VOV.VN -Bây giờ có rất nhiều người làm thơ, hay bị thơ làm. Nhưng có sao đâu. Khổ là khổ người làm thơ, chứ bạn đọc thì sướng chứ.
Bây giờ thì trên trời dưới thuốc. Chẳng thiếu loại thuốc gì. Mà toàn thuốc tốt. Nhưng cái thứ thuốc bạn tôi đang cần thì Bộ Y tế không có. Cũng chẳng có nước nào trên thế giới có!
Ông bạn vong niên của tôi là một nhà văn rất nổi tiếng, nếu nói tên, chắc bạn đọc sẽ biết ngay. Trong một lần, bên chén rượu thuốc, ông bảo tôi: “Ông đã bao giờ gặp bà Tiến Bộ trưởng Bộ Y tế chưa?”. “Chị Tiến có bao giờ xa dân đâu. Tôi “đụng” chị ấy cũng vài lần. Đều là tình cờ. Lần nào chị ấy cũng đều chủ động đến bắt tay. Có hôm chị ấy còn bảo: “Tôi với bác là đồng niên đấy!”. “Thế mà tôi già khú còn bà cứ như người đương thì ở cái tuổi 40!”. Chị ấy còn công khai số điện thoại để mọi người có chuyện gì thì báo thẳng cho chị ấy. Đấy là một người rất tử tế và rất có trách nhiệm!”.
“Thế thì lúc nào gặp bà ấy, ông cho tôi nhắn một lời…”. Ông muốn gì?”. “Muốn bà ấy cho quân sáng chế ra một loại thuốc đặc trị”. “ Thuốc gì?”. “Thuốc cai thơ!”. “Cái gì?”. “Thuốc cai thơ. Trước đây ra ngõ gặp anh hùng. Bây giờ ra ngõ gặp nhà thơ. Kinh bỏ bà! Có ông đói nhếch. Bụng đầy rau muống mà đi đâu cũng đọc thơ như ve. Đi họp ở đâu mà gặp “nhà thơ” là thế nào cũng bị “nhà thơ” dúi vào tay tập thơ mới. Cuối tập còn có cả hàng chục bài thơ được các nhạc sĩ nối tiếng phổ nhạc. Kinh bỏ bà!”. “Thì bây giờ ông cũng đang gặp nhà thơ đấy thôi”. “Tôi biết rồi. Không phải doạ. Ông làm thơ từ bé. Nhưng tôi có thấy ông bàn chuyện thơ hay đọc thơ ông ổng đâu. Trông ông cứ như phu đào huyệt. Ghê chết đi được!”
Tôi nghĩ, Thơ ca đồng nghĩa với cái đẹp. Nó thuộc về phái đẹp. Bởi thế, người ta mới gọi nó là nàng thơ. Tôi cứ hình dung nàng là một người đàn bà kiều diễm và lẳng lơ. Đã thế, nàng lại còn có đôi mắt lác ướt át. Chính con mắt lác này đã làm khổ người đời. Bởi anh nào theo đuổi nàng, cũng ảo tưởng ngỡ nàng liếc mắt đưa tình với mình, ngỡ nàng ngắm mình đắm đuối lắm. Thực tình, nàng chỉ là một mụ đỏng đảnh ích kỷ, nhưng lại rất có ý thức về cái nhan sắc đẹp đến bí hiểm của mình. Nàng núng nính đi giữa giới mày râu, con mắt lác lúng liếng tự ve vuốt hai bờ vai thon thả, óng nuột của chính mình.
Nàng tự yêu mình đấy. Nói theo ngôn ngữ của lứa tuổi “ô mai” là nàng đang “tự sướng”. Vậy mà gã si nào cũng ảo tưởng đang được nàng yêu. Ấy thế mới khổ! Khối anh hoá thân tàn ma dại vì đeo đuổi nàng.
Tôi có một ông bạn là nhà kinh doanh, giám đốc công ty giày dép. Một ông chủ giàu có, của nả đề huề. Thế rồi đùng một cái, hoá ra anh ngẩn ngơ, đến nỗi phải bán vật liệu, bán xí nghiệp, rồi bán nốt cả đất cát, nhà cửa, làm cái anh phá sản, chỉ còn thiếu nước đứng đường.
Khổ! Ăn phải bả nàng đấy!
