Cafebiz - Giỗ tổ, nghỉ lễ 30/4, mùng 2/9, tết tây, tết âm, rồi nghỉ phép,... tính ra chúng ta mỗi năm chỉ làm việc 238 - 242 ngày, còn lại toàn nghỉ.
Hãy cùng làm một phép tính đơn giản, để tính xem trong một năm, thời gian nghỉ chính thức của người lao động ở Việt Nam năm 2016 là bao nhiêu.
* Nghỉ cuối tuần
Một năm thường có 365 ngày, năm nay là năm nhuận có 366 ngày, tương đương với 52 tuần và 104 ngày nghỉ cuối tuần: Thứ bảy và Chủ nhật.
* Nghỉ lễ, tết
Theo quy định, số ngày nghỉ cho các dịp lễ tết ở Việt Nam được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định như sau:
- Tết Dương Lịch 1/1: 1 ngày.
- Tết Âm lịch: 5 ngày.
- Ngày chiến thắng 30/4: 1 ngày.
- Ngày Quốc tế lao động 1/5: 1 ngày.
- Ngày Quốc khánh 2/9: 1 ngày.
- Ngày giỗ tổ 10/3 âm lịch: 1 ngày.
Tổng cộng là 10 ngày. Như vậy tổng số ngày nghỉ trong năm lên tới 114 ngày.
Tuy nhiên, do các dịp này trùng vào ngày nghỉ hoặc sát ngày nghỉ nên kì nghỉ lễ thường sẽ kéo dài nhiều ngày hơn.
Cụ thể, tổng số ngày nghỉ lễ, Tết trong năm 2016 (22 ngày).
- Tết Dương lịch nghỉ 3 ngày.
- Tết Âm lịch nghỉ 9 ngày.
- Giỗ Tổ Hùng Vương nghỉ 3 ngày.
- Dịp 30/4 và 1/5 nghỉ 4 ngày.
- Quốc khánh 2/9 nghỉ 3 ngày.
Từ năm 2010, Thủ tướng đã đồng ý về việc hoán đổi ngày nghỉ hàng tuần vào một số dịp nghỉ lễ, Tết khi có tình huống nghỉ ngắt quãng. Việc hoán đổi tạo điều kiện cho người lao động có thời gian nghỉ lễ, Tết liên tục mà không bị gián đoạn.
* Nghỉ phép
Người lao động thông thường sẽ có 1001 lý do xin nghỉ việc như ốm đau, bệnh tật, đám cưới, sinh nhật, đám ma... Những dịp này thường sẽ được trừ vào kì nghỉ phép.
Theo Bộ Luật lao động, quy định mỗi một năm, người lao động được phép nghỉ từ 12-16 ngày, hưởng lương đầy đủ, tùy từng trường hợp cụ thể.
Vậy là nếu chọn nghỉ phép theo đúng quy định, mỗi người lao động năm nay sẽ được nghỉ 126-130 ngày. Số ngày làm việc còn 238 - 242 ngày.
Như vậy, tức là bình quân cứ đi làm 2 ngày, chúng ta sẽ có 1 ngày nghỉ.
Chưa kể, sau mỗi kỳ nghỉ dài, các cơ quan, công sở lại mất kha khá thời gian để tái khởi động lại năng suất công việc của toàn hệ thống.
Đây có thể là một trong những lý giải vì sao năng suất lao động Việt Nam luôn thấp so với các nước trong khu vực.
Chia sẻ trên báo Đất Việt, PGS.TS Nguyễn Hữu Tri, Viện phó phụ trách Viện Xã hội học và Khoa học quản lý, Học viện hành chính Quốc gia cho rằng, người Việt Nam nghỉ nhiều quá và điều này ảnh hưởng lớn đến sản xuất của các doanh nghiệp.
Cộng với đó là tốc độ làm việc của người Việt Nam quá chậm, không thể có năng suất lao động cao bởi khi tính năng suất lao động người ta tính bình quân trên một đầu người lao động trong cả năm, dẫu năng suất lao động mỗi ngày của người lao động có cao nhưng nghỉ nhiều thành ra năng suất cả năm thấp.
Thực tế, theo số liệu của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), năng suất lao động (NSLĐ) của Việt Nam năm 2013 được xếp vào nhóm thấp nhất của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thấp hơn Singapore 15 lần, Nhật Bản 11 lần, Hàn Quốc 10 lần, Malaysia 5 lần, và Thái Lan 2,5 lần.
Việt Nam là một trong ba nước có năng suất lao động thấp nhất ASEAN, chỉ cao hơn Myanmar và Campuchia.
Theo tính toán, nếu duy trì NSLĐ như hiện nay thì 50 năm nữa Việt Nam mới bằng Thái Lan; nếu tăng gấp đôi NSLĐ thì con số này hạ xuống từ 50 năm còn 13-14 năm.
"Tôi nhớ trước đây, Tết Âm lịch chỉ được nghỉ 2,5-3 ngày, còn bây giờ nghỉ quá nhiều, tới 8-9 ngày, làm người lao động trở nên trì trệ, lười biếng. Có những người quê xa, sau kỳ nghỉ Tết họ nghỉ việc luôn hoặc lên muộn, ảnh hưởng trực tiếp tới doanh nghiệp. Đây là điều cần thay đổi, nhất là khi nền kinh tế đã hội nhập", PGS.TS Nguyễn Hữu Tri nhấn mạnh.