Đôi lúc chúng ta tò mò về Luật báo chí khi gặp chuyện phiền phức với một tờ báo nào đó. Một bác sĩ bị trích lời sai lệch, một ca sĩ bị báo bịa chuyện phỏng vấn trong khi chưa hề gặp phóng viên nào, một nhà nghiên cứu bị gán cho những phát biểu gây sốc trên báo… Có lẽ lúc đó mà có Luật báo chí ngay trước mắt để đọc xem luật quy định như thế nào thì hay quá. Ngoài ra, dường như chẳng ai quan tâm đến đạo luật này, trừ giới nhà báo! Nhưng có đúng vậy chăng?
Luật Báo chí và người dân
Có lẽ ít người biết Luật báo chí trao cho người dân những quyền rất lớn để bảo vệ họ trước sự lạm quyền, nếu có, của báo chí. Luật hiện hành (sửa đổi năm 1999) cho phép bất kỳ ai có căn cứ cho rằng báo đăng sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm đến mình thì hồi đáp và báo phải có nghĩa vụ đăng tải hồi đáp đó. Luật sửa đổi (Quốc hội sắp bàn để thông qua) còn tiến thêm một bước nữa khi khẳng định dù báo không đồng tình với phản hồi đó thì cũng vẫn phải đăng rồi mới được tiếp tục thông tin làm rõ quan điểm của báo.
Thực tế nhiều người bị báo nói sai cũng im lặng cho qua vì không muốn dây dưa với báo chí. Trừ một số ít trường hợp đem nhau ra tòa, nhiều người dùng biện pháp nhờ cơ quan quản lý báo chí can thiệp, nhất là giới có quan hệ tốt như chính quyền địa phương, doanh nghiệp nhà nước hay có đầy đủ phương tiện để vận động can thiệp.
Chính điều này đã làm méo mó quan hệ giữa người dân và báo chí, phá hỏng một quá trình xây dựng trách nhiệm giải trình của báo chí trước công luận để khỏi rơi vào bế tắc “ai giám sát người đi giám sát”.
Vì vậy, điều nhiều người mong muốn ở Luật báo chí sửa đổi lần này là một sự chế tài, kể cả quy định chi tiết cách kiện ra tòa, để báo chí phải tuân thủ tính chuyên nghiệp, tính nghiêm túc trong đưa tin có ảnh hưởng đến người khác.
Sự chế tài đó hiện thiếu vắng ở dự thảo đang lưu hành vì, ví dụ trong trường hợp nói trên, luật quy định sau ba lần đăng phản hồi qua lại giữa tổ chức, cá nhân và cơ quan báo chí mà không đạt được sự nhất trí thì… thôi, báo có quyền im lặng! Hoặc nghĩa vụ đăng tải phản hồi lại bị vô hiệu hóa bởi một điều luật khác: “Cơ quan báo chí có quyền không đăng, phát ý kiến phản hồi của tổ chức, cá nhân nếu ý kiến đó vi phạm pháp luật, xúc phạm đến uy tín, danh dự của cơ quan báo chí, của tác giả”.
Nói đi thì cũng phải nói lại, cũng may là người dân ít để ý đến Luật báo chí và văn bản dưới luật có liên quan. Hình như ít ai biết có một quy chế, đặt ra quy định “nếu người được phỏng vấn yêu cầu xem lại nội dung trước khi đăng, phát, cơ quan báo chí và người phỏng vấn không được từ chối yêu cầu đó”. Nếu ai cũng biết và đòi hỏi thực hiện yêu cầu này thì xem như báo chí bó tay, không còn những bài phỏng vấn góc cạnh, bất ngờ và độc đáo nữa. Và cũng may, yêu cầu này không có trong dự thảo Luật báo chí sửa đổi.
Như thế, mong muốn của người làm luật để Luật báo chí thể hiện quyền tự do báo chí của công dân, một điểm mới so với luật hiện hành, đã được hiểu một cách rất giản lược. Chẳng hạn đó chỉ là quy định công dân được quyền cung cấp thông tin cho báo chí, được phát biểu trên báo chí, góp ý, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí…
Vì quy định này mà sau đó có những điều luật chắc chắn không khả thi trong thực tế như bắt báo chí phải tiếp nhận và đăng các tin, bài, ảnh của công dân gửi tới, nếu không đăng thì phải có trách nhiệm trả lời. Thực tế không hề đơn giản như thế và tự do báo chí của công dân không chỉ là chuyện viết và đòi báo phải đăng.
Trong khi đó, một biểu hiện của quyền tự do báo chí của công dân là sự tự do biểu đạt suy nghĩ của họ dưới bất kỳ hình thức và phương tiện nào lại không được luật đề cập.
