(Dân trí) - Trong mấy năm nay, báo cáo về tình hình kinh tế-xã hội hàng tháng của Tổng cục Thống kê luôn có một phần khá kỹ về tình hình tình hình hoạt động doanh nghiệp (DN). Luôn có số liệu rất rõ: bao nhiêu DN thành lập mới trong tháng, bao nhiêu DN phá sản, ngừng hoạt động.
Trong mấy năm từ 2011 đến nay, số DN giải thể, phá sản đã tăng rất nhanh. Nhưng trong mọi cuộc họp báo, hội thảo, khi giải thích về điều này, lãnh đạo Tổng cục Thống kê, thậm chí cả lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư luôn cho rằng "đây là điều bình thường", với lập luận: có DN thành lập mới thì cũng có DN phá sản. Đôi khi, luận điểm này cũng được chứng minh bằng vài con số DN phá sản ở: Úc, Pháp, Mỹ, Indonesia... và quả thực, rất nhiều người đã thấy đó là "bình thường".
Nhưng đến quý I năm nay, nếu ai đó còn nói số lượng DN nội địa giải thể, phá sản, ngừng hoạt động là "bình thường" chắc có phần... ngượng mồm. Theo con số cũng của Tổng cục Thống kê, riêng quý này, số lượng DN giải thể, ngừng hoạt động đã lên tới con số 20.000 tăng 23,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, số DN mới thành lập cũng chỉ đạt 23.767 DN.
Bình luận về điều này, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho rằng: "Ai đó nói điều này là bình thường thì đó là cách nói an ủi nhau, là vô trách nhiệm. Con số đó không bình thường chút nào".
Ông Nguyễn Đình Cung có lẽ là chuyên gia kinh tế đầu tiên nói ra điều này một cách mạnh mẽ. Nhưng điều ông cho là "rất bất thường" thực ra cũng rất khớp với nhiều thống kê, số liệu khảo sát, nghiên cứu của nhiều cơ quan nghiên cứu về kinh tế, các hiệp hội doanh nghiệp...
Các báo cáo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trong 3 năm liên tiếp trở lại đây đều đưa ra nhận định cơ bản: DN Việt Nam "không chịu lớn" với đầy đủ số liệu cho thấy, số DN có qui mô vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ, nhỏ li ti tăng lên nhanh và số DN có qui mô lớn ít đi. Hoặc DN đã lớn nhưng kinh doanh khó khăn, thu hẹp lại qui mô hoạt động.
Kết quả các cuộc khảo sát, đánh giá kinh tế VN, hoạt động của DN Việt Nam từ các tổ chức quốc tế cũng cho những kết quả tương tự. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), hiện nay, ở Việt Nam, tỷ lệ thuế và phí chiếm tới 40,8% lợi nhuận của DN.
Trong khoảng 2 năm nay, khi tình hình cân đối ngân sách nhà nước ngày càng trở lên căng thẳng thì thuế, phí nội địa ngày càng tăng lên: lãi suất ngân hàng tăng, các chi phí về tiền lương lao động, bảo hiểm, công đoàn... đều tăng lên. Thuế môi trường tăng, thuế môn bài vừa được đề xuất tăng gấp 3 lần; các chi phí vận tải, phí đường cao tốc đều tăng rất mạnh. Mà nhìn tổng thể, hầu như không thấy có khoản nào giảm để gọi là khoan sức dân, tạo thuận lợi cho DN.
Thậm chí, tình trạng tham nhũng, nhũng nhiễu gây khó khăn cho DN ở nhiều ngành cũng được đánh giá là không giảm. Các khảo sát của CIEM về thực hiện các Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh (năm 2014 và 2015) đều cho thấy, "chi phí bôi trơn" của DN tăng lên. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan mới đây, dẫn số liệu của WB: DN Việt cứ làm ra một đồng lợi nhuận thì mất 0,72 đồng thậm chí 1,02 đồng để "bôi trơn" và kết luận: "Như vậy, DN làm sao mà lớn được ?".
Người ta hay nói, trong chiến tranh, những người lính là hình ảnh trung tâm của đất nước. Trong thời bình, chính các DN mới giữ vai trò chủ đạo để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đóng góp lớn nhất cho phát triển kinh tế. Nhưng với vô vàn khó khăn như hiện nay, khi thuế, phí không ngừng tăng, điều kiện kinh doanh ngày càng siết chặt, giấy phép "con" giấy phép "cháu"... vẫn không ngừng được ban hành dưới dạng này, dạng khác thì số DN phá sản, ngừng hoạt động, với lẽ đó, quả là điều bình thường.
Nhưng chính vì điều "bình thường" đó, mà cũng khối vị chuyên gia kinh tế thừa nhận thực tế này: Việt Nam là "đất nước không chịu phát triển", khi vốn FDI, vốn ODA, tiền đầu tư từ ngân sách nhà nước... bao nhiêu năm qua đổ vào rất lớn nhưng trình độ phát triển, vị trí trên bảng xếp hạng cạnh tranh toàn cầu hầu như không tăng, có năm còn giảm mấy bậc. Thậm chí, vừa qua, tại Diễn đàn Thương hiệu Quốc gia, có tổ chức còn công bố: Thương hiệu quốc gia Việt Nam giờ chỉ còn trên... Campuchia.