Chủ Nhật, 6 tháng 3, 2016

Phép nước ở đâu trong vụ Ba Vì?

ĐỨC HIỂN

(PL)- Trong một tuần, dư luận nóng lên bởi hai vụ việc động trời ở huyện Ba Vì, thủ đô Hà Nội.

Vụ thứ nhất, năm 2008 Bộ NN&PTNT có công văn đồng ý chủ trương liên kết đầu tư phát triển du lịch sinh thái tại Vườn quốc gia (VQG) Ba Vì, dựa trên công văn này trong năm đó Giám đốc VQG Ba Vì - ông Đỗ Khắc Thành đã ký hợp đồng liên kết với Công ty TNHH Phát triển công nghệ và bàn giao 56 ha để công ty này xây dựng, kinh doanh khu nghỉ dưỡng trong thời hạn 53 năm.

Công ty TNHH Phát triển công nghệ trả cho VQG Ba Vì phí đóng góp ban đầu là 200 triệu đồng; tiền bù đắp lợi ích khi triển khai xây dựng là 300 triệu đồng; tiền thuê đất là 150 triệu đồng/năm trong 50 năm. Như vậy, tổng số tiền mà VQG Ba Vì được hưởng trong vòng 50 năm vỏn vẹn chỉ 8 tỉ đồng.

Và từ đó dự án Le Mont Bavi Resort & Spa với hơn 50 phòng trong khu resort và các khu dịch vụ khác đã mọc lên khi chưa hề được Bộ NN&PTNT phê duyệt. Trả lời báo chí, ông Nguyễn Phi Truyền (Giám đốc VQG Ba Vì) nói rằng: “Việc chủ đầu tư xây dựng khu resort, chúng tôi cũng biết nhưng do nể nang nên chưa quyết liệt” (!?).

Vụ thứ hai là một khu resort có tên là Điền Viên Thôn với 57 căn biệt thự mọc lên ở xã Yên Bài, huyện Ba Vì và đã đi vào hoạt động kinh doanh, thậm chí chủ dự án còn rao bán các căn biệt thự này với giá hàng tỉ đồng mỗi căn. Điều oái oăm là khu resort này được xây dựng trên đất khai hoang, chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

UBND huyện và xã cho biết đã nhiều lần phạt hành chính và yêu cầu chủ đầu tư ngừng thi công, đề nghị dừng ngay việc cấp điện, nước đối với công trình vi phạm; cấm các phương tiện vận tải chuyên chở vật tư, vật liệu vào xây dựng công trình vi phạm. Tuy nhiên, chủ đầu tư không chấp hành. Khi UBND xã Yên Bài có công văn gửi chủ tịch UBND huyện Ba Vì báo cáo việc xử lý như trên và đề nghị Tổng Công ty Điện lực Hà Nội chỉ đạo Công ty Điện lực Ba Vì ngừng cấp điện thì khu nghỉ dưỡng Điền Viên Thôn vẫn được cấp điện bình thường.

Theo ông Bạch Công Tiến, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì, lý do chậm xử lý vụ việc này là do trưởng đoàn thanh tra của huyện ốm, phải điều trị kéo dài, còn ông phó đoàn thì đã chuyển công tác khác (?!).

Hai vụ việc xảy ra ngay tại thủ đô cho thấy pháp luật đang bị đùa cợt. Thứ nhất là các quy định về quản lý xây dựng, tài nguyên môi trường bị xem thường bởi chủ đầu tư lẫn cơ quan có trách nhiệm quản lý đất đai. Thứ hai là trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức chính quyền có liên quan. Ông chủ tịch huyện và ông giám đốc VQG Ba Vì có nắm được vụ việc không? Chắc hẳn là có. Vậy sao nó lại xảy ra trong cả một quá trình dài?

Theo Điều 8 Luật Cán bộ, công chức thì cán bộ, công chức phải thực hiện đúng, đầy đủ và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Ở đây, diễn biến của cả hai vụ cho thấy các ông chủ tịch UBND huyện và giám đốc VQG Ba Vì không chỉ thiếu quyết liệt, mà quan trọng hơn là thiếu trách nhiệm. Không thể nói khác khi sai phạm lớn như vậy diễn ra trước mắt, năm này qua năm khác mà không có biện pháp hữu hiệu để xử lý, đình chỉ xây dựng, buộc khắc phục.

Thêm một cái thiếu nữa là năng lực quản lý lẫn sự am hiểu pháp luật, trừ khi các ông cố tình dung túng cho cái sai ấy nghiễm nhiên tồn tại.
* * *

Theo thông báo của chủ tịch UBND phường Điện Biên (Ba Đình, Hà Nội), 8 giờ sáng nay đoàn cưỡng chế sẽ “cắt ngọn” cao ốc xây lố 8B Lê Trực. Đây cũng là một “con voi chui qua lỗ kim” mà dư luận từng bức xúc vì nó diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật tại trung tâm thủ đô. Dưới sức ép của dư luận, hàng loạt cán bộ liên quan đã bị xem xét trách nhiệm và đến nay công trình này bị cưỡng chế.

Người dân đòi hỏi hai công trình vi phạm ở Ba Vì cũng phải được xử lý rốt ráo như cao ốc 8B Lê Trực. Cạnh đó, cơ quan chức năng cần sớm xem xét trách nhiệm những người liên quan, nếu có dấu hiệu hình sự thì phải xử lý nghiêm. Có như thế kỷ cương, phép nước mới được đảm bảo.