TTO - Đây là một trong những nội dung được nhiều các nhà khoa học, các cựu bí thư TƯ Đoàn bàn luận tại Hội thảo khoa học “Phong trào hành động cách mạng của tuổi trẻ Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH và hội nhập quốc tế”, do TƯ Đoàn tổ chức sáng 24-3.
Thanh niên cũng đang tụt hậu
Trong bài tham luận của mình PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế TƯ đặt vấn đề: Chúng ta đang cùng thời đại với thế giới, nhưng Việt Nam và thanh niên Việt Nam có phát triển tương đồng với thế giới không?
“Chúng ta đang tụt hậu so với thế giới. Công nghiệp chỉ là lắp ráp, gia công. Nông nghiệp thì chưa phát triển. Có chuyên gia nói Việt Nam tụt hậu so với Singapore đến 160 năm, nhưng cũng có người nói khoảng cách của ta với họ là trên 200 năm. Vậy thanh niên chúng ta nghĩ gì, hành động gì?”, ông Thiên đâu câu hỏi.
Theo PGS-TS Trần Đình Thiên, chúng ta vừa ký hoàng loạt các hiệp định “đẳng cấp” với thế giới, những đối tác ta ký đều là đẳng cấp thế giới, và đó chính là cơ hội của ta, nhưng cũng là thách thức lớn đối với ta. Để cạnh tranh với thế giới, Việt Nam có 2 lực lượng chính là doanh nghiệp và thanh niên.
Thanh niên phải hiểu được cục diện này của thời đại để từ đó thấy được sứ mệnh của mình. Đoàn cần đổi mới các chương trình khởi nghiệp, đổi mới các phong trào thanh niên. “Đất nước muốn phát triển thì chỉ còn biết trông chờ vào thanh niên”-Viện trưởng Viện kinh tế TƯ nhấn mạnh.
GS.TS Phạm Hồng Tung, Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển (ĐHQG Hà Nội), cũng đồng tình với ý kiến PGS Thiên. Theo GS Tung, thanh niên phải thấy sự tụt hậu của đất nước là một nỗi nhục. Phải thấm được cái nhục tụt hậu của mình khi kinh tế thì phụ thuộc, văn hóa thì thấp, thanh niên thì kém ngoại ngữ, lười học, lười đọc…
“Thanh niên nghĩ gì, hành động gì khi kinh tế phụ thuộc vào bên ngoài, khi chúng ta mất chủ quyền trên chính quê hương mình. Ngay như vấn đề hạn, mặn và biến đổi khí hậu đã ghê gớm lắm rồi. Đập thuỷ điện ngày càng nhiều, nước ngọt ngày càng ít và nước ngọt ít thì nước mặn nhiều…Lúc này đòi hỏi phải có tư duy khác về công nghệ, và đất nước chả biết giao cho ai, chỉ có thanh niên mà thôi”, GS Tung nói.
Các cưụ bí thư TƯ Đoàn như bà Nguyễn Thị Hằng, ông Hà Quang Dự…cũng đồng tình với ý kiến GS Tung, PGS Thiên.
Theo ông Hà Quang Dự, “cần phải đánh giá tình thế, bối cảnh để thanh niên thấy được sứ mệnh của mình bây giờ là làm gì. Phải có khí thế mới, tinh thần mới để thanh niên bật dậy xứng đáng là thanh niên. Có thể phải khơi dậy không khí của đoàn, phải từ bỏ định kiến về đoàn, và không chỉ đoàn, các bộ, ban ngành cũng cần vào cuộc và ủng hộ thanh niên”.
Cần một phong trào mới
Phát biểu tại Hội thảo, PGS-TS Nguyễn Đắc Vinh, bí thư thứ nhất TƯ Đoàn, cho rằng sau 10 năm triển khai phong trào “5 xung kích, 4 đồng hành” thì cũng đến lúc phải bàn thảo thật kỹ phong trào tiếp theo của thanh niên là gì cho phù hợp với xu thế và đòi hỏi của đất nước.
Bí thư Vinh cũng đồng tình với các phát biểu rằng Việt Nam đang tụt hậu, thế giới đã biến đổi, phát triển nhanh chóng, khoa học công nghệ cũng phát triển như vũ bão nên vấn đề đặt ra hiện nay là phải có “tri thức”, có chìa khóa để phát triển. Thanh niên thì phải có phong trào.
Theo bí thư Nguyễn Đắc Vinh, dù tới đây (ĐH Đoàn toàn quốc lần thứ XI, năm 2017) có bàn phong trào gì thì phong trào đó cũng phải bắt nguồn từ cơ sở, bắt nguồn từ thanh niên. Phong trào đó phải thật thực tiễn và bền vững. Phải tránh việc “đánh trống bỏ dùi”, phong trào phải sôi nổi từ đầu đến cuối, phải bao phủ hết mọi đối tượng thanh niên…
GS-TS Đặng Cảnh Khanh, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu thanh niên, cho rằng mỗi thế hệ đều có vai trò của mình trong lịch sử, thế hệ đi trước đã hoàn thành thì cũng đừng nghĩ thế hệ trẻ bây giờ không làm được. Thanh niên có đủ sức lực, nghị lực, đừng nên quá lo lắng về thanh niên.
Theo GS Khanh, phong trào đoàn cần bắt nguồn từ chính thanh niên, vì nếu đoàn không tổ chức thì tự thanh niên cũng có phong trào, tạo ra chiều cộng cảm sẽ có trào lưu, như đua xe máy, KPop. Cần dành thời gian nghiên cứu đến nơi đến chốn, cần phải sự định hướng trên cơ sở chứ không nhận thức một cách chủ quan. Phong trào rất hay, rất hào hứng, sôi sục nhưng mà không hiệu quả thì tổn hại đến nguồn lực.
TS Trịnh Xuân Giới, nguyên Phó trưởng Ban Dân vận TƯ, phong trào ngày càng đầu tư nhiều hơn về trí tuệ, phong trào hành động cách mạng của thanh niên có giá trị bất biến, nó chức năng dẫn dắt thanh niên. Trong thời kỳ mới, phong trào của Đoàn vẫn cần phải chứa 2 loại hình: các hoạt động tình nguyện xã hội và các dự án về kinh tế.
Ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội thì cho rằng Đoàn cần có phong trào khởi nghiệp và phong trào nâng cao văn hóa giao thông, “làm sao để giao thông từ nông thôn đến thành thị có sự thay đổi chứ giờ ra đường mạnh ai nấy đi, giao thông quá lộn xộn”.
Theo bí thư thứ nhất TƯ Đoàn Nguyễn Đắc Vinh, Hội LHTN Việt Nam đang chỉ có một phong trào “tôi yêu Tổ quốc tôi”, và tới đây Đoàn thanh niên cũng chỉ cần một phong trào, có thể phong trào sẽ là “Thanh niên tình nguyện-Tuổi trẻ sáng tạo”.