Thứ Tư, 30 tháng 3, 2016

Nhiệm kỳ để nói và nhiệm kỳ để làm

Phạm Trung Tuyến

Khám Phá - Người dân và báo chí đã từng nức lòng trước những phát ngôn mạnh mẽ của vị "tư lệnh" ngành giao thông nổi tiếng. Nhưng cái mà người dân cần hơn cả là việc thực hiện những lời nói đó.

“Biển báo bất hợp lý, chưa thay được thì nhổ đi!” - tại hội nghị Tổng cục đường bộ sáng 14/1, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã thẳng thắn chỉ ra hàng loạt những yếu kém trong công tác quản lý của đơn vị này.

Vẫn là những lời nói khiến người dân và báo chí nức lòng, như ông vẫn thể hiện trong suốt gần 5 năm qua. Nhưng, những tiếng nói mạnh mẽ của vị “tư lệnh” ngành nổi tiếng, sau năm năm vẫn thế, và giờ, người ta nghe như thấy tiếng thở dài thả vào trong gió.

Gần 5 năm trước, khi mới trở thành vị “tư lệnh” của ngành GTVT, Bộ trưởng Đinh La Thăng với những phát ngôn táo bạo, quyết liệt đã tạo nên rất nhiều kỳ vọng của báo giới và người dân về một thế hệ chính khách mới, năng động, và quyết liệt.

Những tuyên bố của tân bộ trưởng Đinh La Thăng khi ấy như đốt xe vi phạm, trảm tướng, cán bộ ngành giao thông phải đi làm bằng xe bus và không chơi golf… dẫu có những vấn đề về tính hợp hiến, song đều gãi đúng vào những chỗ ngứa của bộ mặt giao thông Việt Nam. Nó khiến người ta tin tưởng vào sự tách ra của những cái vỏ kén tập thể để xuất hiện những cánh bướm mùa xuân, là những chính khách dám nói, dám làm và dám chịu trách nhiệm cá nhân.

Đúng là những cái kén đã tách ra. Sau 5 năm, Bộ trưởng Đinh La Thăng vẫn tiếp tục những phát ngôn mạnh mẽ, và vẫn chạm vào những vấn đề nóng như giá thành làm đường, như biển báo bất hợp lý. Ông nói về chuyện các doanh nghiệp nước ngoài có thể đưa công nghệ sửa chữa đường bộ với giá thành giảm hơn 30% nhưng 20 năm qua chưa tiếp cận nổi với Tổng cục đường bộ. Ông bức xúc về những tấm biển báo mà “trong khi chưa thay được thì hãy nhổ đi và cắm sau!”

Người dân muốn nghe những tiếng nói như thế từ ông Bộ trưởng. Bởi họ tin rằng khi ông Bộ trưởng hiểu được nỗi bức xúc của người dân, những vấn đề gây bức xúc sẽ được giải tỏa. Bởi ông là Bộ trưởng, là “tư lệnh” ngành, là người chịu trách nhiệm chính về những vấn đề đó.

Năm năm trước họ đã hy vọng vào nhiệm kỳ Bộ trưởng của ông. Giờ, khi mà một nhiệm kỳ đã kết thúc, những vấn đề bức xúc đã từng được Bộ trưởng nhìn thấy, nói ra, rất mạnh mẽ... vẫn chưa được giải quyết.

Ùn tắc vẫn tiếp tục gia tăng ở các đô thị lớn, xe bus vẫn chưa thể thay thế xe cá nhân, những con đường mới vẫn đắt nhất hành tinh, biến báo vẫn bất hợp lý... Và Bộ trưởng vẫn tiếp tục mạnh mẽ phát ngôn.

Những phát ngôn mạnh mẽ ấy đã từng được nhìn nhận như một sự quyết tâm 5 năm về trước, như một chỉ dấu rõ ràng của niềm hi vọng. Giờ đây, người ta nhìn thấy sự cô đơn, bất lực của ông trước chính những thuộc cấp của mình.

Ông Bộ trưởng có cô đơn không? Nếu những phát ngôn mạnh mẽ ấy đến từ trái tim chân thành, vì sao nó không được chuyển hóa thành sự thật trong khả năng quyết định của ông? Có lẽ nào những tuyên bố của vị “tư lệnh” đã không nhận được sự đáp ứng của những người thuộc cấp? Những thuộc cấp của ông không thể, hay không muốn đáp ứng những điều ông đã nói?

Bằng những phát ngôn mạnh mẽ của mình, Bộ trưởng Đinh La Thăng đúng là đã phá vỡ cái vỏ kén tập thể, cái vỏ kén khiến người ta nói khẽ cười duyên, ràng buộc người ta với lợi ích của những doanh nghiệp trục lợi từ chính sách. Nhưng nó chỉ vỡ ra, phơi bày những xác kén rồi để gió cuốn đi.

Người dân cần những Bộ trưởng biết nói thẳng, biết nhìn thẳng vào những vấn đề của ngành mình phụ trách, vào sự yếu kém của thuộc cấp. Song, nếu chỉ nhìn, và nói, dẫu những lời nói đó đã là sự dũng cảm và mạnh mẽ thì sự thay đổi cũng chỉ dừng ở lời nói mà thôi.

Bộ trưởng Đinh La Thăng đã nói rất nhiều, đã nhìn ra rất nhiều vấn đề bất hợp lý trong suốt một nhiệm kỳ 5 năm. Có lẽ, ông cần thêm một nhiệm kỳ nữa, một nhiệm kỳ mà những điều cần nhìn thấy đã nhìn thấy rồi, những điều cần nói đã nói rồi. Một nhiệm kỳ để ông thay đổi những điều đã nhìn thấy, và thực hiện những điều đã nói.