Khám Phá - Vầng hào quang lấp lánh Trần Lập nhận được không phải từ những danh hiệu, mà từ chính những người mến mộ anh dành tặng.
Ngày mai, 23/3/2016, sẽ có rất nhiều người hâm mộ âm nhạc và các nghệ sĩ đến Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng để tiễn đưa Trần Lập, một người sáng tác và biểu diễn nhạc rock hàng đầu ở Việt Nam, về nơi an nghỉ.
Rất nhiều người trong số các nghệ sĩ quen biết với Lập có mặt ở đấy luôn được xướng tên kèm theo danh hiệu "Nghệ sĩ nhân dân" hay "Nghệ sĩ ưu tú". Tôi nghĩ nhiều người trong số những nghệ sĩ đang mang những danh hiệu ấy, có lẽ cũng sẽ mong muốn có được ánh hào quang và vị trí đối với những người hâm mộ, vị trí trong làng giải trí nước nhà như Trần Lập đã từng tạo ra. Chỉ có người nghệ sĩ đã yên nghỉ kia là không có danh xưng ấy.
Gần sáu năm trước, ca sĩ Y Moan đã nhận danh hiệu "Nghệ sĩ nhân dân" trước khi anh ra đi, mọi thủ tục công nhận danh hiệu được làm nhanh chóng để anh kịp nhận danh hiệu ấy vài tháng trước khi anh qua đời.
Không ai có thể phủ nhận hay nghi ngờ những đóng góp lớn lao của Trần Lập với âm nhạc ở Việt Nam, những ca khúc do anh sáng tác, biểu diễn, do các bạn bè anh trong ban nhạc Bức Tường trình diễn,... đã được hàng triệu bạn trẻ nhiều thế hệ yêu thích, họ được khích lệ bởi những ca khúc của Lập.
Nếu có gì đó khác nhau giữa sự đóng góp của Trần Lập và Bức Tường với những bạn bè, đồng nghiệp khác đã và sẽ nhận những danh hiệu lấp lánh kia, thì đó là Trần Lập và các bạn đã đóng góp bằng chính những nỗ lực cá nhân, không cần đến những đồng tiền được cung cấp từ ngân sách, họ không nằm trong số những nghệ sĩ được hưởng lương từ các nhà hát, từ các tổ chức biểu diễn nghệ thuật được ngân sách chu cấp. Cũng chỉ những nơi ấy mới có các Hội đồng nghệ thuật cấp cơ sở để xem xét đơn của một nghệ sĩ.
Thủ tục để phong tặng một nghệ sĩ những danh hiệu vinh dự nhà nước kia, bấy nay, vốn chỉ để dành cho những người "trong biên chế" hoặc gắn bó với những nơi như “Nhà hát, Đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp thuộc các Bộ, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Viện, trường đào tạo nghệ thuật, hãng phim thuộc các Bộ, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có chức năng nghiên cứu, đào tạo, sáng tạo nghệ thuật; Cục Điện ảnh, Cục Nghệ thuật biểu diễn thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Đơn vị quản lý hoạt động nghệ thuật thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Đài Phát thanh, Đài Truyền hình, Đài Phát thanh - Truyền hình cấp tỉnh” (điều 11, Nghị định 89/2014/NĐ-CP). Thủ tục cũng bao gồm cả việc họ phải làm đơn xin, phải có cơ quan xác nhận,...
Những nghệ sĩ có đóng góp lớn lao như Trần Lập, như các bạn bè anh, như nhiều nghệ sĩ "tự do" khác, không có thủ tục dành cho họ.
Nhưng nói cho cùng, nếu không thể phong tặng danh hiệu "Nghệ sĩ ưu tú" hay "Nghệ sĩ nhân dân" ấy cho Trần Lập, hẳn là sự đáng tiếc cho danh hiệu, chứ không phải cho chính anh. Những gì Trần Lập đã đóng góp, những di sản anh ấy để lại, đã đủ để anh ấy thực sự đã là nghệ sĩ của nhân dân, dù anh không phải là "Nghệ sĩ ưu tú".
Và tôi nghĩ, điều này có vẻ như không phù hợp với chủ trương phát triển nghệ thuật đa dạng, trả lại nghệ thuật về với đời sống xã hội mà chúng ta đang thực hiện. Do vậy, tôi vẫn tin, các cơ quan liên quan có lý do để cân nhắc và thực hiện những quy trình đặc thù nào đó, để truy tặng danh hiệu xứng đáng trao cho Trần Lập và những nghệ sĩ tự do khác, là việc đáng suy nghĩ và nên làm.