BizLIVE - Việt Nam bắt đầu trở thành một trong những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Theo dự báo Việt Nam sẽ trở thành một xã hội già vào năm 2040. Liệu điều này có thực sự đáng ngại đối với xã hội và kinh tế Việt Nam?
Báo cáo “Sống lâu và giàu có” do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 28/3 chỉ ra rằng việc già hóa dân số ngày càng trở nên phổ biến trên toàn thế giới, đặc biệt tại các nước Đông Á-Thái Bình Dương, và Việt Nam không là ngoại lệ.
Việt Nam sẽ là một xã hội già vào năm 2040
Theo báo cáo, trong hai thập kỷ vừa qua, Việt Nam đã được hưởng “lợi tức dân số” – sự thúc đẩy tăng trưởng kinh tế được tạo ra bởi lợi thế có được từ nhóm dân số đang ở độ tuổi lao động. Lợi tức này hiện đã được sử dụng gần hết: thành phần dân số ở độ tuổi lao động đã đạt đỉnh vào năm 2013 và hiện nay đang giảm xuống.
Theo các dự báo của Liên Hợp Quốc, con số tuyệt đối của người dân ở độ tuổi lao động sẽ bắt đầu giảm xuống nhanh chóng sau năm 2035. Số người Việt Nam trên 65 tuổi sẽ tăng từ 6,3 triệu người hiện nay tới trên 18 triệu người vào năm 2040, chiếm tới hơn 18% số dân và biến Việt Nam từ một xã hội trẻ thành một xã hội già.
Tới năm 2040, tỷ lệ phụ thuộc của người cao tuổi trên người lao động (số lượng người từ 65 tuổi trở lên trên 100 người ở độ tuổi từ 15 tới 64) sẽ tăng lên xấp xỉ 26 (hiện nay là 10), trong khi số lượng tuyệt đối người ở độ tuổi lao động sẽ bắt đầu giảm xuống.
Sự biến đổi dân số này sẽ tác động đến động lực tăng trưởng kinh tế, gây áp lực ngày càng tăng lên hệ thống hưu trí và y tế. Đặc biệt, vấn đề hệ thống chăm sóc cho người cao tuổi sẽ sớm trở thành một mối quan ngại lớn.
Tây và Ta không thống nhất quan điểm về già hóa dân số
Các chuyên gia trong nước và WB đã có những tranh luận về việc liệu thực trạng đó có thực sự đáng quan ngại hay không.
Ông Giang Thanh Long, Giám đốc Viện Chính sách công và Quản lý (IPPM), thuộc Đại học Kinh tế Quốc dân nêu quan điểm cần nhìn nhận vấn đề dân số già trong bối cảnh “động” và vòng đời những người già đã phải trải qua, qua đó mới có chính sách phù hợp.
Nếu nhìn vào người già hiện nay, cách đây mấy chục năm họ đã trải qua chiến tranh, cuộc sống vất vả và không có điều kiện để tích lũy thu nhập. Nếu chỉ nhìn như vậy sẽ thấy một bức tranh tối về người già ở Việt Nam, ông nói.
Việt Nam bắt đầu bước vào giai đoạn cơ cấu “dân số vàng”, số người trong độ tuổi lao động tăng lên rất mạnh và dự báo đạt đỉnh vào năm 2035. Nếu chúng ta đi theo sự dịch chuyển của dân số, Việt Nam hoàn toàn có thể tận dụng được những cơ hội rất tốt để chuẩn bị cho thời kỳ dân số già trong vòng 3-4 thập kỷ tới.
Theo điều tra của IPPM, hơn 50% những người trong độ tuổi 60-69 vẫn đang lao động và có thu nhập. Nếu chỉ sử dụng độ tuổi chính thức và về hưu thì đương nhiên số người già lao động còn ít.
“Chúng ta phải nhìn nhận dân số già với ánh mắt công bằng. Cái gì tối, cái gì sáng, cái gì chúng ta làm được và chưa làm được, để chúng ta chuẩn bị kỹ. Đừng nhìn người già với ánh mắt tối”, ông nhấn mạnh.
Ông Long cũng cho biết, về vấn đề nghỉ hưu, hệ thống hưu trí của Việt Nam không bền vững, bởi tỷ lệ đóng so với tỷ lệ hưởng là thấp. Trong số 22% đóng cho bảo hiểm xã hội, chỉ có 8% dành cho hưu trí, nhưng mức hưởng đến tận 75%. “Đầu vào thì ít mà đầu ra thì nhiều, đương nhiên Quỹ Bảo hiểm xã hội không chịu nổi”.
Chính vì lý do đó, già hóa dân số không phải là yếu tố làm cho cuộc sống trở nên “bi bét”, mà vấn đề chính là chính sách chưa thực sự thay đổi thích ứng với già hóa dân số, ông lưu ý.
Một đại biểu từ Viện Khoa học Lao động cho rằng, cần nhìn nhận sự già hóa là một thành tựu của sự phát triển. Sự già hóa của Việt Nam chịu sự tác động mạnh của chính sách kế hoạch hóa gia đình từ những năm 1980.
“Cần xem lại và nới lỏng chính sách kế hoạch hóa gia đình. Chính sách đó can thiệp hơi quá. Giống như chính sách tem phiếu, để một thời gian thì có lợi, nhưng để lâu quá thì có hại cho sự tăng trưởng của nhân khẩu”, bà cho biết.
Đồng quan điểm với ông Long, ông Nguyên Anh, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, cũng cho rằng một số người nhìn nhận sự già hóa một cách bi quan. “Không nên chỉ nhìn người già ở góc độ thu nhập. Người già có kiến thức, kinh nghiệm, vốn sống và giúp cho con cháu rất nhiều”, ông nói.
“Đừng bao giờ đem GDP để đo sự đóng góp của người già. Người già làm khu vực phi chính thức, người già đóng góp công sức cho con trẻ. Cần xem xét góc độ văn hóa trong nhận định về người già, bởi gia đình Việt Nam khác với gia đình phương Tây”, ông Nguyên Anh nói.