Với sự phức tạp và nhạy cảm của đề tài báo chí như một lãnh đạo trong ngành phát biểu, ít nhất cũng nên nhìn mối quan hệ giữa báo chí và công dân như nói ở phần đầu - tạo ra một hành lang pháp lý mạnh, có chế tài đầy đủ để công dân có mối quan hệ bình đẳng, hai bên cùng tôn trọng nhau, hợp tác với nhau vì sự lành mạnh của xã hội.
Luật Báo chí và nhà báo
Giả định chẳng ai quan tâm đến Luật báo chí, trừ giới nhà báo, hóa ra lại trật lất. Một cuộc thăm dò bỏ túi cho thấy trong mười nhà báo được hỏi, chỉ có hai người đã đọc dự thảo Luật báo chí sửa đổi. Dù số người đã đọc Luật báo chí hiện hành có cao hơn - đến sáu người - nhưng chỉ một người cho biết có tham khảo lại luật khi hành nghề bởi đa số nói luật không liên quan gì đến công việc làm báo của họ cả.
Nhà báo mà lại ít quan tâm đến Luật báo chí có lẽ vì ngoài phần quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận của công dân như đã nói thì đây là “luật quản lý báo chí” đúng hơn là “Luật báo chí”. Đúng là các phần liên quan đến quản lý nhà nước như cấp giấy phép, cấp thẻ nhà báo, cách tổ chức cơ quan báo chí… chiếm phần lớn nội dung của dự thảo.
Mà lạ một điều, dự thảo Luật báo chí sửa đổi có những điều khoản sẽ tác động rất lớn đến cách tổ chức cơ quan báo chí như người đứng đầu nay sẽ là tổng giám đốc, giám đốc chứ không phải là tổng biên tập nữa và mỗi cơ quan báo chí sẽ có nhiều tổng biên tập chịu trách nhiệm cho các ấn phẩm khác nhau. Các quy định này cần được thảo luận rộng rãi và sâu sắc để có cách tiếp cận phù hợp và công bằng.
Đó là bởi những điều thực chất hơn, thiết thân hơn trong hoạt động nghề nghiệp không được luật nhắc đến hay nhắc đến một cách sơ sài. Chẳng hạn, hiện nay giới báo chí rất phiền bực chuyện hàng ngàn trang “thông tin điện tử tổng hợp” cứ sao chép nguyên xi các bài viết trên báo đem về làm như của họ. Cứ nghĩ mà xem, một trang tổng hợp như thế, chép từ hàng chục tờ báo chắc chắn sẽ hấp dẫn hơn bản thân từng tờ báo riêng lẻ.
Vậy là báo chí chỉ biết ngồi nhìn người khác cướp tài sản trên tay về để kinh doanh mà không làm sao ngăn được. Thế nhưng Luật báo chí sửa đổi có giải quyết được việc này không? Không hề. Thậm chí còn khuyến khích các trang thông tin điện tử tổng hợp “trích dẫn nguyên văn, chính xác nguồn tin báo chí”!
Ở đây xin bàn thêm một điểm. Luật báo chí nguyên thủy năm 1989 nói nhiệm vụ của báo chí là “thông tin trung thực về mọi mặt của tình hình đất nước và thế giới”. Đến khi sửa luật vào năm 1999, điều này được sửa thành “thông tin trung thực về tình hình trong nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của nhân dân” và đến dự thảo lần này cũng gần như giữ nguyên so với năm 1999 (“thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của nhân dân”).
Với nội dung này, một ông chủ tịch tỉnh hoàn toàn có thể ra lệnh cho báo tỉnh và các văn phòng đại diện báo khác ở tỉnh này không được đăng chuyện ông ra công văn yêu cầu công chức trong tỉnh phải uống bia sản xuất tại tỉnh này. Bởi đăng như thế là có hại đến lợi ích của tỉnh cũng như dân trong tỉnh!
Đã từng có những yêu cầu không đưa chuyện nông dân bị ép giá mua lúa vì sợ nhà nhập khẩu nước ngoài biết, ép thêm; hay chuyện không đưa tin có nơi có lúc bỏ tạp chất vào nông sản xuất khẩu - tất cả đều dưới lý do không phù hợp với lợi ích của đất nước và của nhân dân. Trong cái nhìn dài hạn, đấu tranh để dứt khoát loại bỏ các tật xấu này đòi hỏi báo chí phải lên tiếng một cách đều đặn, bền bỉ và kịp thời để cái xấu không lan ra.
Trong cuộc sống có hàng ngàn ví dụ như thế mà nhà báo phải đương đầu, cân nhắc hằng ngày. Luật cần giúp cho quá trình này diễn ra bình thường và lành mạnh, khoa học, để luật thật sự đi vào cuộc sống.