Lại có anh nửa đêm đến gõ cửa nhà tôi: "Giời ơi, tao buồn quá, mày ạ! Hôm nay có hai thằng nát rượu phóng Honda, nó vặn đèn to hết cỡ, rồi dang tay ra chặn tao. Láo! Tao phóng thẳng vào giữa mặt chúng nó, thì giời ơi, hai thằng giời đánh ấy lại có phép tàng hình. Nó biến ngay thành cái xe tải. Lù lù một “thằng” bò ma. Chính cái “thằng” bò ma này đã "nghiến" Xuân Quỳnh với Lưu Quang Vũ đây. Láo! Tao lao thẳng vào giữa mũi nó. Chứ lại sợ nó à? Tao không sợ thì tất nó phải sợ tao. Thằng lái nhảy xuống, lạy như bổ củi: “Bố ơi, con biết bố muốn "thăng thiên" rồi. Nhưng bố thương con với. Con còn cả một đống vợ con. Con mà rũ tù thì chúng nó chỉ còn có một cách là đi ăn mày. Thôi, con biếu bố ba trăm ngàn để bố uống rượu. Rồi bố tha cho con! Hề! Thế là tao tha đấy. Tha! Biết thân biết phận thế thì tha. Láo!”
Rồi anh khóc ồ ồ. Gương mặt xồm xoàm râu ria nhem nhuốc nước mắt. Rồi anh ngồi bệt xuống sàn nhà, rút trong cái túi vải đựng thơ một chai rượu đế, rót ồng ộc ra cái cốc vại: "Sao, mày không uống được rượu à? Tịt hoàn toàn à? Giời ơi, thế thì mày khổ quá! Tao thương mày quá! Mày là thằng bất hạnh nhất ở cái thế gian này! Giời cho mày một tí may mắn, nhưng giời cũng lấy đi của mày nhiều thứ quá. Mày có biết mày là thằng khốn khổ, khốn nạn nhất thế giới không, hở Khoa? Tao thương mày quá".
Thế là anh lại khóc. Khóc vì thương tôi. Còn tôi thì trố mắt nhìn anh. Không ngờ anh đến nông nỗi này. Một kỹ sư hoá, Tiến sĩ Hoá học, từng du học nhiều năm ở nước ngoài, về làm ở nhà máy bánh kẹo. Một nhà máy lớn có tiếng ở Hà Nội. Nhiều lần cắp cặp đi nước ngoài. Anh chẳng còn thiếu thứ gì.
Nhưng những cái anh có, anh lại không thích. Anh chỉ thích cái anh không có. Đó là thơ ca. Đối với anh, chỉ thơ ca là vĩnh cửu. Chức tước to như ông giời rồi cũng ra ma. Tiền bạc, của nả rồi cũng ra ma. Chỉ có thơ ca là sống mãi. Bây giờ người ta vẫn còn đọc Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm. Mấy năm trước còn kỷ niệm 250 năm ngày sinh Nguyễn Du. Cả nước kỷ niệm ngày sinh của Đại thi hào. Mà ngày sinh lần thứ 250. Có ai sống được đến 250 năm không? Chỉ có ông Hoàng Thi Ca thôi. Mà không phải 250 năm, 2500 năm sau, người ta vẫn còn mừng sinh nhật ông Bành Tổ thơ này. Bởi thế, anh quyết định bỏ tất cả để đi làm thi sĩ. Nhưng chưa kịp thành thi sĩ, anh đã hoá con ma men mất rồi. Ăn phải bả của cô nàng mắt lác ấy rồi!
Bây giờ có rất nhiều người làm thơ, hay bị thơ làm. Nhưng có sao đâu. Khổ là khổ người làm thơ, chứ bạn đọc thì sướng chứ. Vì có rất nhiều thơ để đọc. Trong đó có không ít thơ hay. Thơ dở thì bỏ. Thơ hay thì nhâm nhi. Người đọc được quyền õng ẹo chọn lựa. Một cô gái đẹp, chỉ có mỗi một anh đến ve vãn thì thảm lắm. Bây giờ mình cũng chẳng phải sắc nước hương trời gì mà có hàng trăm anh đến vo ve thì sướng chứ. Tha hồ để kiêu, để chảnh. Ấy là cái sướng của bạn đọc bây giờ!
Nhà văn nổi tiếng Nguyễn Khắc Trường, tác giả của cuốn tiểu thuyết lừng danh “Mảnh đất lắm người nhiều ma” bảo: “Nhà nhà làm thơ – Người người làm thơ – Vè nhất định thắng – Thơ nhất định thua”. Thế mà đến nhà riêng Nguyễn Khắc Trường, thấy trên giá sách của ông xếp bao nhiêu thơ. Hoá ra cái ông “lắm người nhiều ma” này đang ngâm cứu thơ, giời ạ!. Còn ông nhà văn nổi tiếng, bạn vong niên của tôi, cái ông đang muốn nhờ bà Tiến sáng chế thuốc cai thơ, như một thứ thuốc cai nghiện, bây giờ lại “phơi nhiễm”. Vừa rồi gặp tôi, ông đùng đùng dúi vào tay tôi ba tập sách mới của ông. Không phải văn xuôi mà toàn thơ. Bây giờ mới đúng là “kinh bỏ bà!”./.