Chủ Nhật, 9 tháng 10, 2016

"Hầu Đồng" mong thăng quan tiến chức: Từ nghi thức tín ngưỡng đến biến tướng

Hoàng Linh - Thế Mỹ

(NTD) - Hầu đồng còn gọi là hầu bóng hoặc lên đồng. Đây là một nghi lễ, một hiện tượng tâm linh còn chứa đựng nhiều điều “bí ẩn” mà không ít người đam mê. Trong số những người theo nét văn hóa tín ngưỡng “Hầu đồng” này, một số cán bộ có chức, có quyền rất thành tâm khi đi “hầu đồng”, có cán bộ của Bộ Y tế đi "hầu đồng" điều một lúc 7 chiếc xe ô tô, đi cả trong giờ hành chính, đến bao trọn đền Bảo Lộc (tỉnh Nam Định) để ngồi "hầu đồng" mong được “thăng quan tiến chức”.

Một nghi thức thức tín ngưỡng

Lên đồng hay còn gọi là hầu đồng, hầu bóng, đồng bóng là một nghi thức trong hoạt động tín ngưỡng dân gian (dòng Saman giáo) của nhiều dân tộc, trong đó có tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Về bản chất, đây là nghi thức giao tiếp với thần linh thông qua các tín đồ Saman giáo (ông đồng, bà đồng). Theo văn hóa dân gian, nhiều người tin rằng các vị thần linh có thể nhập hồn vào thân xác các ông đồng, bà đồng nhằm phán truyền, diệt trừ tà ma, chữa bệnh, ban phúc, ban lộc cho các con nhang, đệ tử. Khi thần linh nhập vào đồng thì lúc đó các ông đồng, bà đồng không còn là mình nữa mà là hiện thân của vị thần nhập vào họ.

Người đứng giá hầu đồng gọi chung là Thanh Đồng, Thanh Đồng là nam giới thì được gọi là "cậu", nữ giới được gọi là "Cô hoặc Bà Đồng". "Cậu" thường mặc bộ quần áo lụa, mặt tô son điểm phấn (tóc có thể để dài như con gái). Thường có hai hoặc bốn phụ đồng (được gọi là nhị trụ hoặc tứ trụ hầu dâng) đi theo Thanh Đồng để chuẩn bị trang phục, lễ lạt...Trong một buổi lên đồng thì có rất nhiều "giá". Mỗi lần thay giá, người ta lại phủ lên "cậu" một tấm khăn lụa đỏ, sau đó bỏ ra và lúc này Thanh Đồng đang ở một "giá" mới và phải thay bộ trang phục xống áo, khăn chầu, cờ quạt, đồ hầu dâng... sao cho tương xứng với "giá" này.

Ngày nay, lên đồng vẫn còn là nhu cầu tâm linh, là hình thức sinh hoạt tín ngưỡng dân gian của một bộ phận người Việt. Các nghi lễ này thường được tổ chức nhiều lần trong một năm vào các dịp lễ tiết, thường là tại các lễ hội đền thánh, phủ mẫu... Ngoài việc lên đồng để giao tiếp với thần linh, truyền thống tín ngưỡng Việt Nam còn tin tưởng rằng sau khi chết, linh hồn người chết vẫn còn và theo dõi cuộc sống của người thân đang sống. Do đó, khi lên đồng, linh hồn của người chết có thể nhập vào đồng cô, đồng cậu (người gọi đồng) để trò chuyện với thân nhân đang sống. Thông qua cuộc trò chuyện âm-dương này, người sống sẽ biết được những yêu cầu của người thân quá cố về mồ mả để điều chỉnh và cúng xin cho phù hợp. Đồng thời, thông qua cuộc đối thoại này, người sống cũng biết được vận mạng tương lai của mình.

Tại Việt Nam ban đầu hoạt động lên đồng bị cơ quan chức năng xem là hoạt động mê tín dị đoan do nhiều trường hợp việc lên đồng đã bị nhiều người lợi dụng vào mục đích xấu. Tuy nhiên, nhiều hội thảo khoa học nghiên cứu về tín ngưỡng dân gian Việt Nam, trong đó đã nhận định hoạt động hầu đồng, nhiều ấn phẩm của các học giả đã được xuất bản.

Biến tướng của Hầu Đồng?

Tuy nhiên, theo GS Ngô Đức Thịnh - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu & bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam khẳng định: "Không có tín ngưỡng nào trên đời này dạy con người làm những điều xấu xa, chỉ có con người lợi dụng nó cho những mục tiêu xấu xa".

Giáo sư Ngô Đức Thịnh cho biết thêm: "Bản chất nguyên sơ của hầu đồng là hình thức hoạt động văn hóa tín ngưỡng tâm linh, nhưng hiện nay đang bị bóp méo và lợi dụng. Nhiều người lên đồng vì những lợi ích vật chất, và ở đó có nguy cơ trở thành môi trường kiếm tiền, làm giàu, trục lợi. Cái mà người ta gọi buôn thần, bán thánh".

Lợi dụng tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tội, nhiều nơi đã tổ chức Hầu Đồng theo kiểu bói tương lai: cần phải phò ông nào, bỏ bà nào…xem quá khứ: lính nào phản trắc, lính nào trung thành.

Thậm chí có dư luận cho rằng có người còn lợi dụng việc lên đồng để hăm hù, đe dọa và trù yểm các đối thủ quan trường, đối thủ kinh doanh của mình, hối lộ cả thần thánh để ám hại đồng nghiệp nhằm thăng quan tiến chức.

Ông Vụ trưởng Phạm Văn Tác yêu cầu mọi người "khẩn trương lên" để vào đền (ảnh cắt từ clip)
Theo ghi nhận, trong khoảng thời gian từ 12h đến 17h30 ngày thứ 7 (ngày 1/10/2016), một trong những ngày mà ông Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế) kéo đoàn xe đi "hầu đồng", đền Bảo Lộc chỉ tiến hành cầu “may mắn” cho ông Tác và không cho người lạ vào khu vực. Có tất cả 7 chiếc ô tô trong đoàn “hầu đồng” đến đền Bảo Lộc.

Trong buổi hầu đồng, theo nguồn tin cung cấp, ông Phạm Văn Tác mua lễ 110 triệu đồng, đặt lễ 80 triệu đồng và mục đích chính của việc này là cầu “thăng quan tiến chức”.

Quan sát tại đền, ông Tác chui vào gầm bàn đội lễ và liên tục cúi lạy song song với tiếng khẩn cầu của các vị sư thầy.

Được biết, trong 4 tháng qua, ông Tác đi "hầu đồng" đến 17 lần và mục đích chính cũng chỉ như lần này: “Thăng quan tiến chức”.

Theo quy định những điều Đảng viên không được làm thì  ông Phạm Văn Tác đã vi phạm quy định 47, ban hành ngày 1/11/2011.

Clip ông Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế) thành tâm hầu đồng mong "thăng quan tiến chức":