Phỏng vấn Luật sư Nguyễn Hoàng Duyên
WESTMINSTER (NV) - 'Trường hợp cảnh sát chìm giả dạng để bắt chuyện với Minh Béo và rồi sau đó bắt anh ta không được xem là chuyện “gài bẫy.” Luật sư Nguyễn Hoàng Duyên, một luật sư hành nghề lâu năm tại San Jose, miền Bắc California, nói với báo Người Việt như thế về vụ diễn viên hài Minh Béo, tên thật là Hồng Quang Minh, bị bắt ở Orange County về các tội liên quan đến tính dục trẻ em với số tiền tại ngoại hậu tra lên đến $1 triệu.
Cũng trong cuộc phỏng vấn này, Luật sư Nguyễn Hoàng Duyên giải thích nhiều thắc mắc liên quan đến mức tiền thế chân (bail), về chuyện bị cáo có trốn thoát không khi được tại ngoại hậu tra, đặc biệt là việc liệu Minh Béo có bị “gài bẫy” hay không.
California cho phép cảnh sát được thu âm lén hay giả dạng để điều tra
Ngọc Lan (NV): Xin chào Luật Sư Nguyễn Hoàng Duyên. Có nhiều người thắc mắc về chi tiết được nêu ra trong thông cáo báo chí của Văn Phòng Biện Lý Orange County liên quan đến việc cảnh sát chìm Garden Grove giả dạng một trẻ dưới 14 tuổi để bắt chuyện với Minh Béo và rồi sau đó anh bị bắt. Điều này có được xem là hợp pháp, là đúng luật không, có bị xem là “gài bẫy” không, thưa luật sư?
Luật Sư Nguyễn Hoàng Duyên: Luật tiểu bang California cho phép cảnh sát được thu âm lén hay giả dạng để điều tra.
Nếu tôi và một người bạn, là hai người thường, nói chuyện với nhau, và tôi thu lén cuộc nói chuyện đó mà người bạn không hề biết, sau đó tôi dùng nội dung cuộc nói chuyện được thu lén đó vào mục đích gì đó thì tôi sẽ phạm một tội nặng, tức tội “felony.” Nhưng nếu tôi là cảnh sát ở California thì chuyện thu lén đó là được phép. Mỗi tiểu bang có luật hình sự riêng. California cho phép cảnh sát làm chuyện đó.
Gài bẫy là khi một người hoàn toàn vô tội nhưng mình dụ họ đi vào con đường phạm tội thì đó mới là gài bẫy, là “entrapment.” Ví dụ một đứa học trò đi học không nghĩ đến chuyện mua bán ma túy, nhưng mình đến dụ nó “cầm dùm gói này đi qua đường,” rồi mình bắt nó với tội mua bán ma túy thì đó gọi là gài bẫy. Điều này không được phép.
Trường hợp cảnh sát chìm giả dạng để bắt chuyện với Minh Béo và rồi sau đó anh bị bắt không được xem là chuyện “gài bẫy.” Vì cảnh sát có lý do để tin là người này làm điều phạm pháp thì họ “sắp đặt” một cuộc nói chuyện để chứng minh người này có tội là điều được cho phép.
Những việc mà cảnh sát nói chuyện, tạo dựng nên những cuộc nói chuyện để lấy thêm thông tin từ một vụ phạm tội thì điều đó hoàn toàn được phép.
Tiền tại ngoại hậu tra nhiều hay ít tùy mức độ phạm tội
(NV): Xin ông cho biết ý nghĩa của việc đóng tiền tại ngoại hậu tra là như thế nào? Và vì sao mức tiền này được ấn định cao như vậy?
Luật Sư Nguyễn Hoàng Duyên: Mục đích của tiền thế chân hay còn gọi là tiền tại ngoại hậu tra, là tòa muốn bảo đảm là bị cáo không trốn tòa. Tội nhẹ thì tiền thế chân nhẹ, tội nặng thì tiền thế chân nặng, và có những tội không cho đóng tiền thế chân. Theo cáo trạng thì tội của anh Minh Béo này tương đối nghiêm trọng nên tiền thế chân lên tới $1 triệu.
NV: Cách thức đóng tiền tại ngoại hậu tra như thế nào? Và số tiền này được sử dụng ra sao, thưa luật sư?
Luật Sư Nguyễn Hoàng Duyên: Giả sử tiền thế chân là $1 triệu, nếu bị cáo là người giàu có, đem $1 triệu vô đóng, thì bị cáo sẽ được cho về nhà, chờ ngày xét xử. Sau khi tòa xử xong, số tiền $1 triệu đó sẽ được trả lại nguyên vẹn cho bị cáo, cho dù người đó bị tù hay được tha.
Trong trường hợp bị cáo không có đủ tiền mặt để ký tấm chi phiếu $1 triệu, thì có những công ty gọi là “bail bond” đứng ra giúp. Đây là những dịch vụ ứng tiền đóng cho bị cáo và lấy tiền lệ phí dịch vụ. Thường họ tính 10%, cũng có nơi lấy 8% dựa trên số tiền thế chân. Như vậy, nếu Minh Béo sử dụng những dịch vụ này, thì anh sẽ đưa cho công ty “bail bond” khoảng $100,000, và công ty đó sẽ đóng tiền thế chân $1 triệu cho anh ra. Sau khi vụ này xử xong, thì anh không lấy lại được số tiền $100,000 đó, vì đã trả cho lệ phí dịch vụ.
