Thứ Ba, 12 tháng 4, 2016

44% người dân làm chứng nhận quyền sử dụng đất phải đưa hối lộ

M.H

LĐO - Trong năm 2015, người dân thấy sự công khai minh bạch, kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, sự tham gia của người dân với việc đóng góp ý kiến và hoạch định chính sách đều trở nên tồi tệ hơn so với năm trước đó. Chỉ 37% cho rằng chính quyền cấp tỉnh thực sự mạnh tay với tham nhũng ở địa phương. 

Phát hiện nghiên cứu từ khảo sát Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2015 chính thức được công bố sáng nay 12.4 cho thấy xu hướng suy giảm hiệu quả quản trị và hành chính công ở năm trong sáu chỉ số nội dung Chỉ số PAPI đo lường. Gần 14.000 người dân được chọn ngẫu nhiên và phỏng vấn trực tiếp trong cuộc khảo sát này. 

Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) thể hiện đánh giá của người dân thông qua trải nghiệm và cảm nhận của họ về hiệu quả quản trị, hành chính công và cung ứng dịch vụ công của bộ máy công quyền các cấp. 

Trong số sáu chỉ số nội dung, chỉ số nội dung ‘Công khai, minh bạch’ giảm mạnh nhất - đến 7% điểm so với kết quả năm 2014. Kết quả khảo sát ở nội dung này cho thấy tỉ lệ người dân được biết đến danh sách hộ nghèo giảm đáng kể và trong số ít những người biết đến danh sách hộ nghèo, chỉ có một số nhỏ tin tưởng vào độ xác thực của danh sách này. Chẳng hạn, có tới 46% số người được hỏi trên toàn quốc cho rằng có những hộ trên thực tế rất nghèo nhưng không được đưa vào danh sách hộ nghèo. Năm 2015, mức độ công khai, minh bạch về kế hoạch sử dụng đất và khung giá đất ở địa phương tiếp tục giảm sút; người dân ít có cơ hội đóng góp ý kiến cho quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở địa phương hơn trước. 

Chỉ số nội dung ‘Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công’ cũng chứng kiến sự sụt giảm đến 3% điểm so với kết quả khảo sát năm 2014. 

Người dân bày tỏ quan ngại đối với tham nhũng trong khu vực công và trong cung ứng dịch vụ công. Những người được hỏi trên phạm vi toàn quốc cũng cho rằng tình trạng vị thân và tham nhũng trong chính quyền địa phương hiện còn rất phổ biến. Bên cạnh đó, người dân không tin tưởng nhiều vào quyết tâm chống tham nhũng của chính quyền địa phương. Trên toàn quốc, chỉ có 37% số người được hỏi cho rằng chính quyền cấp tỉnh đã thực sự nghiêm túc xử lý vụ việc tham nhũng xảy ra ở địa phương.

So với kết quả khảo sát năm 2014, có sự gia tăng đột biến ở tỉ lệ người dân cho biết phải chi ‘lót tay’ để làm xong giấy chứng nhận quyền sử dụng (CNQSD) đất. Ước tính có khoảng 44% số người đã làm thủ tục liên quan đến giấy CNQSD đất trong năm 2015 phải đưa hối lộ mới làm xong được thủ tục, tăng gần gấp đôi so với tỉ lệ ước tính 24% năm 2014. 

Hai chỉ số nội dung ‘Tham gia của người dân ở cấp cơ sở’ và ‘Trách nhiệm giải trình với người dân’ cũng giảm điểm. Tính cạnh tranh thấp trong bầu cử trưởng thôn/ tổ trưởng tổ dân phố là một trong chỉ tiêu sụt giảm mạnh, bởi ở nhiều nơi chỉ có một ứng cử viên do chính quyền gợi ý bầu để người dân biểu quyết chọn. Trong nội dung trách nhiệm giải trình, mối quan hệ tương tác giữa cán bộ chính quyền cơ sở và người dân còn rất hạn chế trong 5 năm qua. Mặc dù trong 2015 tỉ lệ người dân đến gặp và yêu cầu trưởng thôn/ tổ trưởng tổ dân phố (20%) hoặc cán bộ xã/phường (14%) để yêu cầu xử lý khúc mắc có tăng nhẹ, hiệu quả của các cuộc tiếp xúc này được đánh giá thấp hơn so với những năm trước. 

Chỉ số ‘Thủ tục hành chính công’ cũng giảm nhẹ trong năm 2015. Trong bốn dịch vụ hành chính công PAPI đo lường, chất lượng dịch vụ hành chính về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất luôn ở mức thấp nhất kể từ năm 2011 đến nay. Hơn 22% số người đã làm thủ tục quyền sử dụng đất cho biết họ phải chờ hơn 100 ngày mới nhận được kết quả, trong khi theo quy định của pháp luật chỉ là 30 ngày.

Chỉ có chỉ số nội dung ‘Cung ứng dịch vụ công’ cho thấy có sự cải thiện dù không đáng kể trong hiệu quả cung ứng dịch vụ công tới người dân. Tuy vậy, người dân vẫn quan ngại về chất lượng dịch vụ ở bệnh viện tuyến huyện/quận và cũng không mấy hài lòng với chất lượng dịch vụ giáo dục tiểu học công lập. 

Điểm số tổng hợp PAPI của cả sáu nội dung cho thấy 7 tỉnh, thành phố cải thiện nhiều sau 5 năm, trong khi đó cũng có tới 13 tỉnh, thành phố giảm điểm mạnh. Nam Định, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Đà Nẵng và Long An luôn có tên trong nhóm tỉnh, thành phố đạt điểm cao nhất trong suốt 5 năm. 

Nhìn chung, trong  5 năm qua, các tỉnh, thành phố đạt điểm cao thường tập trung ở các vùng Đông Bắc, miền Trung và Đông Nam Bộ. Những tỉnh, thành phố đạt điếp thấp thường tập trung ở Nam Trung Bộ và Tây Nguyên 

Phát biểu tại hội nghị công bố, Bà Pratibha Mehta, Điều phối viên Liên Hợp quốc tại Việt Nam, nói: “Trước thềm cuộc bầu cử Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp trên toàn quốc sẽ được tổ chức vào tháng tới, Báo cáo PAPI năm 2015 được công bố hôm nay cung cấp một nguồn dữ liệu, thông tin như một tấm gương phản chiếu để bộ máy chính quyền các cấp nhiệm kỳ mới nhìn lại hiệu quả cải cách quản trị và hành chính công của đất nước trong 5 năm qua, đồng thời làm cơ sở so sánh tiến bộ trong thời gian tới.”.