Thứ Năm, 17 tháng 3, 2016

Thiếu nữ bị cưa chân, tội lỗi hồn nhiên của ngành y

Ngô Nguyệt Hữu

(Dân Việt) Tôi không tin chuyện các bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa huyện Cư Kuin (Đắk Lắk) cố tình tắc trách hay quan liêu để dẫn đến thảm cảnh mà Vi đang phải chịu đựng.

Đã không còn phép màu nào cho Lê Thị Hà Vi, cô nữ sinh rất xinh xắn vừa 15 tuổi ấy không may bị cưa chân bởi sai sót nghiêm trọng của các bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa huyện Cư Kuin (Đắk Lắk).


15 tuổi, Vi mất một chân. 15 tuổi, Vi chịu cú đánh tơi bời của số phận. 15 tuổi, Vi bị động ôm hết nỗi đau đời mình một cách lẻ loi.

Bởi bây giờ, vạn lời nói vạn hành động đều không thể giúp Vi lành lặn. Và nếu có sự sẻ chia cũng chỉ bằng vật chất và tinh thần thôi, còn lại Vi vẫn phải chống chọi một mình.

Ngày 6.3.2016, Vi bị tai nạn giao thông trên đường đi học thêm về nhà. Người đi đường đưa Vi vào Bệnh viện Đa khoa huyện Cư Kuin để chữa trị, Tại đây, bác sĩ Y Tâm bó bột chân phải của Vi. Trong quá trình bó bột, Vi than đau. Bác sĩ Y Tâm an ủi: “Phải mạnh tay mới ổn định để xương liền lại”.

Sau khi bó bột, Vi liên tục kêu đau buốt. Cha mẹ Vi cầu cứu bác sĩ Giám đốc Bệnh viện, bác sĩ Giám đốc lại tiếp tục an ủi: “Đã có nhiều trường hợp như vậy. Yên tâm, cứ về phòng dựng đứng chân lên rồi chờ mổ”.

Những cơn đau của Vi được người thân phản ánh liên tục đến các bác sĩ, Vi được tiêm thuốc giảm đau và kháng sinh.

4 ngày sau, chân phải của Vi sưng tấy, bọng nước. Người nhà xin chuyển viện, các bác sĩ không đồng ý. Đến ngày thứ 5, các bác sĩ chuẩn bị mổ. Thế nhưng, lúc này chân của Vi đã trở nặng lắm rồi không thể mổ được nữa. Không còn cách nào khác, lãnh đạo Bệnh viện Cư Kuin đồng ý cho Vi chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk. Tại đây, bác sĩ cho biết không thể điều trị do chân bệnh nhân đã hoại tử mạch máu, chuyển viện lên Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM).

Ở Bệnh viện Chợ Rẫy, các bác sĩ hội chẩn và thông báo: “Chân của Vi bị hoại tử mạch máu ảnh hưởng đến tính mạng”, bắt buộc phải cưa chân để giữ tính mạng cho Vi.

Vi, hoàn toàn không có cách lựa chọn nào khác.

Câu chuyện đau lòng này làm tôi nhớ đến chuyện một ngày mới đây, tôi đang công tác thì nhận được điện thoại của chị gái ở quê, chị bảo tôi có quen bác sĩ nào bên Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM không?. Cháu của tôi bị ngã gẫy tay.

Cháu tôi, tên Ngố. Ngố năm nay 21 tuổi. Ngày Ngố lên ba, Ngố nhiễm virus viêm não Nhật Bản. Anh chị cay đắng chữa trị mấy năm dài, Ngố tạm đi đứng được với tay và chân bại liệt.

Ngố khờ câm, Ngố không bình thường, suốt ngày nhoẻn miệng cười khi thấy tôi. Mỗi lần gặp tôi, cái tay lành của Ngố lúc nào cũng đưa số hai trước mặt, ý của Ngố là: “Cậu mua cho Ngố hai bộ bài”. Ngố thích những quân bài vì sắc màu của nó.

Ngố không có bạn, Ngố chỉ chơi một mình thôi. Những đứa trẻ ngày xưa chịu chơi với Ngố đều đã lớn, những đứa trẻ bây giờ thì không chơi với Ngố nữa. Ngố ngồi lì trên cái ghế nhựa, suốt hàng giờ, hàng ngày. Trời nắng, Ngố hay bị động kinh.

Trong lần động kinh cách đây vài tuần, Ngố ngã gẫy tay. Chị chuyển Ngố lên bệnh viện của thị xã, bác sĩ bó bột rồi chẩn đoán mổ. Khi chị gọi, tôi không yên tâm, tôi yêu cầu chị chuyển Ngố lên Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM.

Ở Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM, bác sĩ báo lại là không thể mổ tay cho Ngố, vì tiền sử bệnh của Ngố. Nếu mổ tay, chắc chắn sẽ nhiễm trùng nguy hiểm vì Ngố không đủ khả năng để kiểm soát vết thương sau mổ. Bác sĩ khuyên, chỉ có thể bó bột tay cho Ngố, sau khi vết thương lành tay Ngố sẽ hơi cong vênh, người ta quen gọi là cáng-vá.

Ban nãy, tôi gọi điện thoại về quê, chị nói tay Ngố đã hết sưng lẫn bầm rồi. Ngố cũng hết nhăn mặt vì đau rồi.

Thật sự thì không có bất cứ bác sĩ nào lại muốn bệnh nhân mình có biến chứng hay gặp vấn đề không tốt về sức khỏe sau điều trị. Tôi không tin chuyện các bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa huyện Cư Kuin (Đắk Lắk) cố tình tắc trách hay quan liêu để dẫn đến thảm cảnh mà Vi đang phải chịu đựng. Tôi chỉ nghĩ rằng, ý chí chủ quan được hình thành và tạo ra hậu quả nghiêm trọng, là do trình độ của các bác sĩ tại nơi này có vấn đề.

Không phải ngẫu nhiên là mỗi lần người dân quê bị bệnh, bị tai nạn họ đều gom góp vay mượn để lên bệnh viện tại các thành phố lớn để điều trị. Bất chấp, lãnh đạo Bộ Y tế đều luôn miệng than quá tải bệnh nhân, thiếu thốn giường bệnh, bác sĩ quá sức. Thêm nữa là bệnh viện tuyến dưới đủ khả năng, đủ nhân lực.

Đây là một bài toán mà mấy mươi năm nay hoàn toàn chưa có lời giải, khi mà lãnh đạo Bộ Y tế vẫn còn đang loay hoay tìm lời giải ấy thì chắc chắc những bệnh nhân không may như Vi sẽ vẫn còn, còn nhiều nữa là đằng khác. Ấy là một kiểu tội lỗi hồn nhiên.

Tội lỗi hồn nhiên hiện hữu càng nhiều, những bi kịch mà chúng ta phải nhìn thấy hay phải nhận lãnh càng tỉ lệ thuận. Đáng tiếc là dường như, ngành y tế vẫn chưa có sự quyết liệt để ngăn chặn tiến tới xóa bỏ hẳn những tội lỗi hồn nhiên như thế này.

Mà vì sao Ngố của tôi phải trở thành như hiện nay, tôi quên kể, khi Ngố ba tuổi Ngố sốt li bì. Bác sĩ ở quê khẳng định Ngố chỉ sốt thông thường và cho thuốc uống. Đến khi anh chị tôi đưa Ngố lên Bệnh viện Nhi Đồng TP.HCM thì đã muộn màng rồi.