạnh mẽ của dư luận xã hội.
Kết quả, Công ty Vedan phải chi ra 220 tỉ đồng đền bù cho nông dân ba địa phương chịu thiệt hại trực tiếp vì ô nhiễm sông Thị Vải.
Số tiền nghe thì nhiều, nhưng chia ra hàng nghìn nông dân, so với thiệt hại rất lớn của nghiệp nuôi tôm, chẳng thấm gì. May mắn lắm thì tiền đền bù đủ để người nông dân trả nợ, rồi bỏ nghiệp, thậm chí bỏ xứ mà đi nơi khác kiếm ăn.
Bởi đến tận hôm nay, sông Thị Vải vẫn chưa sống lại, không tôm cá gì. Còn ông Tư Mẫn, ông không chứng minh được thiệt hại của mình bởi ông đã phá sản hai năm trước khi “vụ Vedan” bị phanh phui. Chẳng còn chút tài sản gì liên quan đến đầm tôm, gia đình ông không được nhận một đồng tiền đền bù nào. Giờ ai biết gia đình ông Tư Mẫn ở rạch Bà Riêu đã phiêu bạt đến đâu?
Lúc nào cũng thế, những vụ đầu độc môi trường kiểu ấy luôn do người dân phát hiện, báo cơ quan chức năng. Còn nhớ cách đây chưa lâu, hàng trăm nông dân Thanh Hóa phát hiện và giữ nguyên hiện trường vụ Công ty Nicotex Thanh Thái chôn lén... thuốc trừ sâu.
Và khi cá lớn cá nhỏ dạt vào bờ chết trắng bụng cả tuần, các “cơ quan chức năng” bận ngồi loay hoay với các phỏng đoán thì ngư dân đã tự lặn xuống biển, tìm ra nơi Formosa tuồn đường ống xả thải. Chất thải đó có độc hay không, có phải là nguyên nhân khiến cá chết hàng loạt dọc bờ biển Hà Tĩnh hay không, ngư dân không biết.
Họ chỉ đơn giản tự đi tìm, tự đấu tranh và tố cáo những nguy cơ xâm hại đến an toàn của họ, của con cái họ, của những gì họ nuôi trồng. Đó là sự phòng vệ sinh tồn.
Trên mạng, người ta bận tranh cãi xôn xao, nào giả thuyết, nào suy đoán, nào bình luận, tranh nhau tỏ ra tỉnh táo, bình tĩnh, hiểu biết và lạc quan. Chỉ có điều, thủy sản mà ngư dân đánh bắt được từ miền Trung đang rớt giá thê thảm. Các nhà hùng biện không giải thích lý do vì sao tạm thời không ăn cá.
Ngư dân trân mình chịu trận. Một lần nữa, họ lại phải đợi “cơ quan chức năng vào cuộc điều tra làm rõ”. Có thể, cá chết không phải vì chất xả thải độc hại từ lò luyện thép. Nhưng nông dân rất hiếm khi nhầm.
Nhất là khi, họ sinh ra, lớn lên, sống và chết cùng ngọn núi, cánh rừng, bờ biển và cá tôm nơi ấy. Nhưng nông dân, như bản tính cần lao nghìn năm, không nói những câu thừa.