Thứ Bảy, 2 tháng 4, 2016

'Mất Hoàng Sa có nhiều lý do, trong đó có lý do 'tin bạn mất bò''

Trí Lâm

MTG - Theo đại biểu Quốc hội Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước), tham nhũng không không chỉ dừng ở lĩnh vực kinh tế mà còn cả tham nhũng chính sách, tham nhũng cán bộ. Tham nhũng không chỉ một ngành mà nhiều ngành, trở thành thông lệ, bình thường ở một số ngành, quá nguy hiểm cho quốc gia.

Thủ tướng cần tuyên thệ chống tham nhũng

Ngày 1.4, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2015; kết quả thực hiện 5 năm 2011 - 2015 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020; kế hoạch sử dụng đất 5 năm giai đoạn 2016 - 2020.

Phát biểu tại Quốc hội, đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) đề nghị cần phải đặt nhiệm vụ chống tham nhũng, lãng phí lên hàng đầu. Theo ông Hùng, Quốc hội đã thông qua luật phòng chống tham nhũng trong nhiệm kỳ này nhưng thực tế tham nhũng ngày càng tinh vi, lan rộng.

“Tham nhũng không chỉ dừng ở lĩnh vực kinh tế mà cả tham nhũng chính sách, tham nhũng cán bộ. Tham nhũng không chỉ một ngành mà nhiều ngành, thành thông lệ, bình thường ở một số ngành, nguy hiểm cho quốc gia”, ông Hùng nói.

Theo ông Hùng, việc chống tham nhũng, lãng phí là vấn đề suy thịnh của quốc gia. Ông Hùng cho rằng, cách dùng từ "chú trọng, đẩy mạnh chống tham nhũng, lãng phí" lâu nay Chính phủ dùng là chưa đủ mạnh.

Đại biểu Hùng đề nghị tân Thủ tướng cần có tuyên thệ về chống tham nhũng, lãng phí. Hãy coi chống tham nhũng, lãng phí là giặc nội xâm, chống lại như chống giặc ngoại xâm.

"Tôi chưa thấy ai bị kỷ luật, bị sa thải vì lãng phí. Do vậy cần có biện pháp, giải pháp đồng bộ, thực hiện với quyết tâm cao hơn”, ông Hùng nói.

Cũng nói về vấn đề này, đại biểu Lê Như Tiến cho rằng, một khi cơ chế xin cho còn đất sống thì dân còn bị nhũng nhiễu. Vì đã xin thì phải có cái gì đó cho mới xin được. Ông Tiến đánh giá nhiều người thi hành công vụ chưa xem mình là công bộc của dân.

“Cái gì cũng chạy. Chạy chức chạy quyền, chạy cả luân chuyển, chạy ai, ai chạy? Cử tri mong rằng chỉ cần đi là đến không cần phải chạy”, ông Tiến nói.

Đại biểu Vũ Công Tiến (Lâm Đồng) cũng đưa ra một số nhận định tại phiên họp, đó là bộ máy chính trị cồng kềnh, hàng năm ngốn ngân sách hàng triệu tỉ đồng. Theo ông Tiến, cần nhất thể hóa một số bộ máy Đảng và Nhà nước. Về công tác cán bộ thì một số trường hợp nên đưa về gần dân, sát dân, hiểu dân trước khi làm cán bộ. 

Không quên bài học Hoàng Sa

Trước tình hình Biển Đông đang ngày một nóng, đại biểu Vũ Công Tiến cũng đã bày tỏ quan điểm trước vấn đề này tại diễn đàn Quốc hội.

“Năm 1974 mất Hoàng Sa có nhiều lý do nhưng tôi cho rằng trong đó có lý do “tin bạn mất bò”. Chúng ta đã có bài học nhãn tiền, vì thế những diễn biến khó lường trên Biển Đông hiện nay khiến cử tri đặc biệt quan ngại, lo lắng”, ông Tiến nói.

Đồng thời, ông Tiến cũng hy vọng Đảng, Nhà nước sẽ có giải pháp đúng đắn để giữ vững chủ quyền biển đảo, để ngư dân được tự do đánh bắt cá an toàn trên vùng biển của mình.

Trong khi đó đề cập tới vấn đề an ninh quốc phòng, đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa (Thừa Thiên Huế) cũng đề nghị trong 5 năm tới, Chính phủ cần quan tâm, tăng cường xây dựng thế trận Quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân. Theo đại biểu này, cần tập trung xây dựng thế trận các tỉnh thành, ưu tiên xây dựng thế trận phòng thủ các tỉnh biên giới, ven biển kể cả về nhân lực, vật lực, tăng cường phòng thủ biển đảo.

“Cần xây dựng các nghiệp đoàn có tàu lớn, lấy dân quân biển, dự bị động viên làm nòng cốt và cùng với các lực lượng xây dựng các thế trận liên hoàn biển đảo để bảo vệ vững chắc trên biển. Tăng cường trang bị cho các đồn biên phòng ven biển, nhất là các loại tàu ở vùng khơi, vùng gần bờ”, ông Nghĩa nói.

Bên cạnh đó, ông Nghĩa cũng đề nghị rằng cần thể chế hóa hơn nữa để tăng cường quản lý Nhà nước về quốc phòng, nhất là quốc phòng kết hợp với làm kinh tế.