Tuy nhiên, khi tiền tại ngoại hậu tra ít, chừng vài chục ngàn, thì người nhà bị cáo đóng 10% tiền thế chân, công ty “bail bond” sẽ lo phần còn lại. Nhưng khi số tiền lên tới mức $1 triệu như vậy, thì cho dù Minh Béo có muốn sử dụng dịch vụ “bail bond,” sẵn sàng trả $100,000 lệ phí, thì các công ty chuyên về vụ này cũng phải tính toán, cân nhắc xem là liệu bị cáo có nhà cửa, tài sản thế chấp tương đương số tiền đó không. Vì lỡ như khi được thả ra mà bị cáo trốn mất, tòa không trả lại $1 triệu thì công ty “bail bond” coi như mất trắng.
Có thể hình dung dịch vụ “bail bond” như một dịch vụ cho vay vậy.
NV: Giữa chuyện không có tiền đóng để tại ngoại hậu tra và chuyện có tiền thế chân thì vấn đề xét xử có gì khác nhau không?
Luật Sư Nguyễn Hoàng Duyên: Không có gì khác nhau hết. Tiền thế chân chỉ là tiền tại ngoại chờ xử thôi chứ nó không làm thay đổi kết quả bản án. Tức là có những người trong thời gian chờ xử, họ cũng muốn có một đời sống thoải mái bên ngoài, thì họ đóng tiền thế chân để được ở bên ngoài trong lúc chờ xử án. Còn sau khi xử xong, tòa tuyên án 5 năm hay 7 năm tùy theo mức nghiêm trọng của tội trạng, thì người đó phải vô ở trong tù, chứ không phải nhờ đóng tiền tại ngoại mà bản án sẽ nhẹ đi.
NV: Khi số tiền tại ngoại hậu tra được ấn định thì luật sư của bị cáo có quyền xin giảm bớt không?
Luật Sư Nguyễn Hoàng Duyên: Chuyện đó là điều luật sư của bất kỳ bị cáo nào cũng có thể làm. Luật sư sẽ làm một bản kiến nghị (motion) xin tòa xét tiền thế chân giảm đi. Tòa sẽ xét cho tiền bớt đi hay giữ nguyên là dựa vào mức độ nghiêm trọng của tội phạm và xác suất mà bị cáo có thể trốn. Dựa trên tội mà Minh Béo bị truy tố, cộng thêm yếu tố Minh Béo là người từ nước ngoài đến, thì theo kinh nghiệm tôi có được, việc xin giảm tiền thế chân trong trường hợp này nhiều phần không được chấp thuận.
Bị cáo có bị dẫn độ, nếu trốn về Việt Nam
NV: Thưa luật sư, khi bị cáo được tại ngoại hậu tra ra, thì toà án, cảnh sát bằng cách nào để không để cho bị cáo trốn chạy?
Luật Sư Nguyễn Hoàng Duyên: Với tội nhẹ thì khác, nhưng với tội nghiêm trọng như vậy thì thường sổ thông hành người ta giữ chứ không trả lại, nên bị cáo không thể lên máy bay về nước được, người này sẽ không đi ra khỏi Mỹ một cách hợp pháp được. Trong trường hợp này, quan tòa thụ lý hồ sơ sẽ ra lệnh giữ tất cả các phương tiện mà có thể giúp người này trốn công lý. Ngay cả khi được tại ngoại, nếu Minh Béo có luật sư, thì tòa sẽ yêu cầu luật sư của anh giao nộp giấy tờ, sổ thông hành trước khi thả anh ra.
Bên cạnh đó, với những người bị cáo buộc nghiêm trọng và với xác suất họ có thể trốn quá cao, thì tên tuổi họ thường đã bị nằm trong tất cả hệ thống điện toán rồi nên mỗi khi họ bị kiểm tra giấy tờ qua các nơi thì nó đều hiện lên hết nên cũng khó trốn.
NV: Giả sử trong trường hợp nào đó được tại ngoại hậu tra mà bị Minh Béo trốn được về Việt Nam thì chuyện dẫn độ sang Mỹ xử tội có xảy ra không, thưa luật sư?
Luật Sư Nguyễn Hoàng Duyên: Hiện tại giữa Việt Nam và Mỹ chưa có hiệp ước về chuyện dẫn độ (extradition). Cho nên bằng một lý do bí mật nào đó mà Minh Béo lọt được về Việt Nam, ví dụ như trong trường hợp Minh Béo được tại ngoại rồi, có một người quen biết nào đó liều mạng chở anh trốn qua Mexico hay Canada, từ đó dùng tên người khác để mua vé máy bay trốn về Việt Nam, thì chuyện Minh Béo có bị đưa ngược trở lại Mỹ để xử hay không thì là tùy từng trường hợp. Có trường hợp Việt Nam không muốn làm mích lòng Mỹ thì họ cho dẫn độ bị cáo sang Mỹ để cho Mỹ xử, nếu phía Mỹ yêu cầu. Còn nếu Việt Nam cố tình không dẫn độ bị cáo sang Mỹ, thì Mỹ cũng không có quyền ép buộc gì Việt Nam hết, bởi hai nước chưa có thỏa ước về vấn đề dẫn độ.
NV: Cám ơn Luật Sư Duyên đã dành cho độc giả Người Việt cuộc phỏng vấn này.