Đất Việt - Bộ LĐ-TB&XH cho biết, dịp lễ giỗ Tổ Hùng Vương năm nay người lao động được nghỉ liên tục 3 ngày và dịp lễ 30/4, 1/5 sẽ nghỉ liên tục bốn ngày.
Theo thông báo của Bộ LĐ-TB&XH về lịch nghỉ dịp lễ đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, lịch nghỉ lễ dịp này được tính như sau:
Dịp lễ giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch) vào đúng ngày thứ bảy (16/4) nên người lao động sẽ được nghỉ liên tục thứ bảy, chủ nhật và nghỉ bù vào thứ hai (18/4), tổng cộng nghỉ ba ngày.
Sau đó đúng hai tuần, ngày 30/4 và 1/5/2016 cũng rơi vào thứ bảy và chủ nhật nên người lao động được nghỉ bù thứ hai, thứ ba (2 và 3/5 liền kề), tổng cộng nghỉ bốn ngày.
Liên quan đến việc nghỉ này, trước đó nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam nghỉ lễ quá nhiều, điều này ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Theo TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, việc nghỉ lễ quá nhiều góp phần khiến cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam theo kiểu "đầu năm mua muối cuối năm mua vôi", tức là đầu năm tăng rất thấp, cuối năm lại "bò lên".
"Khi hội nhập đây sẽ là vấn đề lớn. Nếu nghỉ nhiều quá, hạnh phúc theo kiểu riêng của dân tộc vậy sẽ rất xung đột", ông nói.
Tuy nhiên, Bộ LĐ-TB&XH khẳng định, số ngày nghỉ lễ chính thức trong năm của Việt Nam vẫn thấp hơn Trung Quốc, Nhật Bản, Lào, Campuchia... và không ảnh hưởng đến kinh doanh.
Trong khi đó, từng trao đổi với Đất Việt, một số quan điểm cho rằng Việt Nam cần chấm dứt nghỉ ngà thứ 7 và nghỉ bắc cầu.
Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành nhận định, người Việt chưa giàu nhưng đã xài sang, "con nhà lính tính nhà quan".
"Cần phải chấn chỉnh lại gấp tác phong làm việc chậm chạp, lười biếng của người Việt bởi đất nước ta đã tụt hậu so với các nước khác, do đó cần có thời gian lao động cật lực, có kỷ luật và chất lượng. Còn như bây giờ, người dân cứ ham nghỉ, lại được nghỉ "bắt cầu", nghỉ dài, tiêu tốn thời gian vào việc tụ tập, ăn chơi, du lịch, dẫn đến tiêu pha vô lối , để đến khi bị chặt chém thì lại la làng", ông Nguyễn Văn Đực nhấn mạnh.
Ông Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng đề nghị cần giảm kiểu nghỉ bù để xóa tư tưởng đòi hỏi, vòi vĩnh, hưởng thụ nhiều, không vì lợi ích chung.